Vĩnh Long "dọn đường" cho du lịch phát triển

Cập nhật, 22:03, Thứ Sáu, 12/02/2021 (GMT+7)

 

 Làng gạch gốm Mang Thít được kỳ vọng là điểm đến hút khách trong tương lai của tỉnh Vĩnh Long.
Làng gạch gốm Mang Thít được kỳ vọng là điểm đến hút khách trong tương lai của tỉnh Vĩnh Long.

Du lịch Vĩnh Long đã trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, đây là khoảng thời gian đủ để khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch cả nước. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định du lịch là một trong những trọng điểm được tập trung đầu tư phát triển. Những đề án du lịch độc đáo, có thể nói là “độc nhất vô nhị” của cả nước đang được Vĩnh Long bắt tay vào thực hiện, “dọn đường” cho du lịch phát triển trong tương lai.

Khai thác những tiềm năng riêng có

Một trong những đề án du lịch trọng điểm mà tỉnh Vĩnh Long hướng tới để tạo sản phẩm du lịch đặc thù là Đề án Di sản đương đại làng gạch gốm Mang Thít. Vĩnh Long đang đẩy nhanh tiến độ, cố gắng trong năm 2021 sẽ khởi động và bắt đầu kêu gọi đầu tư.

Ông Phan Văn Giàu- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- cho biết: “Đề án Di sản đương đại rất quan trọng để tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của Vĩnh Long, độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã cho chủ trương thành lập dự án và quy hoạch 3.000ha, trải rộng trên 4 xã, lấy kinh Thầy Cai làm đường chủ đạo. Hiện nay chúng tôi đã mời một số nhóm tư vấn, cả đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng hoàn toàn ủng hộ. Bước đầu quy hoạch phân khu chức năng, bảo tồn, trưng bày, giáo dục, sản xuất, chợ xưa, đêm biểu diễn nghệ thuật ở cánh đồng, sẽ xây đài cao 7- 8 tầng, là nơi ăn uống, có thể ngắm toàn bộ khung cảnh hơn 1.500 lò gạch, có nhà hàng, nơi trưng bày, homestay,…

Chúng tôi đã họp dân trình bày ý tưởng, tất cả đều ủng hộ. Chủ trương chung là các lò gạch tạm dừng sản xuất theo kiểu truyền thống vì gây ô nhiễm môi trường, phải chuyển sang lò nung liên hoàn”.

Du lịch sông nước gắn với trải nghiệm cuộc sống của người dân.
Du lịch sông nước gắn với trải nghiệm cuộc sống của người dân.

Là người có thực tiễn làm nghề và công tác quản lý du lịch lâu năm, có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ- Giám đốc Công ty TNHH Lửa Việt (TP Hồ Chí Minh)- đã không giấu được cảm xúc về làng nghề Mang Thít: “Nhiều năm làm hướng dẫn viên, tôi đã đi khắp các nước Đông Nam Á và có thể khẳng định làng gốm ở Mang Thít là điểm độc nhất chỉ có ở Vĩnh Long. Những nơi khác có vài chục lò gạch trong khi Vĩnh Long có hàng ngàn cái, tài sản này quá lớn, chỉ cần làm tốt du lịch ở điểm này thì Vĩnh Long đủ sức đặc biệt hơn tất cả các tỉnh khác”.

Chuyến thăm Vũng Liêm bắt đầu từ hành trình thăm quần thể khu nhà ở thân sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt; quần thể di tích Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao; tượng đài Nam Kỳ khởi nghĩa; thăm chùa Hạnh Phúc Tăng. Vượt sông để đến với cù lao Dài, thăm lăng mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu, trải nghiệm ở làng nghề và cánh đồng lác...

Ông Phan Văn Giàu chia sẻ, trong tương lai, Vũng Liêm còn một điểm mới hấp dẫn là Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL rộng 11ha nằm gần quần thể Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trước di nguyện của cố Thủ tướng, các tỉnh ĐBSCL đã có văn bản đồng thuận xây dựng bảo tàng và đồng ý góp sức. Bảo tàng có 3 chức năng: khoa học, trải nghiệm và giới thiệu đặc sản nông nghiệp khắp các tỉnh ĐBSCL. Khi mà Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL được hình thành, Vũng Liêm có thể kết hợp với tour văn hóa lịch sử, cù lao miệt vườn, xây dựng những sản phẩm dài ngày để du khách lưu lại đây khám phá và có những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Để “nối dài” bước chân du khách

Ngày 3/11/2020, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long nhằm xác định và xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc thù của tỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch tỉnh nhà. Nội dung của đề án chủ yếu tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch đặc thù: du lịch homestay là sản phẩm chủ lực; du lịch nông nghiệp là sản phẩm bổ trợ; du lịch làng nghề và du lịch văn hóa.

Ngoài ra, các đề án, dự án, các công trình thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch, chính sách hỗ trợ, công tác đào tạo nhân lực, công tác quảng bá xúc tiến du lịch… cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn từ lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành. Công tác quy hoạch vùng, du lịch trọng điểm đã thực hiện và đưa vào Đề án quy hoạch phát triển văn hóa và du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, hàng năm, tỉnh và các địa phương kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng và phát triển vùng du lịch. Về cơ sở hạ tầng, bến tàu du lịch TP Vĩnh Long sẽ sớm hoàn thành để tập trung đưa rước khách, kiểm tra các tàu.

Để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch của Vĩnh Long, lần đầu tiên tỉnh tổ chức cuộc thi “Người đẹp Du lịch Vĩnh Long 2021” đại diện cho hình ảnh du lịch, với quy mô, tầm vóc của khu vực. Một cơ hội tốt để giới thiệu Vĩnh Long trong bối cảnh trầm lắng của ngành du lịch vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hát bội góp phần tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh.
Hát bội góp phần tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh.

Thu hút được du khách thì chỉ mới là thành công bước đầu, trong du lịch điều quan trọng chính là xây dựng dịch vụ và phẩm chất dịch vụ xung quanh, đó mới là bài toán của lợi nhuận và để du khách quay trở lại lần nữa. Với nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, với sự trợ giúp của những đơn vị, cá nhân có đủ tầm chuyên môn, có đủ tiềm lực kinh tế để có thể làm du lịch một cách bài bản... Vĩnh Long “dọn đường” cho du lịch phát triển và đặt kỳ vọng “nối dài” bước chân du khách trong tương lai.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THƯ