"Bắt tay" để vực dậy du lịch ĐBSCL

Kỳ cuối: "Muốn đi xa phải đi cùng nhau"

Cập nhật, 08:19, Thứ Tư, 30/03/2022 (GMT+7)
Lãnh đạo các địa phương thực hiện nghi thức khởi động lại du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Lãnh đạo các địa phương thực hiện nghi thức khởi động lại du lịch trong điều kiện bình thường mới.
 
Ngay tại thời điểm mở cửa đón khách trở lại, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL đã nhanh chóng cùng nhau liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch. Có lẽ chưa bao giờ câu nói “muốn đi xa phải đi cùng nhau” lại đúng với triết lý kinh doanh du lịch như lúc này…
 
Cộng lực để phát triển du lịch bền vững
 
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được khởi động từ năm 2019. Ngay sau khi Chính phủ quyết định mở cửa lại du lịch ngày 15/3/2022 thì vào ngày 18/3 tại Bạc Liêu, UBND TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL tiến hành ký kết quy chế phối hợp nhằm cụ thể hóa thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch. 
 
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa- Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL hình thành 3 trục tuyến du lịch như: “Những nẻo đường phù sa”, “Non nước hữu tình” và “Sắc màu vùng biên”. Trên cơ sở 3 trục tuyến này đã phát triển hơn 50 tour kích cầu từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh. Qua đó, đã kết nối, đưa hơn 152.000 du khách về tham quan, trải nghiệm tại khu vực ĐBSCL. Trong quý IV/2021, các doanh nghiệp du lịch lữ hành còn khảo sát và xây dựng hơn 20 chương trình du lịch liên kết giữa các tỉnh ĐBSCL để phục vụ du khách theo chương trình thích ứng an toàn với COVID-19. Song song đó, tận dụng triệt để các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch vùng…
 
Thời gian tới, chương trình liên kết sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về du lịch với các nội dung định kỳ, như: tổ chức diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 2 tại Đồng Tháp; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề về phát triển du lịch nhằm tháo gỡ các khó khăn, hạn chế về hạ tầng giao thông, cơ chế, chính sách phát triển du lịch của liên kết vùng… Ngoài ra, việc phối hợp tổ chức hội nghị quốc tế về xúc tiến, mời gọi đầu tư du lịch vào TP Hồ Chí Minh, vùng ĐBSCL và 5 tỉnh Đông Nam Bộ cũng là một trong những nhiệm vụ then chốt.

 

Không gian giao thương là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm du lịch mới lạ.
Không gian giao thương là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm du lịch mới lạ.
Ông Đoàn Văn Việt- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét, liên kết phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả. 
 
Trong khuôn khổ chương trình liên kết vừa qua còn diễn ra không gian giao thương kết nối hơn 160 doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh và các vùng trọng điểm với các đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội tốt cho tất cả doanh nghiệp du lịch giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch an toàn, mới lạ, góp phần hình thành tour liên kết giữa các địa phương ngày càng đa dạng hơn, thúc đẩy du lịch trong giai đoạn “bình thường mới”. 
 
Nhiều đề xuất cho hành trình phía trước
 
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng: Tuy có tiềm năng để trở thành điểm du lịch trong tương lai, nhưng một số điểm khảo sát ở ĐBSCL đa phần còn khá mới mẻ, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế (chỉ lưu thông được bằng xe nhỏ), hạ tầng dịch vụ còn yếu (lưu trú, tàu thuyền, bến tàu, nhà hàng…) đang xây dựng, số lượng còn ít, nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đạt chuẩn, chưa đảm bảo an toàn và vệ sinh nên chưa thể khai thác ngay, cần thêm thời gian để đầu tư, hoàn thiện và đào tạo tay nghề.
 
“Trong tình hình dịch bệnh, cần liên kết xây dựng cập nhật các bộ tiêu chí an toàn du lịch với COVID-19 để tạo sự thuận lợi an toàn cho du khách trong các sản phẩm đến với khu vực ĐBSCL. Trong đó, cần thiết có sự liên kết chặt chẽ quy trình, quy định về du lịch, về giao thông, về y tế để tạo sự đồng bộ, cơ bản thống nhất trong việc đón, phục vụ và xử lý ứng xử các trường hợp phát sinh ca mắc COVID-19 của du khách theo hướng thuận lợi, an toàn, an tâm cho du khách”- ông Võ Anh Tài đề xuất.
 
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết: “Sau khi liên kết, ĐBSCL đã cho thấy sự phân vai rõ hơn, chia thành các cụm miền Đông, cụm phía Tây và từng tỉnh đều tìm kiếm nét khác biệt cho sản phẩm du lịch của mình, không phải nơi nào cũng đờn ca tài tử hoặc miệt vườn sông nước… Đây là điều tích cực bởi khách đi tour không cảm thấy trùng lắp nhưng trong xây dựng sản phẩm cần làm rõ hơn sự đặc sắc của từng nơi đi qua”.
 
Để du lịch khôi phục nhanh nhất sau thời gian dài chịu tác động nặng nề của đại dịch, các doanh nghiệp cho rằng rất cần sự hỗ trợ nhằm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ưu đãi lãi suất. Ông Trần Hữu Tài- Quản lý Bamboo Garden (Hậu Giang) chia sẻ, cần triển khai nhanh chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và nếu thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng hơn sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, thêm sản phẩm mới cho lộ trình phục hồi.

 

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL ký kết Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL ký kết Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch.
Mong muốn liên kết phát triển du lịch, góp phần đưa Việt Nam là lựa chọn du lịch hàng đầu hậu COVID-19, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu thời gian tới, các tỉnh thành cần tiếp tục mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn phòng chống dịch; phát huy kết quả đạt được, phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu thế mới của thị trường. Đồng thời, tăng cường liên kết truyền thông, xúc tiến, quảng bá thu hút khách; thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.
 
Cộng lực cùng nhau, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch linh động, phát huy nội lực và tăng cường liên kết. Ngành du lịch phải đồng hành với du khách bằng chất lượng dịch vụ, bằng giá cả hợp lý, bằng các chương trình kích cầu linh hoạt và cầu thị... Tất cả “bắt tay” cùng nhau để vực dậy du lịch ĐBSCL nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. 

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo năm 2022 lượng khách du lịch quốc tế có thể tăng từ 30- 78% so với năm 2021. Tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, kết hợp với việc nới lỏng các hạn chế đi lại đã giúp giải phóng nhu cầu du lịch bị dồn nén tại các quốc gia. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn cầu đã thực sự quay trở lại.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY