Hướng dẫn trẻ đọc sách

Cập nhật, 05:57, Chủ Nhật, 15/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Trẻ em có thói quen đọc sách, dần dần tìm thấy niềm yêu thích trong những trang sách, hiện nay nhiều gia đình đã bắt đầu chú ý ưu tiên dành không gian đọc trong nhà. Họ đã đầu tư vào tủ sách và thời gian nhất định cho các thành viên trong gia đình đọc sách mỗi ngày.

Bên cạnh đó, đặc biệt người phụ nữ, người mẹ trong gia đình đóng vai trò quan trọng, có chủ ý, tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên trong gia đình dành thời gian yên tĩnh để tập trung cho việc đọc.

Nhiều gia đình xây dựng những thói quen tốt như dành một quỹ thời gian và tài chính nhất định trong tuần để các thành viên cùng nhau đi chọn mua sách.

Cách làm giản dị mà hiệu quả đối với các gia đình là ông bà, cha mẹ phải quan tâm, hướng dẫn cho trẻ cách tiếp cận với sách ngay từ lứa tuổi mẫu giáo.

Ðọc sách cùng con và cùng chia sẻ: Có nhiều cách đọc sách cho trẻ; Ðọc sách cho con, đọc sách cùng con, không có nghĩa chỉ là cầm cuốn sách và đọc những gì được in trong sách.

Chúng ta có thể hiểu rộng hơn chút nữa; với trẻ ở lứa tuổi còn non nớt đọc có nghĩa là sờ vào cuốn sách, cầm sách lên tay mân mê, có thể phấn khởi... làm nhàu vài trang, tiến tới mới xem tranh và... hỏi!

Ba mẹ chịu khó lắng nghe con nói, cùng con tư duy để giải đáp cho con những thắc mắc của con, đó cũng là một cách đọc sách cùng con.

Chọn sách cũng là một cách bộc lộ quan điểm dưới một góc độ nào đó về dạy con. Chọn sách cho con, nghĩa là để trẻ chọn theo hứng thú, rồi ba mẹ tìm cách điều chỉnh chứ không nên bắt buộc hay yêu cầu con được hay không được mua cuốn này, cuốn kia.

Thường người ta lựa chọn ra một số tiêu chí khi chọn sách cho con, sách đề cập đến những giá trị sống mà trẻ cần cảm nhận, hoặc đề cập đến các mối quan hệ gia đình, cha mẹ, con cái thông qua hình ảnh không chỉ là của con người mà cả với con vật, thậm chí là đồ vật; sách đề cập đến những kiến thức về môi trường gia đình, xã hội và thiên nhiên...

Những câu chuyện đơn giản, hình minh họa ngộ nghĩnh giúp con trẻ biết yêu thêm những điều giản dị đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống.

Ðể phát triển văn hóa đọc dưới góc độ gia đình, thiết nghĩ việc đọc sách không nên chỉ đọc theo phong trào hay gượng ép mà nên tạo thành thói quen, xem việc đọc sách như việc ăn cơm uống nước hàng ngày của mỗi người. Cái chính là có sự hiện diện, có chỗ đứng của sách trong mỗi gia đình.

ĐỖ THẠCH