Lan tỏa tình thương vì nạn nhân da cam

Cập nhật, 05:51, Thứ Tư, 10/08/2022 (GMT+7)
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long trao bằng khen cho người chăm sóc nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu giai đoạn 2017- 2021.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long trao bằng khen cho người chăm sóc nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu giai đoạn 2017- 2021.

(VLO) Thấu hiểu những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà những nạn nhân da cam và gia đình của họ phải chịu đựng, nhiều năm qua, các cấp chính quyền, cả cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ, sẻ chia. Những hoạt động nghĩa tình duy trì thường xuyên, nhân rộng và có sức lan tỏa để thế hệ mai sau thấu hiểu và thực hiện đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”.

Đồng cảm, sẻ chia từ cả cộng đồng

Theo ông Phạm Văn Hưởng- Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội, cách đây 61 năm, ngày 10/8/1961, phi vụ đầu tiên không quân Mỹ phun rải chất gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” đã mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Do đó, ngày 10/8 hàng năm đã trở thành ngày Vì nạn nhân chất độc da cam- ngày thảm họa da cam ở Việt Nam để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái của đất nước ta.

Đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội tham gia phong trào hành động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động.

Tỉnh Vĩnh Long có gần 7.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Đến nay, trong tỉnh có hơn 2.300 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được xác nhận và hưởng chính sách người có công hàng tháng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh.

Cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể, tổ chức hội trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đóng góp vật chất, tinh thần để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam.

Các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm cùng chung tay sẻ chia cùng nạn nhân chất độc da cam.
Các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm cùng chung tay sẻ chia cùng nạn nhân chất độc da cam.

Ông Phạm Văn Hưởng cho biết: “Tùy theo hoàn cảnh mà có sự trợ giúp cụ thể. Nạn nhân nhiễm chất độc da cam còn khả năng lao động thì các cấp hội hỗ trợ vốn sinh kế để tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Đối với những người bệnh tật nặng thì có trợ giúp duy trì cuộc sống.

Từ đầu năm 2022, tỉnh hội đã giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, giúp đỡ sinh kế cho 30 trường hợp nạn nhân da cam, vận động trao xe lăn, xe lắc, tiếp sức đến trường, tặng nhiều phần quà. Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam, hội đã vận động 550 phần quà với tổng giá trị trên 200 triệu đồng”.

Ông Đồng Hồng Nam- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội TX Bình Minh cho biết, địa phương có 551 hội viên nhiễm chất độc da cam. Giai đoạn 2017- 2021, hội xác định công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân da cam, những hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động.

Phong trào “Tết vì nạn nhân da cam”, hoạt động chăm lo hàng năm đã vận động các nguồn lực chăm sóc giúp đỡ nạn nhân hội viên hộ nghèo, người khuyết tật với tổng giá trị phúc lợi hơn 40 tỷ đồng, trợ giúp cho 400 ngàn lượt đối tượng. Hỗ trợ xây 5 công trình vệ sinh tự hoại trong nhà và lắp được 6 hệ thống nước máy cho người khuyết tật, nạn nhân da cam.

Nhiều năm gắn bó, sẻ chia cùng những mảnh đời khó khăn, ông Lê Văn Chính (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Góp một chút sức mình, chúng tôi mong cùng với cộng đồng quyên góp, giúp đỡ chăm sóc và nuôi dưỡng các nạn nhân chất độc da cam/dioxin giúp họ vượt qua bệnh tật, khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.

Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh

Những người thân luôn nỗ lực mỗi ngày vượt qua nghịch cảnh, chăm lo cho con nhiễm chất độc da cam.
Những người thân luôn nỗ lực mỗi ngày vượt qua nghịch cảnh, chăm lo cho con nhiễm chất độc da cam.

Gia đình chị Thạch Thị Hiếu- xã Trà Côn, huyện Trà Ôn thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác. Khó khăn hơn khi con gái lớn mang nhiều bệnh tật do ảnh hưởng chất độc da cam.

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, mái nhà lá đã được thay thế bằng ngôi nhà khang trang che nắng, che mưa cho các con. “Rất cảm động vì được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người. Có căn nhà mới, vợ chồng yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt hơn”.

Là những người đồng hành, trực tiếp chăm sóc cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, những ông bà, những cha mẹ hàng ngày kìm nén nỗi đau, “giành giật” mạng sống cho con. Nghị lực của họ thật đáng trân trọng và cũng là minh chứng cho tình yêu thương gia đình cao cả, truyền động lực cho những người cùng hoàn cảnh để vươn lên.

Ông Nguyễn Thanh Chừng (ấp Hóa Thành 2, xã Đông Thành, TX Bình Minh) tham gia du kích xã Đông Thành và quân y huyện Bình Minh từ năm 1971- 1978. Lập gia đình, mơ ước sinh ra những đứa con khỏe mạnh nhưng số phận thật nghiệt ngã, con gái Nguyễn Thị Mỹ Tiên là nạn nhân chất độc da cam.

Từ nhỏ chị Tiên thường bị động kinh co giật, thường xuyên ốm đau. Ông Chừng phải chạy lo thuốc thang giành giật lại mạng sống cho con.

Đến nay chị Tiên đã 38 tuổi nhưng nhận thức vẫn rất kém, mọi sinh hoạt ăn, ngủ, tắm rửa phải có người chăm sóc. “Nhìn gương mặt nhợt nhạt, nụ cười ngây dại với ánh mắt vô hồn của cháu, vợ chồng tôi không sao cầm được nước mắt. Gần 40 năm nay, vợ chồng tôi trở thành đôi mắt, đôi tay của con.

Những khi bình thường, cô con gái gần 40 tuổi chẳng khác gì đứa trẻ hiền lành, hiểu chuyện. Nhưng có lúc cháu trở nên hung dữ dị thường và đập phá đồ đạc. Khi ấy, dẫu thể xác đau đớn và tinh thần mỏi mệt, nhưng bậc làm cha làm mẹ như vợ chồng tôi chưa một phút buông bỏ cái khúc ruột đời mình”- ông Nguyễn Thanh Chừng tâm sự.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam vẫn là niềm day dứt khôn nguôi. Nỗi đau ấy vẫn đang còn tiếp diễn cho các thế hệ sau này, dù biết không gì bù đắp nổi, nhưng với mong muốn phần nào đó làm dịu vơi nỗi đau da cam, cả cộng đồng luôn nỗ lực đồng hành, sẻ chia tiếp thêm nghị lực để nạn nhân chất độc da cam đủ nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ