Hoa hồng trò chuyện

Có nên ly hôn?

Cập nhật, 13:23, Thứ Năm, 06/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Tôi được mọi người cho là “số đỏ” khi là con nhà gia giáo, có đủ điều kiện học hành, kinh doanh lại thêm vẻ ưa nhìn (khuôn mặt là của trời cho, còn thân hình thì nhờ tôi siêng năng tập luyện). Tôi lại là con một nên được ba má tôi cưng như trứng mỏng. Công việc làm ăn của ba má tôi rất thuận lợi và tôi đang chuẩn bị tiếp quản việc kinh doanh. Nói thật là tôi không có gì phàn nàn cả, nếu như chồng tôi đừng can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình bên này.

Nhìn thấy nhiều cặp vợ chồng tranh chấp tài sản khi ly hôn, ba má tôi dặn rằng, “tài sản phải rạch ròi, cái nào ra cái đó”. Vì thế, khi tôi tiếp nhận công ty thì ông bà giao giấy tờ, trong đó có định giá tài sản công ty (đất đai, nhà xưởng, xe…) và khẳng định: “Phần này, tức tài sản gốc là của riêng con Nhân, không được chia trong bất cứ tình huống nào”. Thế nhưng chồng tôi lại bảo “Ba má cho vợ chồng mình thì trong giấy tờ phải có tên của anh”. Tôi thuật lại sự tình thì chồng tôi giận, cho rằng mình không được tôn trọng, cứ hục hặc nhau hoài.

Giờ đây, khi trong tay có số tài sản lớn, lẽ ra tôi phải vui. Nhưng, cứ thấy buồn, là bởi trách nhiệm cho tài sản sinh lãi quá nặng nề lại không được chồng hỗ trợ. Gần đây, anh ấy còn sinh tật rượu chè. Ba má tôi nói rằng, “nếu không giải quyết được chuyện thằng Nhân (chồng tôi) thì tôi sẽ không làm ăn gì được”. Tôi đang băn khoăn, dù biết ba má tôi thương con rể nhưng nếu cứ để tình trạng này kéo dài e không hay. Hiện tôi cứ lo nghĩ không biết có nên ly hôn hay là giao lại công ty cho chồng để bảo vệ hạnh phúc gia đình?

Minh Ngọc

Ba mẹ bạn lo xa như thế cũng là vì muốn vun đắp cuộc sống hôn nhân của con gái, trong đó có chồng bạn. Nếu biết nghĩ thì vợ chồng bạn phải thương ông bà nhiều hơn nữa.

Nếu gạt qua chuyện đồng sở hữu trên giấy tờ thì mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều. Khối tài sản đó trong mắt người khác vẫn là của vợ chồng bạn mà thôi (trừ khi ly hôn thì pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi người vợ theo quyền sở hữu hay quyền thừa kế).

Khi khối tài sản này được định giá rồi (của vợ) thì khoản lời lãi sau đó là của cả vợ chồng, nếu chồng có đóng góp công sức. Tính ra, chồng bạn khác nào “chuột sa hũ nếp”? Vậy sao còn “lăn tăn” nhỉ?

Giải quyết vấn đề này không phải là bạn cứ giao khối tài sản đó cho chồng trong khi ba má bạn không thống nhất. Bạn cũng nên suy nghĩ với bản tính chồng bạn như thế thì liệu có nên giao công ty cho anh ấy...

Vấn đề không phải là ly hôn cho xong mà vấn đề ở chỗ là làm thế nào thuyết phục anh ấy hợp tác, hỗ trợ bạn để cùng ăn nên làm ra. Sẽ là rất hạnh phúc khi bạn có người chồng đồng hành, đồng cam cộng khổ trên thương trường.

Mong vợ chồng bạn vững tay chèo chống, đưa công ty ngày càng lớn mạnh.

HOA HỒNG