Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trên sàn điện tử

Cập nhật, 06:36, Thứ Tư, 15/06/2022 (GMT+7)

 

Thông qua thông tin trên sàn giao dịch điện tử, nông sản tìm được đầu ra trong mùa dịch bệnh.
Thông qua thông tin trên sàn giao dịch điện tử, nông sản tìm được đầu ra trong mùa dịch bệnh.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chị Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã không ngừng nỗ lực học tập, làm việc và đem hết tâm sức, khả năng của mình mang lại lợi ích cho xã hội, cho người nông dân, cho doanh nghiệp.

“Qua học tập thường xuyên thông qua các cuộc họp sinh hoạt cơ quan, đơn vị, bản thân tôi luôn nhận thức về ý chí tự lực, tự cường, không ngừng học tập rèn luyện; đặc biệt là chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của Nhân dân, xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp”- chị Xuân cho hay.

Bằng hành động thực tiễn, chị Xuân đã đề ra những giải pháp, cách làm hay để giải quyết khó khăn cho nông dân trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra. Cụ thể, trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã tạo nhiều khó khăn cho các hộ nhà vườn trong tỉnh do không tiếp cận được thương lái thu mua nông sản, mặt khác nhiều doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện ở TP Hồ Chí Minh lại đang có nhu cầu tìm nguồn hàng lương thực, thực phẩm.

Chị Đoàn Ngọc Thanh Xuân luôn đồng hành mang lại lợi ích cho người nông dân.
Chị Đoàn Ngọc Thanh Xuân luôn đồng hành mang lại lợi ích cho người nông dân.

Chị Đoàn Ngọc Thanh Xuân bắt đầu nghiên cứu “Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long” hiện đang hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động chào bán, chào mua mà không cần phải tiếp xúc, di chuyển, gặp gỡ, rất phù hợp trong điều kiện đang giãn cách xã hội. Phát huy ý chí tự lực tự cường, chị và bộ phận chuyên môn đã mạnh dạn cho kích hoạt Module “Thông tin hỗ trợ tiêu thụ nông sản thời điểm dịch COVID-19” trên “Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long”. Chị Xuân cho biết: “Chúng tôi nhận thông tin cần bán sản phẩm từ các hộ nhà vườn, các hợp tác xã, các địa phương giới thiệu lên, từ các kênh báo cáo của các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp. Đưa các thông tin, hình ảnh như địa chỉ, số điện thoại, email, quy cách hàng hóa, phương thức giao nhận… của tất cả các cơ sở đã được bộ phận chuyên môn xử lý đăng tải công khai trên sàn nên các đối tác có thể liên hệ trao đổi cách thức mua bán và giá cả thỏa thuận với nhau”.

Sau khi kích hoạt Module “Thông tin hỗ trợ tiêu thụ nông sản thời điểm dịch COVID-19” trên “Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long”, bộ phận xử lý đã thu thập và cập nhật thông tin của hơn 300 cơ sở sản xuất nông sản đang chào bán hơn 200 loại nông sản như: bưởi, cam, nhãn, rau củ quả, thịt và trứng gia cầm, thủy sản, lúa gạo… Tính đến cuối năm 2021, sàn giao dịch nông sản đã hỗ trợ chào bán cho hơn 2.000 tấn rau củ quả các loại, 55.000 con gia cầm, hơn 55.000 trứng các loại, 3.200 tấn thủy sản nuôi trồng và hơn 3.000 tấn lúa gạo. Những thông tin giới thiệu, quảng bá nông sản cho bà con nông dân từ sàn giao dịch nông sản của ngành được cung cấp cho các sàn giao dịch điện tử khác như sàn 970, Tiki Sendo, Postmart, Voso...

Hiện nay Module “Thông tin hỗ trợ tiêu thụ nông sản thời điểm dịch COVID-19” vẫn được duy trì và chuyển đổi thành kênh cung cấp, giới thiệu các địa chỉ chào bán, chào mua cho các mặt hàng nông sản của tỉnh. “Để trang nông sản Vĩnh Long có thể là một website uy tín và chuyên nghiệp của Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, địa chỉ đáng tin cậy và tổ chức tuyên truyền để các hộ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã biết đến và tham gia nhiều hơn. Đặc biệt chúng tôi đang phối hợp với Hội Nông dân, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng mạng lưới cộng tác viên trên 100 người để có thể xây dựng hệ thống báo giá nông sản, giới thiệu các địa chỉ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng lên sàn giao dịch điện tử, góp phần chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp tỉnh nhà”- chị Xuân chia sẻ thêm.

Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc luôn được chị Xuân ấp ủ và thực hiện trong những năm tháng học tập, làm việc và phấn đấu trên cương vị công tác của mình. Chị Xuân mong muốn thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ người nông dân bán hàng thuận tiện, tìm được thị trường phù hợp với sản phẩm, không bị thương lái ép giá; mặt khác các mặt hàng sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất theo hướng công nghệ cao dễ tìm được nơi tiêu thụ, giá cả tương xứng với chất lượng. Từ đó, người nông dân Vĩnh Long có thể tìm được thị trường tiềm năng, cuộc sống ngày càng tốt đẹp, nông nghiệp ngày càng phát triển, xã hội ngày càng phồn vinh. Mô hình học tập làm theo Bác của chị là một gương điển hình tiêu biểu trong Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.

Thông tin hỗ trợ nông dân trên “Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long”.
Thông tin hỗ trợ nông dân trên “Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long”.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, trong thời gian giãn cách xã hội, nhờ ứng dụng thương mại điện tử nên sàn giao dịch nông sản cũng đã hỗ trợ được nông dân tỉnh nhà tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thông qua sàn, nhiều sản phẩm được khách hàng quan tâm liên hệ mua bán. Đặc biệt nông sản Vĩnh Long đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nguồn nông sản, thực phẩm kịp thời và cần thiết cho nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh và duy trì nguồn trái cây xuất khẩu cho các công ty đang thu mua. Đây được xem là cách làm hiệu quả, bắt kịp xu thế thị trường hiện nay và cần được duy trì, nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Bài, ảnh: YẾN LY