Bữa cơm gia đình- nơi đoàn tụ yêu thương

Cập nhật, 12:42, Thứ Ba, 28/06/2016 (GMT+7)

Không đơn giản là một lần ăn cơm, bữa cơm gia đình là nơi mọi người cùng quây quần, đoàn tụ bên nhau để thể hiện tình yêu thương, chia sẻ. Bữa ăn không nhất thiết phải có nhiều thức ăn ngon nhưng là cả tấm lòng, sự quan tâm của các thành viên dành cho nhau.

Bữa cơm thời hiện đại

Ở các gia đình nhỏ, gia đình hiện đại thì chuyện bữa cơm gia đình mỗi ngày có thể hiếm hoi hơn bởi áp lực công việc và thời gian không cho phép.

Tuy vậy, rất nhiều người vẫn dành thời gian cho bữa cơm nhà. Chị Võ Thị Kim Cương làm việc ở Tỉnh Đoàn Vĩnh Long cho biết: “Mỗi buổi chiều, vợ chồng tôi đều tự nấu cơm và cùng ăn. Riêng ngày cuối tuần có thể dẫn con về nội, về ngoại ăn cơm sum họp”.

Nhiều người cho rằng, nhìn vào bữa cơm có thể đánh giá được hạnh phúc của gia đình đó. Hạnh phúc không chỉ có cơm ngon, canh ngọt mà hạnh phúc ở giây phút sum vầy bên nhau.

Chú Ngô Tùng Sơn (TX Bình Minh) cho biết: “Dù các con đã lớn và có gia đình riêng nhưng hàng tuần gia đình tôi đều ở bên nhau cùng ăn cơm”. Đó là một trong những cách để “cho anh em nó gần gũi, yêu thương nhau”. Trong bữa ăn, gia đình chú còn chia sẻ những vui buồn, khó khăn, thuận lợi trong cuộc sống.

Các thành viên trong gia đình có mặt đầy đủ bên mâm cơm cũng là cách nhân niềm vui và chia sẻ điều không vui. ​Ảnh: TRẢNG- HUYỀN
Các thành viên trong gia đình có mặt đầy đủ bên mâm cơm cũng là cách nhân niềm vui và chia sẻ điều không vui. ​Ảnh: TRẢNG- HUYỀN

Nhiều gia đình “cơm không lành, canh không ngọt” dù có vài ba người cũng dọn đến 2 mâm. Anh Nguyễn Văn Th. (Tam Bình) kể chuyện nhà mình như vậy, nhà anh chỉ có 5 người, cha mẹ anh, 2 vợ chồng anh và con trai 2 tuổi. “Hơn 1 năm rồi, vợ chồng tôi và cha mẹ không ăn cơm chung”.

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu vốn đã có càng gay gắt hơn khi cháu nội ra đời. Bà và mẹ đều cưng cháu nhưng cách chăm sóc không giống nhau dần dà đã chia gia đình ra làm 2 thế giới. Anh Thành nói “Tôi bị kẹt ở giữa, rất buồn nhưng cũng chưa biết làm sao”.

Còn nhớ trong chương trình làm văn lớp 5 trước đây, đã có yêu cầu tả bữa cơm chiều của gia đình em. Các bạn tôi, người tả bữa cơm với nào đèn, nào nến, nào thịt heo quay,… nhưng có bạn lại không biết tả sao vì “nhà mình mỗi người bưng một tô thôi”.

Một giáo viên dạy tiểu học kể chuyện buồn hiu: “Có cậu học trò mà cha mẹ ly hôn, khi tả bữa cơm gia đình chỉ gọn lỏn là “mẹ bới cho con một tô cơm, mẹ một tô cơm rồi cùng ra mái chái ngồi ăn””.

Bữa cơm thể hiện tình yêu thương đầm ấm của mỗi gia đình, do đó, trong gia đình hiện đại, gia đình công chức nơi đô thị, khi có được người phụ nữ “giữ lửa” cho hạnh phúc là điều may mắn.

Đối với cô Nguyễn Thị Sáu ở Phường 8 (TP Vĩnh Long), bữa cơm là nơi cô thể hiện tình yêu đối với gia đình, với các con. Sáng sớm, cô Sáu đã dẫn cháu nội đi chợ để mua thức ăn. Nhưng bữa trưa chỉ ăn đơn giản vì mọi thức ngon cô dành cho buổi chiều khi các con đi làm về.

Cô Sáu nhớ rõ con trai, con rể, con dâu thích ăn gì và không thích ăn gì để đi chợ. Cô Sáu cười: “Đồ ăn thì ăn hết trong ngày, cô ít khi để qua đêm nên cái tủ lạnh trống queo hà”.

Gìn giữ bữa cơm gia đình Việt

Bữa cơm gia đình hiện đại vẫn ấm áp yêu thương. Ảnh: Vinh Hiển
Bữa cơm gia đình hiện đại vẫn ấm áp yêu thương. Ảnh: Vinh Hiển

Anh Phước Đại, quê ở xã Phú Quới (Long Hồ), nay đang làm việc tại thị trấn Long Hồ tâm sự: “Đã 20 năm trôi qua nhưng ký ức bữa cơm gia đình vẫn còn in mãi trong tôi.

Ngày đó, bọn trẻ chúng tôi 12, 13 tuổi rủ nhau đi đặt cá bống, ra đồng bắt cua đem về cho mẹ nấu bữa cơm chiều. Thế là cả nhà ngồi bên ngọn đèn dầu ăn một bữa cơm ấm áp và hạnh phúc.

Giờ đây, vào những ngày cuối tuần là tôi lại nôn nao đưa vợ con về nhà với cha mẹ và anh em để cùng nhau quây quần bên mâm cơm.

Mặc dù có dâu con phụ giúp, nhưng má tôi vẫn muốn tự tay đi chợ rồi vào bếp làm những món ăn chính cho cả nhà. Đối với má, đó là niềm vui, đối với tôi đây là khoảnh khắc sum vầy ấm áp nhất, là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình.

Với tôi, bữa cơm gia đình luôn là thiêng liêng nhất. Đó là nơi giúp ta lấy lại “thăng bằng” trong cuộc sống luôn phải tất bật vì cuộc mưu sinh”.

Anh Thạch Trung ở ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) rất chân tình bộc bạch: “Ở nông thôn nên chúng tôi có bữa cơm dễ dàng hơn đối với thành thị, đôi lúc chỉ cần lội xuống ao mương hái rau, bắt cá, tép về là có các món ngon.

May mắn hơn là trong mâm cơm gia đình luôn có 3 thế hệ là ba má, vợ chồng tui với 2 đứa con. Còn trong bữa ăn, thì giữ theo truyền thống vợ chồng tôi muốn dọn mâm cơm riêng cho ba má; nhưng ba má tôi không chịu mà muốn ăn chung với con cháu cho vui”.

Ông Từ Hoàng Đương (Trà Ôn) cho rằng: “Bữa cơm gia đình quan trọng lắm, nó là thể hiện rõ nhất nét văn hóa của gia đình truyền thống Việt Nam, nhưng chỉ có cuộc sống ở nông thôn với nghề ruộng rẫy thì dễ giữ được bữa cơm chiều.

Nhà tôi giờ chỉ có vợ chồng già sống với nhau, 2 con lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh nên rất khó về nhà thường, chỉ có người con gái có chồng bên TP Cần Thơ nên cuối tuần là bà nhà lại trông sắp nhỏ về để được nấu những món ăn ngon nhất mà tụi nó thích”.

Tuy nhiên, ngày nay ngay ở nông thôn nhiều gia đình con cháu cũng phải đi làm ăn xa, nên những bữa cơm hội tụ đông đủ cả nhà ngày càng hiếm; do đó, nếu có điều kiện hãy cố mà giữ gìn bữa cơm gia đình, vì đó là nét văn hóa đậm đà bản sắc gia đình truyền thống Việt Nam ta.

Ông Nguyễn Văn Hai (xã Mỹ Thuận- TX Bình Minh), chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng những bữa cơm cũng không đơn thuần là được ăn no; đó là nơi các thành viên trong gia đình cảm thấy gần gũi nhau nhất. Trên mâm cơm, ai cũng phải luôn vui vẻ, yêu thương nhau, đồng thời trao đổi những tâm tư, những điều thắc mắc thường ngày”.

NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN