Vốn tín dụng chính sách đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Cập nhật, 17:05, Thứ Tư, 20/07/2022 (GMT+7)

Nhiều hộ gia đình diện nghèo đã chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo, tạo lập kinh tế khá bền vững, có điều kiện lo cho con cái ăn học, giải quyết việc làm ở nông thôn,... thông qua nguồn vốn vay từ các chương trình tín dụng chính sách.

Anh Hồ Văn Út (bên phải) đầu tư, phát triển vườn bưởi da xanh từ sự chí thú làm ăn, học hỏi và từ hỗ trợ của nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Anh Hồ Văn Út (bên phải) đầu tư, phát triển vườn bưởi da xanh từ sự chí thú làm ăn, học hỏi và từ hỗ trợ của nguồn vốn vay tín dụng chính sách.

Anh Hồ Văn Út (ngụ ấp Phước Lợi, Bình Phước, Mang Thít) nhiều năm trước bắt đầu canh tác bưởi da xanh. Được mùa, giá bán khá cao, anh mở rộng diện tích trồng. Tác động dịch COVID-19, việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng. Theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, anh tiếp cận vốn vay duy trì và giải quyết việc làm. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn cơ sở, anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mang Thít giải ngân vay 50 triệu đồng, đầu tư mở rộng vườn bưởi.

Anh kể 3 năm khởi sự từ cây bưởi da xanh, hôm nay đã cho hiệu quả: “Cứ 2- 3 tháng thương lái đến cắt bưởi một lần, hiện tại giá bán bưởi loại 1 là 26.000 đồng/kg, loại 2 có giá phân nửa. 7 công đất giờ phủ kín bưởi da xanh, cùng 2 con bò nái từ nguồn cỏ trong vườn là nguồn kinh tế chính của gia đình”. Chú Võ Văn Thành là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc đoàn thể nông dân ấp này cho biết tổ có 29 hộ vay, phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm. Qua theo dõi, khoảng 90% hộ sử dụng vốn vay làm ăn đạt hiệu quả kinh tế.

Ông Lư Văn Khanh (ngụ thị trấn Cái Nhum, Mang Thít) là một trong số nhiều hộ gia đình phát huy hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách. Ông kể: “Gia đình có 4 thành viên, cách đây 10 năm gia đình chỉ có 1 công ruộng, nhà cửa đơn sơ. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của cơ sở và Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cái Nhum, tôi được tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH huyện 20 triệu đồng”. Từ nguồn này, gia đình làm chuồng nuôi heo thịt, 2 năm đầu đạt hiệu quả. Sau đó, ông Khanh học hỏi khoa học kỹ thuật chăn nuôi heo nái,
bò nái.

“Thấy nuôi bò nái có giá trị kinh tế cao, nên gia đình mạnh dạn xin vay nâng lên 90 triệu đồng chuyển sang đầu tư và quá trình học hỏi đã giúp đàn bò phát triển đến giờ”- người nông dân nhiều năm chăn nuôi kể chuyện tạo lập nguồn kinh tế như vậy. Con ông nay đã thi đậu Trường ĐH Cần Thơ, tiếp tục được NHCSXH hỗ trợ vay vốn chương trình học sinh sinh viên để có điều kiện học hành.

Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo ông Lê Thành Phương- Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Mang Thít- trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, điều đó đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Nga- Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mang Thít- những năm qua, các chương trình tín dụng và khối lượng tín dụng do NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị- xã hội ngày càng tăng. Từ chỗ chỉ có 3 chương trình tín dụng được ủy thác thì đến nay các tổ chức chính trị- xã hội đang thực hiện ủy thác 12 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ hơn 309 tỷ đồng, trên 10.600 hộ vay (trên 14.000 món vay). Trong đó, dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể với 282 tổ tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 306 tỷ đồng tính đến 30/6/2022.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã- thị trấn của huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời. Tín dụng chính sách đã giúp cho trên 15.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, từ đây góp phần giúp trên 3.000 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm trên 40.000 lao động; gần 3.000 học sinh sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập;...

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Bài, ảnh: MINH THÁI