"Hiến kế" phát triển đô thị thông minh, bền vững

Cập nhật, 17:01, Thứ Tư, 22/06/2022 (GMT+7)

 

Cả nước đã có 869 đô thị, phân bố tương đối đồng đều.  Ảnh: SÔNG HẬU
Cả nước đã có 869 đô thị, phân bố tương đối đồng đều. Ảnh: SÔNG HẬU

Ban Kinh tế Trung ương vừa phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững đô thị (ĐT) Việt Nam. Sự kiện này hướng tới việc trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về phát triển bền vững ĐT tại Việt Nam. Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng phân tích, hiến kế để tạo dựng những ĐT thông minh, bền vững.

Đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với những thành tựu chung về kinh tế- xã hội, hệ thống ĐT Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Việt Nam đã có 869 ĐT, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ ĐT hóa xác định theo địa bàn có chức năng ĐT đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Kinh tế khu vực ĐT liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12- 15%, gấp 1,5- 2 lần so bình quân chung, hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Tuy nhiên, ĐT hóa và phát triển ĐT còn nhiều tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Công tác quy hoạch (QH), quản lý QH, phát triển ĐT còn nhiều bất cập. Tỷ lệ ĐT còn thấp, phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Các mô hình ĐT phát triển bền vững, văn minh, hiện đại chưa nhiều...

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06 về “QH, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó và trước hết là trách nhiệm của Chính phủ và Đảng bộ, chính quyền các địa phương”.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác QH và quản lý QH, công tác phát triển ĐT và quản lý ĐT. Trong quá trình QH và phát triển ĐT, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng ĐT, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.

“Các khu vực phát triển mới là cơ hội để chúng ta phát triển bền vững theo hướng ĐT xanh, thông minh. Do vậy, từ khâu QH tới quá trình triển khai xây dựng cần phải bảo đảm thực hiện thật nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỷ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi và lưu ý không tùy tiện điều chỉnh QH cục bộ làm phá vỡ QH chung”- Phó Thủ tướng lưu ý.

Tạo điều kiện cho quá trình ĐT hóa

Ông Trần Tuấn Anh- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần ưu tiên triển khai một số nhiệm vụ khoa học, cũng như phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật. Qua đó, nhằm cung cấp luận cứ cho đổi mới toàn diện lý luận về QH và phát triển ĐT trong điều kiện thực tế của Việt Nam, phù hợp với các vùng, miền trên địa bàn cả nước.

Đồng thời, đảm bảo phát triển không gian hợp lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, dân số, lao động và nguồn nước nhằm tăng cường chất lượng, tính hiệu quả, khả thi và bền vững của ĐT trong các đồ án QH; chú ý về QH quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm ĐT. Đây là những vấn đề chưa được chú trọng trong thời gian qua.

Ông Trần Tuấn Anh lưu ý, Bộ Xây dựng và các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác QH, xây dựng, quản lý và phát triển ĐT thông qua các chương trình, đề án ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong QH và quản lý phát triển ĐT. Đồng thời, cần sớm chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan và các địa phương xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về QH phát triển ĐT theo chủ trương đã nêu tại Nghị quyết 06. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cần ban hành các chính sách, chế tài, công cụ để kiên quyết xóa bỏ tình trạng QH treo, cơ chế “xin- cho”, lợi ích nhóm gắn với tư duy nhiệm kỳ và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về QH, xây dựng, quản lý và phát triển ĐT.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Quá trình ĐT hóa nước ta trong nhiều năm qua diễn ra trong bối cảnh khá khó khăn về các nguồn lực đầu tư, trong khi áp lực rất lớn từ đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu trước mắt, ngắn hạn. Phát triển ĐT chủ yếu trên nền tảng ĐT hiện hữu, mở rộng và đưa các làng xã trở thành ĐT nhanh chóng trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện kết cấu hạ tầng, chuyển hóa sản xuất, lối sống văn minh ĐT. Mặt khác, ĐT đã trở thành giấc mơ của nhiều người dân, thúc đẩy dịch cư lớn. Đồng thời, hình thành tư duy khai thác ĐT một cách tự phát, phát triển nóng theo nhu cầu trước mắt, thiếu chú trọng về đầu tư dài hạn.

Với vai trò là bộ chủ quản phụ trách lĩnh vực QH, xây dựng, quản lý và phát triển ĐT, trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hình thành khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình ĐT hóa. Bên cạnh, xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về ĐT hóa và phát triển ĐT theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh, an toàn, phát triển ĐT bền vững, phù hợp đặc thù vùng miền, phát triển ĐT xanh, thông minh… Bên cạnh, xây dựng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính ĐT, sửa đổi quy định phân loại ĐT. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như kết cấu hạ tầng liên vùng, công tác QH sử dụng đất theo các không gian kinh tế…

Ông Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội QH Phát triển ĐT Việt Nam cho rằng, muốn xây dựng ĐT xanh, ĐT thông minh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách làm QH… Người làm QH cũng phải hiểu biết về các lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh tế. Mặt khác, nguồn vốn nào để thực hiện QH cũng phải tính đến.

SÔNG HẬU