Câu chuyện nông thôn

Cần học để đổi thay tập quán cũ

Cập nhật, 14:08, Thứ Tư, 07/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Việc không ngừng học hỏi bằng nhiều cách đối với nông dân ngày nay là rất cần thiết và cũng rất dễ dàng. Có những kiến thức học hỏi từ những nước tiên tiến thấy bắt ham, nhưng suy xét cho kỹ thì cơ bản vẫn là những kinh nghiệm truyền đời của ông bà mình ngày xưa.

Câu chuyện giao lưu với nông dân nước ngoài, Hai Lúa tui nghe mà bắt ham, mong mỏi sao nông dân nước mình cũng được như vậy, dù trên thực tế nền nông nghiệp ở xứ mình là rất nhiều thuận lợi nhiều thứ hơn xứ người.

Riêng câu chuyện cho lúa “sống chung” với cỏ, Hai Lúa tui vô cùng ngưỡng mộ. Họ lập luận cỏ chính là lớp “áo giáp” bảo vệ đất đai khi thời tiết nắng hạn, tránh cho đất bốc hơi, mang theo một số dưỡng chất. Thậm chí mấy thập kỷ trồng lúa họ không dám xới đất. Đó là một vài kỹ thuật, kinh nghiệm căn bản để làm giàu và giữ gìn dưỡng chất của đất đai.

Đồng thời, ruộng lúa của họ phải là “ngôi nhà” lý tưởng dẫn dụ rất nhiều loại thiên địch có lợi, góp phần tiêu diệt các loại sâu bọ, thậm chí cả chuột đầy ruộng vẫn có loài khác tiêu diệt, họ không dùng thuốc. Nghe hay quá, nhưng cũng không hoàn toàn xa lạ so với cách làm ruộng của ông bà mình hồi xưa.

Câu chuyện họ dùng cừu ăn cỏ trên ruộng rồi thải phân lại trên ruộng, tạo nên những nguồn lợi kép quá hay. Mà chỉ chăn thả có điều tiết không để cừu… ăn hết cỏ trên ruộng lúa. Trong khi mình cứ “đâu có cỏ là ta cứ xịt”.

Có câu chuyện vô cùng quan trọng là bảo quản nông sản ngay từ lúc thu hoạch bằng những kinh nghiệm cơ học chớ hoàn toàn không muốn dùng đến hóa chất. Trong khi mình dùng hóa chất từ lúc gieo hạt cho đến khâu dự trữ gạo cũng xài hóa chất.

Nhưng điều mà Hai Lúa tui rất khoái chính là có những nông dân họ cũng chẳng cần đến những chứng nhận này nọ của các tổ chức.

Khi mà trong một nền sản xuất nhỏ, nông dân họ hướng đến việc xây dựng thương hiệu bằng uy tín cá nhân, bằng niềm tin của cộng đồng, mà từ đó nông sản chỉ cần tiêu thụ tại các chợ truyền thống còn không đủ, mà đặc biệt là giá cả lại đắt hơn nhiều lần so với giá thị trường bình thường.

Câu chuyện một bạn nông dân trẻ xứ mình cũng đã xây dựng vườn rau hữu cơ của mình theo kiểu bán chợ bằng uy tín, niềm tin và anh cũng chẳng cần giấy chứng nhận hữu cơ nào.

Chính những cọng rau của anh đã được thị trường khó tính là Nhật Bản chấp nhận, họ lặng lẽ theo dõi, kiểm tra mấy năm nay và rồi trực tiếp ký hợp đồng với anh để xuất rau về bên Nhật.

Họ chọn con người, chọn nông sản thiệt trước, rồi mọi thủ tục giấy tờ từ khâu chứng nhận, kiểm tra, khâu vận chuyển… tất tần tật họ lo hết. Họ không tin vào những chứng nhận kiểu… phong trào.

Một hướng đi mới, cách nhận thức mới từ người sản xuất đến các nhà kinh doanh cung cấp nông sản. Hai Lúa tui chia sẻ bà con mình ai thấy có lý thì cũng nên nghiên cứu kỹ, có thể dần thay đổi để nâng tầm, nâng chất cho cọng rau, hột gạo quê mình.

Hailua@.com