"Việt Nam- Vẻ đẹp bất tận"

Cập nhật, 17:21, Thứ Hai, 22/08/2016 (GMT+7)

Đây là tiêu đề được chọn làm thương hiệu du lịch quốc gia vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công bố trong Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Du lịch ĐBSCL phát triển thương hiệu gắn với du lịch sinh thái sông nước. Trong ảnh: Du khách tham quan cù lao An Bình (Long Hồ) bằng tàu
Du lịch ĐBSCL phát triển thương hiệu gắn với du lịch sinh thái sông nước. Trong ảnh: Du khách tham quan cù lao An Bình (Long Hồ) bằng tàu

“Việt Nam- Vẻ đẹp bất tận” có tên tiếng Anh là “Việt Nam- Timeless Charm”, lấy hoa sen làm biểu trưng, với 5 cánh và 5 sắc màu tượng trưng cho ý nghĩa cao quý của vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam. Các giá trị của thương hiệu du lịch Việt Nam được truyền tải qua 4 dòng sản phẩm: Du lịch văn hóa, du lịch biển đảo, du lịch gắn với thiên nhiên và du lịch thành phố.

Bộ VHTTDL cũng định hướng phát triển thương hiệu du lịch cho 7 vùng và địa phương trong cả nước. Trong đó, vùng trung du miền núi Bắc bộ và Tây Nguyên phát triển thương hiệu du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái núi và văn hóa dân tộc thiểu số; vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng là di sản thiên nhiên và văn hóa nền văn minh lúa nước; vùng Bắc Trung bộ gắn với sản phẩm đặc trưng là di sản văn hóa thế giới; vùng duyên hải Nam Trung bộ gắn với du lịch nghĩ dưỡng biển đảo; vùng Đông Nam bộ gắn với sản phẩm du lịch thành phố và du lịch MICE; du lịch vùng ĐBSCL gắn với du lịch sinh thái sông nước.

Kế hoạch hành động của Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam được thực hiện qua 2 giai đoạn: giai đoạn triển khai Chiến lược từ năm 2016- 2020 và giai đoạn 2021- 2025 sẽ tổng kết, đánh giá công tác triển khai Chiến lược theo mục tiêu đến năm 2025, thương hiệu du lịch Việt Nam được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm bên cạnh các giá trị, thuộc tính tiêu biểu và thống nhất.

Tin, ảnh: MINH TÂM