Chị em phụ nữ rủ nhau làm ăn tập thể

Cập nhật, 08:33, Thứ Năm, 30/03/2023 (GMT+7)

 

Các HTX giải quyết việc làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Các HTX giải quyết việc làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Kinh tế tập thể (KTTT) là 1 trong 4 thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước khẳng định xuyên suốt qua các kỳ đại hội. Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có các hoạt động hỗ trợ phát triển HTX do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý là nhiệm vụ quan trọng của các cấp hội.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Thời gian qua, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, các cấp hội LHPN đã động viên, hỗ trợ các ý tưởng, gắn với việc thành lập các mô hình HTX, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.

Với quyết tâm chính trị của cả hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, trong giai đoạn 2017-2022, các cấp hội LHPN đã hỗ trợ thành lập hơn 800 HTX và 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu cho các cấp hội phải phối hợp với các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể tìm các giải pháp hiệu quả hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển KTTT, tăng số lượng và chất lượng HTX do phụ nữ tham gia quản lý.

Trên cơ sở đó, Hội LHPN Việt Nam vừa khởi động Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2030 là củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 1.500 HTX, 10.000 tổ hợp tác được các cấp hội LHPN hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 30.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 100.000 lao động nữ trong tổ hợp tác. Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 750 HTX do phụ nữ tham gia quản lý; tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, để thực hiện hiệu quả đề án, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án để cụ thể hóa nội dung và nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện. Hội LHPN các cấp sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tích cực tổ chức các diễn đàn, các hội thảo xúc tiến đầu tư, tư vấn tổ chức phương án sản xuất kinh doanh và kết nối tiêu thụ sản phẩm…

KTTT mở ra cơ hội phát triển cho phụ nữ

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh công tác tuyên truyền tầm quan trọng, vai trò của KTTT, triển khai đến 100% cơ sở hội, hội viên, phụ nữ. Đồng thời, phối hợp hỗ trợ tư vấn, đào tạo, tiếp cận tín dụng, kết nối, phát triển thị trường… cho nữ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ.

Vận động hội viên, phụ nữ tham gia các loại hình sản xuất sạch, an toàn, phát triển ngành nghề truyền thống và vận động thành lập mô hình tạo việc làm sau học nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số, mô hình tổ hợp tác dịch vụ cho phụ nữ không có đất sản xuất...

Trong năm 2022, các cấp hội LHPN của tỉnh đã phối hợp đưa 4 phụ nữ đại diện HTX, tổ hợp tác tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Vận động, tư vấn, hỗ trợ 444 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng nhiều hình thức, với tổng số tiền hỗ trợ trên 11 tỷ đồng; vận động thành lập mới 24 mô hình khởi nghiệp. Đồng thời, thực hiện tư vấn, kết nối, phát triển thị trường cho 300 phụ nữ; tiếp tục giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm của 16 công ty, cơ sở kinh doanh của phụ nữ. Rà soát, thu thập thông tin về các sản phẩm OCOP do Hội LHPN hỗ trợ; tham gia quản lý và giới thiệu các sản phẩm đạt OCOP.

Bên cạnh, các cấp hội phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao khoa học công nghệ; tư vấn, hỗ trợ trên 1.000 phụ nữ tiếp cận vốn vay, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đã luân canh rau màu xuống ruộng gần 2.000ha.

Kinh tế tập thể tạo nhiều việc làm ổn định cho lao động nữ nông thôn.
Kinh tế tập thể tạo nhiều việc làm ổn định cho lao động nữ nông thôn.

Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh phối hợp tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 1 HTX trồng chanh tàu tại xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm), nâng tổng số HTX đang hoạt động do phụ nữ hỗ trợ thành lập và quản lý là 27 HTX, với gần 500 thành viên (có 120 nữ là hội đồng quản trị).

Thành lập mới 8 tổ hợp tác, nâng tổng số đến nay, các cấp hội đang quản lý 180 tổ hợp tác, với 3.000 thành viên và duy trì hoạt động 14 làng nghề có trên 2.800 lao động tham gia.

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Kim Anh, trên tinh thần Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, Hội LHPN tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KTTT cho chị em phụ nữ. Dự kiến, Hội LHPN tỉnh sẽ đăng ký mỗi năm phát triển mới 1 HTX có phụ nữ điều hành, quản lý.

Năm 2022, với nhiều hình thức huy động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp hội LHPN của tỉnh đã chung tay cùng với địa phương giúp 225 hộ nghèo đa chiều do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Các tin khác: