Bảo tàng vũ khí cổ- "món lạ" ở Vũng Tàu

Cập nhật, 06:37, Chủ Nhật, 10/07/2016 (GMT+7)

Vốn đã quá quen thuộc với thành phố biển Vũng Tàu nhưng bạn vẫn có thể tìm được “món lạ” nếu đến Bảo tàng vũ khí cổ do ông Robert Taylor (người Anh) làm chủ. Bảo tàng này đã mở cửa trở lại vào tháng 4/2016 cho du khách tham quan tại số 98, đường Trần Hưng Đạo.

Bảo tàng có khoảng 1.500 hiện vật là súng ngắn, súng trường có độ tuổi 200- 300 năm của các nước trên thế giới.
Bảo tàng có khoảng 1.500 hiện vật là súng ngắn, súng trường có độ tuổi 200- 300 năm của các nước trên thế giới.

Bảo tàng vũ khí cổ của ông Robert Taylor hiện trưng bày hơn 2.000 hiện vật gồm các loại vũ khí như: súng, gươm, kiếm, mác, cung tên, quân trang, quân phục của nhiều nước có niên đại từ thế kỷ XVII- XX.

Ông còn có những bộ quân phục của quân đội Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, trang phục của võ sĩ samurai Nhật Bản, quân đội La Mã, súng cạc bin của vua Napoleon Bonaparte (từ 1600- 1620)...

Tất cả những hiện vật trên đều do ông đi khắp thế giới tìm mua về, đồng thời bạn bè cũng giúp đỡ ông thực hiện ước mơ. Ngoài ra, ông Robert còn chuẩn bị đưa về một container với hơn 500 bộ quân phục, kiếm, gươm cổ do bạn bè ủng hộ để bổ sung vào kho vũ khí cổ của bảo tàng.

Tất cả được trưng bày ở 3 khu nhà riêng biệt. Đầu tiên du khách được giới thiệu tham quan Khu nhà cổ kiểu Pháp 2 tầng, trưng bày các loại vũ khí, quân trang, quân dụng của các quốc gia: Hy Lạp, La Mã, người Viking, Mông Cổ, Samurai, Trung Quốc (tầng 1) và tầng 2 giới thiệu về quân đội trong các cuộc chiến thời kỳ Napoleon của Pháp, Anh, Nga, Hà Lan.

Khu trưng bày thứ 2 gồm Phòng trưng bày súng, quân phục của Scotland, Nhật, Hà Lan (tầng 1) và các loại súng trường, Quân đội Anh (tầng 2). Và cuối cùng là Khu lực lượng vũ trang Úc.

Ông chủ Bảo tàng Robert Taylor được giới thiệu là một người đam mê vũ khí, ông Robert dồn tâm huyết, tiền của sưu tầm nghiên cứu vũ khí từ thời trẻ. Sau đó, ông đến Bà Rịa- Vũng Tàu làm ăn và kết hôn vào năm 1998.

Với mong muốn mở Bảo tàng vũ khí cổ tại Vũng Tàu phục vụ khách tham quan, nghiên cứu... ông Robert và bà Nguyễn Thị Bông đã xin phép Nhà nước cho nhập khẩu bộ sưu tập nói trên về Việt Nam và mở Bảo tàng vũ khí cổ tại TP Vũng Tàu. Bảo tàng từng đón khách vào năm 2012, nhưng sau đó đã bị đóng cửa chỉ sau 1 năm mở cửa vì lý do cá nhân.

Trân trọng công sức và đam mê của ông Robert khi muốn đưa bộ sưu tập của mình trở lại phục vụ công chúng, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã cho ông mượn một căn nhà kiến trúc Pháp để làm địa điểm mở lại bảo tàng. Các công đoạn như tu bổ, chỉnh trang cơ sở vật chất, bày trí kiến trúc đến những chi tiết gắn các vật dụng đều tự tay ông Robert thực hiện.

Sau đây là một số hình ảnh ở Bảo tàng mà chúng tôi ghi nhận:

Những trang phục của các chiến binh qua các thời kỳ được tái dựng ấn tượng, độc đáo.
Những trang phục của các chiến binh qua các thời kỳ được tái dựng ấn tượng, độc đáo.

 

Ông chủ Bảo tàng (áo đen) vui vẻ chụp ảnh lưu niệm cùng du khách.
Ông chủ Bảo tàng (áo đen) vui vẻ chụp ảnh lưu niệm cùng du khách.

 

Cung tên của Anh được sử dụng trong thế kỷ XVII.
Cung tên của Anh được sử dụng trong thế kỷ XVII.

 

Cuối tuần coi đua chó

 

Đi coi đua chó cũng là một “món lạ” khác ở Vũng Tàu. Sân vận động Lam Sơn mở cửa bán vé cho khách tham quan vào các ngày thứ sáu và thứ bảy hàng tuần, từ 19h15 đến 22h30. Môn đua chó giải trí có mặt tại Vũng Tàu từ năm 2001, giúp du khách có những trải nghiệm nhớ đời và không khỏi thót tim, hồi hộp.

 

Vòng đua không quá lớn nên từ khán đài, bạn có thể quan sát được từng sải chân của các chú chó. Sau khi phát lệnh, một con “thỏ mồi” được gắn trên đường trượt quanh đường đua sẽ chạy trước với tốc độ luôn nhanh hơn các chú chó, nhưng khoảng cách không quá xa để các “vận động viên” khuyển đuổi theo. Mỗi vòng đua dài 450m, có từ 8- 12 chú chó tham gia.

Bài, ảnh: LÝ AN