Thưởng ngoạn ở Hậu Giang

Cập nhật, 09:19, Thứ Hai, 11/07/2016 (GMT+7)

Lợi thế của vùng đất Hậu Giang là có cả du lịch đỏ lẫn du lịch xanh. Dịp Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016) diễn ra tại tỉnh, ngành du lịch đã xây dựng những tua ấn tượng, sẵn sàng phục vụ du khách.

Đường vào rẫy khóm Cầu Đúc, nơi được ngành du lịch tỉnh chọn xây dựng vùng du lịch cộng đồng.
Đường vào rẫy khóm Cầu Đúc, nơi được ngành du lịch tỉnh chọn xây dựng vùng du lịch cộng đồng.

Nhiều điểm đến ấn tượng

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Bốn tua mà chúng tôi xây dựng vừa đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách, vừa giới thiệu các điểm đến thú vị, các làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống của tỉnh để quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư, tiếp tục tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực du lịch”.

Bốn tua được xây dựng là những tua đi về trong ngày và gần như giáp hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, từ thành phố Vị Thanh, qua huyện Vị Thủy, xuống huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, rồi về thị xã Ngã Bảy.

Với các điểm đến là Di tích Chiến thắng Chương Thiện - Di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình - Rẫy khóm Cầu Đúc; Chợ nổi Ngã Bảy - Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân - Làng đan cần xé - Làng đóng ghe xuồng - Di tích Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ - Vườn dâu Thiên Ân; Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ - Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; Đền thờ Bác Hồ - Vùng quýt đường Long Trị - Rừng tràm Vị Thủy.

Bốn tua đã giới thiệu tổng quan bức tranh du lịch Hậu Giang, những điểm đến tiêu biểu, có giá trị lịch sử đặc biệt.

Về Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, một công trình có ý nghĩa to lớn không chỉ với người dân Hậu Giang, mà còn ở người dân khu vực, mang giá trị nhân văn và tâm linh sâu sắc, sẽ thấy được hình ảnh nhiều người dân địa phương ngày ngày vẫn thể hiện tấm lòng với vị Cha già kính yêu của dân tộc, khi đến đây chăm nom đền thờ.

Sẽ nghe được câu chuyện gầy dựng đền thờ từ những năm chiến tranh ác liệt nhất, để tưởng nhớ ngày Bác mất.

Đến Di tích Chiến thắng Chương Thiện, du khách sẽ được xem những hình ảnh đặc biệt, nghe những câu chuyện kể về chiến tích chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch ở địa bàn Chương Thiện năm 1973.

Một thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ huy sáng tạo, tài tình của Đảng, mà trực tiếp là Khu ủy và Quân Khu ủy Khu 9.

Một chiến thắng của tinh thần đoàn kết gắn bó quân với dân. Cũng tọa lạc tại thành phố Vị Thanh, khi về thăm Di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình, cách thành phố trẻ khoảng 5km, du khách sẽ được nghe câu chuyện về đơn vị 4053, thuộc Tiểu đoàn 410 của tỉnh Cần Thơ, cùng phối hợp đặt thủy lôi cùng hàng ngàn ký thuốc nổ để đánh tàu chiến của Pháp, diệt khoảng 400 tên địch.

Ngược về Phụng Hiệp, du khách sẽ đến với một không gian lịch sử xanh, đó là Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, là nơi được Tỉnh ủy Cần Thơ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, tấn công làm thất bại âm mưu bình định của địch.

Di tích được khởi công xây dựng vào đầu tháng 2-1972, tại nền nhà của Bà Bái - một địa chủ ngày xưa, nên người dân quen gọi là “Căn cứ Bà Bái’’… Những di tích này sẽ cung cấp nhiều tư liệu lịch sử, đủ để du khách hình dung về quá trình đấu tranh của vùng đất anh hùng Hậu Giang.

Những ai yêu thích du lịch xanh, sẽ khó lòng bỏ qua Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, rộng hơn 2.800ha, được mệnh danh là “lá phổi của đồng bằng”.

Nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo với trên 330 loài thực vật, 206 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang, bạc má, cà cuốc, giang sen, cò lạo xám, ác là, càng đước, cua đinh, rùa vàng, cá còm… hay rừng tràm Vị Thủy, một nét đẹp của miền sông nước, không gian gần gũi, nhưng cũng rất “chất” và nên thơ.

Làng nghề độc đáo, món ăn đậm đà

Ở đất Hậu Giang, làng nghề khá đa dạng, nổi bật nhất là làng đóng ghe xuồng và đan cần xé ở thị xã Ngã Bảy. Đây là những làng nghề lâu đời của Hậu Giang, tồn tại trên 50 năm, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, chuyên chở, vận chuyển hàng hóa của người dân vùng chợ nổi xưa.

Giờ, sự xôm tụ của làng nghề không còn như trước, nhưng nơi đây vẫn giữ được nét riêng và đặc thù khó hòa lẫn. Hậu Giang còn có rất nhiều làng nghề làm than, chằm lá lợp nhà, làm gạch, nghề rèn, dệt chiếu…

Nếu có thời gian, đây cũng sẽ là những nơi tham quan lý tưởng, bởi du khách được hòa mình trong nếp sinh hoạt, để biết được từng công đoạn của công việc, để hiểu và thêm trân trọng những sản phẩm làm ra từ bàn tay cần cù, sáng tạo và khéo léo của người dân…

Trong suốt các chuyến hành trình, du khách có thể thưởng thức ẩm thực Hậu Giang sau khi đã đến các di tích, làng nghề.

Món ăn nhắc đến là biết Hậu Giang như cháo lòng Cái Tắc nức tiếng, có vị đậm đà khó quên, hay bánh xèo củ hủ dừa với thịt vịt bầm ở Vị Thanh để lại những dư vị riêng với ai được một lần thưởng thức. Rồi chả cá thát lát nấu canh khổ qua, cá thát lát muối sả chiên… chắc chắn sẽ giúp du khách vừa bụng khi đã đi tham quan mệt nhoài.

Nếu muốn hòa nhịp với thiên nhiên, du khách nên về Lung Ngọc Hoàng ăn mắm cá lóc chưng, cùng với rổ rau đồng tươi nguyên có cả đặc sản đọt choại…

Khi về, trong hành trang mang theo chắc chắn không thể thiếu những đặc sản Hậu Giang để làm quà như vài trái khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy, bưởi Năm Roi Phú Hữu ở Châu Thành A…

Mỗi điểm đến có nét riêng, mỗi món ăn có vị ngon riêng, mang đậm chất dân dã, có cả tấm lòng của người dân hiền lành, chân chất, hiếu khách. Để ai đã một lần được đến, được đi và thưởng thức sẽ nhớ mãi và luôn mong có một lần trở lại Hậu Giang…

Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết, tại các điểm di tích trong 4 tua du lịch, bảo tàng cũng đã dọn dẹp cảnh quan sạch sẽ và chuẩn bị đội ngũ thuyết minh đủ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Những ai muốn mua quà tại các điểm này cũng có nón tai bèo, áo thun có in hình di tích lịch sử. Bảo tàng cũng vừa tìm được hiện vật là chiếc kẹp bồ câu, một kỷ vật thời kháng chiến rất quý. Chúng tôi đã đặt làm 150 cây giống nguyên mẫu, để ở các khu di tích cho du khách xem và nếu thích sẽ mua làm quà...

Theo Hậu Giang Online