"Mùng 3 tết thầy…"

Cập nhật, 21:19, Chủ Nhật, 26/01/2020 (GMT+7)

Người Việt thường nằm lòng câu “Không thầy đố mày làm nên” để nói về vai trò của thầy cô giáo trong cuộc đời mỗi con người. Do đó, sau hai ngày tết cha, mẹ thì  “Mùng 3 tết thầy” là dịp để mỗi cá nhân tri ân những người thầy, người cô của mình…

Người thầy, cô ngày nay không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là người gần gũi với học trò (ảnh minh hoạ)
Người thầy, cô ngày nay không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là người gần gũi với học trò (ảnh minh hoạ)

“Mùng 3 tết thầy…”

Hình ảnh, vai trò và tầm quan trọng của người thầy được người xưa thể hiện rõ nét qua những câu thành ngữ, tục ngữ  “Muốn sang phải bắt cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, hay “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”…

Qua đó có thể thấy rằng vai trò của người thầy trong xã hội xưa luôn được đặt lên hàng đầu, bởi hình ảnh người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy nhiều ngành, nghề khác nhau trong xã hội.

Hình ảnh người thầy từ xưa đến nay không chỉ có một kiến thức cao để truyền thụ cho học trò, mà còn có một nhân cách đẹp, phẩm chất đạo đức chuẩn mực, có tâm trong sáng, lối sống giản dị.

Chính vì lẽ đó, từ xưa đến nay, mỗi độ tết đến xuân về, người Việt luôn truyền tai nhau “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” để thể hiện sự tôn kính, biết ơn đối với những người đã sinh thành và dạy dỗ kiến thức cho mình. Điều đó có thể thấy rằng, ngày tết dành cho người thầy cũng không thua kém ngày tết cha, tết mẹ!

Trả lời báo chí, GS Phan Anh- nhà nghiên cứu về văn hoá tộc người- nhân học cho rằng truyền thống “tôn sư trọng đạo” là nét văn hoá của người Việt cần được phát huy. Nó đòi hỏi người thầy, bên cạnh việc không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức phù hợp nhu cầu phát triển xã hội, cần phải có một lối sống đạo đức chuẩn mực.

Việc thăm hỏi thầy, cô nhân dịp xuân về đối với nhiều người là không thể bỏ qua. Anh Minh Khang- xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) cho biết, do công việc bận rộn, không phải cứ mùng 3 là phải đi thăm thầy cô.

“Cứ dịp tết đến, mình rảnh giờ nào thì mình đi giờ nấy, không phải cứ hình thức đi thăm mà quan trọng nhất chính là tấm lòng. Việc mình có yêu quý, trân trọng người thầy của mình hay không chính là do tâm mà có, đã quý mến thầy thì mãi mãi vẫn vậy…”- anh Khang chia sẻ.

Háo hức hẹn thăm thầy cô

Như thường lệ mỗi năm, anh Lê Văn Quân- xã Tân Long (huyện Mang Thít) đều dành ngày mùng 3 để đến thăm người thầy đã dạy nghề sửa xe cho mình. Anh Quân cho biết, sau hơn 10 năm “ra nghề”, anh vẫn giữ mối quan hệ với “sư phụ” đã giúp mình học tập để có được cái nghề.

“Người thầy không chỉ là người dạy mình cái nghề mà còn dạy cả đạo đức trong nghề. Đồng thời truyền thống tôn sư trọng đạo là một nét đẹp văn hoá tốt đẹp, tôn trọng và nhớ ơn người thầy là điều mà ai trong cuộc sống cũng cần phải ghi nhớ…”- anh Quân chia sẻ.

Ra trường gần 15 năm, nhưng những học sinh lớp chuyên Văn của trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm năm nào hẹn hò, gặp gỡ để thăm thầy cô giáo.

Chị Đan Thanh, hiện công tác tại một cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc họp lớp vẫn duy trì đều đặn từ khi rời ghế trường phổ thông, có khi cũng chỉ vài người bạn trong lớp. Ngoài việc gặp gỡ bạn bè, hỏi thăm nhau sau một năm làm việc thì điều quan trọng là gặp lại thầy, cô chủ nhiệm ngày xưa.

“Năm nay cũng vậy, gần tết là cả nhóm nôn nao hẹn ngày gặp mặt, lên lịch để thăm thầy cô đã từng dìu dắt mình từ thời phổ thông. Đôi ba ngày tết, ngoài cha mẹ, bà con họ hàng thì thầy cô là những người mình phải biết trân quý…”- chị Thanh chia sẻ.

Thế đó, dù trong hoàn cảnh nào, xưa hay nay thì người thầy cũng giữ một vai trò, vị trí quan trọng và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt vẫn sẽ được giữ gìn.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN