Thúc đẩy cung- cầu lao động, việc làm

Cập nhật, 06:31, Thứ Năm, 09/12/2021 (GMT+7)

 

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.

(VLO) Những phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long tổ chức với hình thức trực tuyến– trực tiếp là cầu nối kết nối nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc làm của người lao động...

Mới đây ngày 6/12, phiên giao dịch việc làm trực tuyến- trực tiếp tại trung tâm có 24 công ty, doanh nghiệp tham dự với 7.000 nhu cầu tuyển dụng (20 doanh nghiệp tuyển dụng ủy thác: 4.500 lượt người; 4 doanh nghiệp tuyển dụng trực tuyến: 2.500 lượt người).

Có 237 lượt người lao động tham dự (trực tiếp 213, trực tuyến 24) và được tư vấn việc làm (trong nước 230, ngoài nước 7).

Theo trung tâm, nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp ghi nhận như trên là rất lớn; và số lượng người lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm kiếm việc làm khá nhiều.

Tại phiên giao dịch, trung tâm đã làm cầu nối cho người lao động doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn trao đổi thông tin tuyển dụng và nhu cầu tìm việc qua mạng xã hội, điện thoại.

Do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên trung tâm đã chia từng nhóm nhỏ lao động ở 20 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ủy thác để tư vấn trực tiếp, như: phát tờ rơi, tư vấn, truyền tải những quy định hỗ trợ người lao động...

Đồng thời, trung tâm trả lời trực tiếp những thắc mắc của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách đào tạo nghề, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp...

Một số lao động có nhu cầu và đã được giới thiệu việc làm, số còn lại còn e ngại dịch bệnh, chưa có nhu cầu đi làm ngay.

Đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm định kỳ. Trước đó ngày 29/10, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ đăng cai tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL- TP Hồ Chí Minh- Bình Dương, đã kết nối 116 doanh nghiệp tại các tỉnh thành trong vùng và các địa phương, đem đến hơn 31.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Nữ lao động Như Ý (ngụ huyện Tam Bình) sau hơn 2 năm làm tại công ty nước giải khát ở Đồng Nai, hồi cuối tháng 10/2021 đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long đăng ký thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tìm cơ hội việc làm ở tỉnh.

Lao động vừa qua 22 tuổi này còn trẻ để trải nghiệm thêm, khi nói sẽ theo học nghề trang điểm thẩm mỹ để chuẩn bị công việc mới.

Theo trung tâm, cùng với tuyển dụng trực tuyến, trực tiếp, nhiều lao động khi làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn đăng ký tìm việc, học nghề,... sau thời gian nghỉ việc do dịch bệnh hoặc muốn thử sức ở lĩnh vực mới.

Theo ông Đặng Vinh Hiển- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long- năm 2021, trung tâm tiếp nhận thông tin tuyển dụng của 645 lượt công ty, doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng hơn 34.700 người, từ lao động phổ thông tới trình độ đại học.

Nhu cầu tuyển dụng được ghi nhận ngày càng tăng khi các công ty, doanh nghiệp quay lại hoạt động và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đối với nguồn cung lao động năm 2021, trung tâm đã thực hiện tư vấn việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho 11.644 lượt người, trong đó 4.463 lao động qua sàn giao dịch việc làm và trực tiếp, 7.181 người qua bảo hiểm thất nghiệp.

Trong năm, trung tâm giải quyết việc làm cho 2.578 người, chiếm nhiều nhất là ngành nghề may mặc, kế đến là các ngành nghề: cơ khí chế tạo, lao động phổ thông, kế toán, điện tử, điện, kỹ sư...

Đồng thời tổ chức đào tạo nghề cho 235 lao động theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và học viên cộng đồng.

Cùng với chính sách đào tạo nghề, thông qua các phiên giao dịch việc làm đã góp phần kết nối “cầu” từ các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động với “cung” là nguồn lao động trong cộng đồng, lao động thất nghiệp trong thời điểm dịch bệnh được tiếp cận, tìm hiểu và sớm quay lại thị trường việc làm.

Hiện tại, một trong các nhiệm vụ quan trọng là phục hồi sản xuất kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế tại các địa phương.

Giải quyết cung- cầu lao động, việc làm bằng các hình thức trên góp phần đáp ứng kịp thời và duy trì ổn định thị trường việc làm, lao động, nhất là đang vào cuối năm và sắp bước sang năm mới.

Bài, ảnh: MINH THÁI