"Giải cứu" môn Lịch sử!

Kỳ cuối: Cần sự cải cách có tâm, có tầm

Cập nhật, 11:26, Thứ Sáu, 13/05/2016 (GMT+7)

Môn Lịch sử không chỉ đơn giản là dạy kiến thức mà đây là môn học dạy cho người trẻ biết truyền thống, hiểu sự đấu tranh anh dũng của dân tộc và thêm yêu, thêm tự hào về lịch sử Việt Nam.

Từ đó, trui rèn một thế hệ mới năng động, sáng tạo hết lòng xây dựng đất nước, hướng tới lợi ích của cộng đồng. Hãy giúp học sinh Việt Nam rành rọt lịch sử Việt Nam và tự nguyện yêu thích môn học này!

Cần phân bố nhiều thời gian hơn cho phần học lịch sử địa phương.
Cần phân bố nhiều thời gian hơn cho phần học lịch sử địa phương.

Cần “làm mềm” tiết dạy

Tuy học sinh giờ không còn mặn mà với môn Lịch sử, nhưng với vai trò của giáo viên, cần phải truyền đạt cho các em hết tất cả kiến thức.

Thầy Nguyễn Bá Khương- Trường THPT Phan Văn Hòa chia sẻ, chương trình Lịch sử rất nặng, khó nhớ với hàng tá ngày tháng đã cản trở các em yêu mến môn học này. Có học sinh rất đam mê nhưng việc học thật khó, kéo theo đó là quyết định “từ chối” môn
Lịch sử.

Thầy Nguyễn Bá Khương chia sẻ, với lượng kiến thức nhiều và chương trình vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất thì khó thu hút được học sinh.

Do đó, nếu Bộ GD- ĐT thay đổi chương trình thì cần phải nghiên cứu để tăng hiệu quả giảng dạy sao cho chương trình không quá nặng với các em.

“Có thể chú trọng đến những kiến thức quan trọng, giảm bớt những kiến thức không cần thiết như lịch sử thế giới (lựa chọn trọng tâm) để các thầy cô giáo có thể tập trung, đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp với khung thời gian
quy định”.

Đồng quan điểm với thầy Nguyễn Bá Khương, cô Võ Thị Thủy- Trường THPT Vĩnh Xuân còn cho rằng, nên có nhiều thời gian để các em đi tham quan, học tập ngoại khóa, bớt kênh chữ lại để các em dễ học và nhớ lâu.

“Nếu những kiến thức trong sách giáo khoa nhẹ nhàng, kết hợp với tham quan thực tế thì các em sẽ dễ nhớ và nhớ rất dai. Từ đó, hiệu quả kiến thức của môn Lịch sử sẽ được nâng lên, các em cũng không còn… ngán học bài nữa”- cô nói.

Là người rất tâm huyết với môn Lịch sử, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thiện- Trường THPT Vĩnh Xuân cho rằng, cần đề cao môn học này, bởi khi mình không hiểu được lịch sử của quốc gia, của dân tộc thì mình không thể làm được gì.

“Hiện nay, chương trình còn mang quá nhiều tính hàn lâm, nặng nề lý luận nên cần phải thay đổi để nhẹ gánh nặng kiến thức cho các em, song phải đảm bảo những kiến thức quan trọng”.

Học, hiểu, yêu thích

Hơn 90% học sinh cho rằng môn Lịch sử là môn học thuộc bài, tại sao vậy? Tại vì các em chỉ học vẹt chứ không hiểu và cũng không mấy hứng thú với môn học này.

Do đó, yêu cầu đầu tiên là cần một chương trình lịch sử ngắn gọn hơn, logic hơn; nội dung chương trình từng khối lớp, từng cấp học phải phù hợp lứa tuổi, tránh trường hợp các sự kiện lặp đi lặp lại “mà học sinh cũng không hiểu bao nhiêu”.

Ths.Trần Minh Thuận- Phó trưởng Bộ môn Lịch sử- Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ: “Mới lớp 4, 5 mà các em phải học các khái niệm “chủ nghĩa tư bản”, “chủ nghĩa thực dân”.

Đừng giết chết tình yêu lịch sử trong lòng các em nhỏ bằng những thứ mà khi lên ĐH các em mới được dạy,… Còn nhiều học sinh THPT đề nghị “Lịch sử của tiểu học phải có nhiều hình ảnh đẹp, kết hợp với truyện tranh và phim hoạt hình”. Quả là một kiến nghị thú vị và hết sức thiết thực.

Một bất ngờ của chúng tôi khi khảo sát để viết loạt bài này là nhận được nhiều ý kiến độc đáo của học sinh như thế. Qua đó, có thể thấy, nhiều em rất quan tâm đến nhiều sự kiện của đất nước và không hề hời hợt trước thời cuộc.

Không ít ý kiến nêu: “Lịch sử thì phải đầy đủ, phải học về chiến thắng và cả những thất bại, những sai lầm của ta. Thêm vào các sự kiện như hải chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, hải chiến Trường Sa 1988”.

Một vấn đề ít được nhắc đến trong chương trình môn Lịch sử chính là nhân vật. Trong đó, có rất nhiều nhân vật học sinh chỉ biết tên, năm sinh và năm mất mà không rõ người ấy có những chiến công vang dội như thế nào, đã giúp ích gì cho dân tộc,…

Học sinh còn nêu ra cụ thể những cái tên như: Trần Hưng Đạo, Quang Trung- Nguyễn Huệ. Hay những con người thời đại sau này như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt,…

Thầy Nguyễn Minh Thiện nhấn mạnh: Làm sao để khi học lịch sử không phải là học thuộc lòng, vì hiện học sinh nào thuộc bài (càng giống sách giáo khoa) thì điểm thi càng cao. Bởi học để hiểu, thi để đánh giá xem hiểu bao nhiêu chứ học không chỉ để thi.

“Học” đi đôi với “hành”

Rất nhiều ý kiến cho rằng, môn Lịch sử đang cần hình ảnh nhiều hơn, cần những bộ phim tư liệu hấp dẫn hơn. Học đi đôi với ngoại khóa, học trong bảo tàng. Hơn 50% ý kiến học sinh cho rằng cần kết hợp những chuyến thực tế, dã ngoại; minh họa hình ảnh trong tiết dạy Lịch sử.

Sinh hoạt truyền thống, sân khấu hóa giúp học sinh dễ tiếp thu và thêm yêu môn Lịch sử.
Sinh hoạt truyền thống, sân khấu hóa giúp học sinh dễ tiếp thu và thêm yêu môn Lịch sử.

Một số trường học hiện nay đã tổ chức ngoại khóa cho các em nhưng “mỗi năm một lần thì không thấm vào đâu được”. Học trong bảo tàng cũng là một ý hay vì khi nhìn những hiện vật, học sinh sẽ thấy thú vị và dễ tiếp thu hơn nhiều.

Thầy Nguyễn Văn Mười- giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Lưu Văn Liệt cũng đau đầu vấn đề này. Trước hết vì muốn sắp xếp cho các em đi không phải dễ, một giáo viên không thể hướng dẫn cho một đoàn học sinh. Thêm vào đó, thời gian học ngoại khóa cũng hạn chế, khoảng 1 lần/ học kỳ.

Những đề nghị về thay đổi cách chấm điểm hay “đề mở, đáp án mở” rất phổ biến. Bởi, áp lực điểm số bắt buộc học sinh phải chọn những môn học dễ kiếm điểm trong kỳ thi.

Đó là chưa kể đến việc cần tôn trọng những ý kiến riêng, những ý tưởng riêng của học sinh “không thể bắt học sinh có suy nghĩ như người ra đáp án, đúng đến từng chi tiết nhỏ được”- nhiều học sinh góp ý.

Lịch sử còn cần xã hội chung tay giúp sức bằng sức mạnh truyền thông như phim ảnh trên truyền hình. Một học sinh lớp 12A2, Trường THPT Tân Lược (Bình Tân) cho rằng: “Em cần những bộ phim hay về lịch sử- nhất là các triều đại như trang phục, cách ăn ở, tục lệ…” Thực tế, có quá nhiều phim của nước ngoài và học sinh Việt Nam có thể rành lịch sử của họ hơn lịch sử Việt Nam.

Lịch sử địa phương càng phải được chú trọng, thầy Hiệu trưởng Lê Hữu Rí- Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (Vũng Liêm) cho rằng: Phải dạy cho học sinh biết quê hương mình, biết yêu, biết quý mảnh đất mình đang sống. Vì đó không chỉ là nơi đất ở mà còn là linh hồn của cha ông đã đổ máu xương để
giành lấy.

Thiết nghĩ, mạnh dạn đổi mới, đổi mới căn bản toàn diện để lịch sử đi vào lòng học sinh để nó xứng tầm với vị trí vốn có của nó là vô cùng cần thiết. Cũng như những cuộc cách mạng trong khoa học công nghệ, môn Lịch sử cần một cuộc cách mạng để tồn tại và phát triển. Làm được điều này, đòi hỏi người soạn sách phải có tư duy mới, phải có cái tâm và cả cái tầm.

Trong khi đó, một ý kiến khác nhấn mạnh rằng, xã hội cần có cái nhìn tôn trọng và tạo được mức thu nhập ổn định đối với những ngành liên quan đến môn Lịch sử. Bởi đó không chỉ dừng lại ở lợi ích trước mắt mà còn là sự lâu dài trong việc duy trì việc trao truyền lịch sử quốc gia cho nhiều thế hệ mai sau…

Ths.Trần Minh Thuận- Phó trưởng Bộ môn Lịch sử (ĐH Cần Thơ)

“Những người quan tâm đến giáo dục lịch sử đều đang trông chờ vào một chương trình sách giáo khoa mới phù hợp hơn với hoàn cảnh lịch sử hiện tại. Theo tôi, thời buổi công nghệ thông tin, việc tra cứu trở nên dễ dàng thì nên viết cô đọng lại, bớt đi những mốc thời gian và số liệu. Biên soạn sách theo tiêu chí phát triển năng lực của người học, tích hợp liên môn một số vấn đề quan trọng nếu thấy cần thiết. Bên cạnh đó cũng cần thay đổi cách đánh giá như Bộ GD- ĐT đang tiến hành hiện nay”.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thiện- Trường THPT Vĩnh Xuân

Môn Lịch sử đang cần sự thay đổi đồng bộ: Trước hết là ra đề mở thì chấm cũng phải “mở”. Kiến thức lịch sử đưa vào chương trình học phải vận dụng vào cuộc sống, để các em hiểu và thích thú chứ không phải học để thi. Thêm vào đó, phải xem môn Lịch sử là môn học quan trọng để giáo dục thế hệ trẻ, mất gốc là không được. Nội dung bài học phải ngắn lại, tăng kênh hình, phim, tiểu phẩm.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY