Lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu trước tuổi

Cập nhật, 14:35, Thứ Ba, 01/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Ngoài các quyền lợi được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019), kể từ ngày 1/1/2021, người lao động (NLĐ) làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vẫn được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Luật BHXH 2014, ở chế độ hưu trí, NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường.

Điều kiện được nghỉ hưu trước tuổi là: phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động do làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì sẽ được hưởng lương hưu nếu khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Có 1.837 công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong 42 ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân.

MINH THÁI