Có một Đà Lạt của chiều sâu tinh tế

Cập nhật, 15:05, Thứ Ba, 12/07/2016 (GMT+7)

Đà Lạt là thành phố được ghép với khá nhiều nhiều mỹ từ, một địa điểm du lịch mà nói ra... ai cũng biết. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ đẹp “lộ thiên” đến ngỡ ngàng, Đà Lạt là nơi bắt đầu và lưu giữ thật sâu những cảm xúc cho những ai lần đầu đặt chân đến đây, hay đã nhiều lần quay lại, để thấy có một vẻ đẹp nguyên sơ vẫn còn đó và đang song hành cùng diện mạo mới rất khác lạ, rất quyến rũ.

Điểm vào tham quan đường hầm đất sét.
Điểm vào tham quan đường hầm đất sét.

“Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”

32 năm trước, chúng tôi- những đứa học sinh đồng bằng quanh năm chỉ có 2 mùa mưa nắng, được Sở Giáo dục An Giang “thưởng” chuyến du lịch lần đầu tiên đặt chân lên Đà Lạt, đó là một Đà Lạt nguyên sơ vẻ đẹp mơ mộng y như trong bài hát của nhạc sĩ Trần Kiết Tường “Mimoza từ đâu em tới”.

Đà Lạt hồi đó lạnh hơn bây giờ nhiều vì thông còn phủ kín quanh thành phố, mà cũng một phần vì hồi đó chúng tôi khá... phong phanh áo mỏng, làm gì có được những chiếc áo khoác đa sắc màu như bây giờ; nhưng việc đầu tiên là tôi với Thảo- bạn học- co ro lội bộ hàng giờ để hỏi tìm cho được loài hoa mimoza, xem nó đẹp cỡ nào mà ông nhạc sĩ ca ngợi dữ vậy.

Cuối cùng chúng tôi cũng gặp được “em mimoza” ở bên trong khuôn viên khách sạn Dalat Palace trên đường Trần Phú. Bây giờ Đà Lạt đã là thành phố ngàn hoa, mà đây chỉ là cách nói biểu trưng thôi, chứ riêng hoa hồng thôi đã có đến hàng trăm loại rồi. Đáng mừng là sau những lúc Đà Lạt có phần trầm lắng, thì ngày nay đang đẹp dần lên một cách có... định hướng.

Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là con người bản địa đã làm nên hồn cốt của thành phố du lịch, văn minh, văn hóa này.

Đó là những con người tâm huyết đầu tư nhiều công trình nhân tạo, nhưng không phá vỡ mà hài hòa cùng vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Đó là chị bán hàng rong, anh chủ quán nước, là những công dân bình thường đã và đang cùng nhau tạo nên cách ứng xử văn minh, lịch thiệp.

Như câu chuyện nhỏ, bà chủ khách sạn My Dream trên đường Phan Đình Phùng sẵn lòng chiều khách những yêu cầu nhỏ, dù Đà Lạt đang vào mùa du lịch mà giá phòng vẫn không thay đổi. Đó là những cái hay nên gìn giữ cho thành phố đáng yêu hơn, thu hút du khách nhiều hơn.

Các hướng dẫn viên du lịch cho biết, bắt đầu từ tháng 6, tour Đà Lạt tăng đột biến, nên ở trung tâm thành phố thỉnh thoảng bị cảnh kẹt xe, đây là điều hiếm thấy ở thành phố không cần đèn tín hiệu giao thông từ bao đời nay.

Chị An- nữ tài xế hãng taxi Quốc Tế, nhận xét trong khoảng vài năm trở lại đây khách du lịch tăng nhanh, vào mùa mỗi ngày cũng khoảng vài ngàn khách.

Do đó, mà những điểm tham quan chính chúng tôi luôn thấy những chiếc bus lớn chen chúc nhau chỗ đậu. Thực tế thì Đà Lạt ngày càng có nhiều điểm đến thú vị hơn, vấn đề kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn được quản lý bài bản, uy tín hơn; tất cả hướng đến thương hiệu “Thành phố ngàn hoa” quyến rũ, an toàn.

Vườn dâu tây sản xuất công nghệ sạch.
Vườn dâu tây sản xuất công nghệ sạch.

Có một Đà Lạt thu nhỏ, nhân văn

Trước khi có chuyến “trở về” thăm thị trấn Di Linh, những người bạn ở Đà Lạt rủ rê nên vào thăm đường hầm đất sét, hay còn gọi là đường hầm kiến trúc của một doanh nghiệp đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng một Đà Lạt thu nhỏ, vừa đưa vào khai thác từ năm 2014.

Cứ nghĩ một Đà Lạt thiên nhiên đẹp vậy rồi có cần phải tham quan những công trình nhân tạo không, nhưng khi đến đây rồi mới thấy cả tâm huyết cũng như vẻ đẹp được đầu tư công phu, mang đậm nét văn hóa, nhân văn chứa đựng ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Trúc Lâm thiền viện được mô phỏng với chiếc chuông đồng.
Trúc Lâm thiền viện được mô phỏng với chiếc chuông đồng.

Để đến đây, từ Trúc Lâm thiền viện, chúng tôi men theo con đường vòng quanh hồ Tuyền Lâm khoảng 9km, một bên là tĩnh lặng mặt nước trong xanh, một bên là triền núi với những rừng thông phủ kín, có đoạn chân núi nhô ra giữa hồ tạo nên những bán đảo xanh thơ mộng. Dọc đường có nhiều điểm quán xá, nhà hàng có thể dừng chân ăn uống khá đẹp.

Đây là công trình khoét vào lòng núi tạo nên đường hầm dài 2km, rộng 2-10m, sâu 1-9m, hai bên vách núi được tạo hình bằng nguyên liệu đất bazan tại chỗ, du khách như lạc vào thế giới của lịch sử, văn hóa TP Đà Lạt được “kể lại” bằng những hình khối, đường nét kiến trúc mỹ thuật độc đáo.

Khách vào cửa tham quan 40.000 đ/người, cả cung đường như hình tượng một con rồng mà điểm bắt đầu là đầu rồng và kết thúc là đuôi rồng, thể hiện ý tưởng lịch sử dân tộc con Rồng cháu Tiên ôm trọn vào lòng nền văn hóa mới Đà Lạt, trong đó hiện diện đầy đủ các kiến trúc, các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố được mô phỏng theo tỷ lệ kiến trúc chính xác.

Ấn tượng hơn, khi trong công trình đường hầm đất sét được ghi nhận 2 kỷ lục Việt Nam. Đó chính là một ngôi nhà rộng khoảng 90m2 được làm bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên có diện tích lớn nhất và còn là ngôi nhà được thi công bằng đất đỏ có phong cách độc đáo nhất, cho đến hiện nay.

Tuy nhiên, hơn cả ấn tượng về kỷ lục đó là bất chợt hiện ra trước mắt mọi người hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa xuất hiện trên mái nhà, gây nên cảm xúc mạnh mẽ trong lòng du khách như nhắc nhớ về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Bên cạnh công trình đường hầm đất sét là vườn dâu tây được sản xuất theo công nghệ sạch, du khách có thể tự hái dâu và thưởng thức tại chỗ, giá mỗi ký dâu là 180.000đ (loại I). Đây cũng là điểm nhấn đáng học tập về cách làm du lịch của người dân Đà Lạt.

 

Dọc theo đường hầm, du khách sẽ có thể cảm nhận rõ nét về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của TP Đà Lạt. Từ những ngôi nhà đơn sơ mộc mạc, những hình ảnh sinh hoạt hết sức đời thường, giản dị của người đồng bào dân tộc cho đến những công trình đồ sộ với độ khó tăng cao như: Ga Đà Lạt, Nhà thờ Con Gà, thung lũng Tình Yêu, Trúc Lâm thiền viện.... cùng nhiều công trình khác nữa.

Bài ảnh: NGỌC TRẢNG