Lái xe trong trạng thái mệt mỏi là mang theo hiểm họa

Cập nhật, 08:34, Thứ Tư, 06/04/2016 (GMT+7)

Vào khoảng 13 giờ 50 ngày 23/3/2016, trên QL1 (đoạn thuộc xã Hòa Phú- Long Hồ) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe tải đông lạnh và môtô. Tai nạn làm người điều khiển môtô bị cuốn vào gầm xe tải... tử vong.

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào chiều ngày 23/3 tại cầu vượt đi bộ Khu công nghiệp Hòa Phú, do tài xế ngủ gục.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào chiều ngày 23/3 tại cầu vượt đi bộ Khu công nghiệp Hòa Phú, do tài xế ngủ gục.

Theo những người chứng kiến, vào thời điểm trên, 2 xe lưu thông cùng chiều, môtô lưu thông trên làn xe dành cho xe máy và môtô thì bất ngờ xe tải phía sau lao tới cuốn cả người và xe vào gầm xe tải và kéo đi một đoạn khoảng 8m, đến khi đụng vào thềm cầu vượt xe tải mới dừng lại được.

Nạn nhân tử vong vụ TNGT trên là anh Võ Văn Phúc (ngụ Khóm 3, thị trấn Tam Bình). Nạn nhân tử vong bỏ lại vợ là chị Nguyễn Thị Vẹn và 2 con trai, đứa lớn khoảng 18 tuổi, đứa nhỏ còn đang học lớp 3.

Chồng làm mướn, vợ mới vào làm công nhân cho Công ty Tỷ Xuân chưa tròn 6 tháng. Cuộc sống gia đình đã khó khăn, vợ chồng cùng lam lũ nuôi con thì nay lại rơi vào cảnh “mẹ góa con côi”, người vợ phải một mình gánh vác nuôi con.

Vợ đi làm công nhân, không biết chạy xe, nên chồng phải đưa, rước hàng ngày. Vậy mà, chỉ vì sự vô tâm của một tài xế mà gia đình họ ly tan, sẽ gặp khó khăn hơn trong cuộc sống sau này.

Hàng ngày, lúc tan ca là chồng chị Vẹn đến rước rất đúng giờ, dù đường xa. Cứ hàng ngày vậy mà vợ chồng vui vẻ... Nhưng vào một ngày định mệnh, khoảng 14 giờ, chị Nguyễn Thị Vẹn vừa tan ca và ra đường phía trước Khu công nghiệp Hòa Phú đợi chồng đến rước thì quá bất ngờ, quá sốc và ngất xỉu ngay khi nhìn thấy chồng tử vong và còn nằm dưới gầm xe tải cùng với chiếc môtô, nơi mà anh chị thường chào nhau khi vào ca và đón nhau khi tan tầm.

Theo Công an huyện Long Hồ: Tài xế xe tải khai nhận, do buồn ngủ nên để xe lạc tay lái. Đêm trước thức khuya xem bóng đá, đến trưa cũng chưa tỉnh táo. Đến khoảng 13 giờ, tài xế ráng lái xe từ Cần Thơ về Vĩnh Long, đến địa điểm trên vì quá buồn ngủ nên để xe trượt vào làn xe dành cho môtô- xe máy và đâm vào phía sau môtô xảy ra tai nạn thương tâm.

Chị Vẹn- vợ nạn nhân- ngất xỉu khi thấy chồng vì đi rước mình mà chết thảm dưới gầm xe.
Chị Vẹn- vợ nạn nhân- ngất xỉu khi thấy chồng vì đi rước mình mà chết thảm dưới gầm xe.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về mức độ an toàn khi lái xe, sự mệt mỏi sẽ làm giảm độ tin cậy của lái xe. Khi lái xe trong tình trạng giảm khả năng làm việc dẫn đến sai lầm, mà đôi khi dẫn đến TNGT.

Sự mệt mỏi có nhiều nguyên nhân như làm việc quá giờ, bệnh, sử dụng rượu bia, thức đêm... khi lái xe đều dẫn đến buồn ngủ trong khi lái và TNGT xảy ra là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi cảm thấy buồn ngủ lái xe có thể đấu tranh cưỡng lại giấc ngủ, nhưng họ đâu ngờ rằng sự ngủ gật có thể đến bất ngờ.

Điều này sẽ tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến ATGT. Ngủ gật đột ngột đôi khi dẫn đến một giấc mơ mà lái xe nhìn thấy được tiếp nhận trên thực tế.

Vì vậy, trong một số trường hợp lái xe đột ngột ngủ thiếp đi sau tay lái và trong giấc mơ anh ta thấy đột nhiên xuất hiện một chướng ngại trên đường, với sự thức tỉnh nhanh chóng, đem vào giấc mơ thực tế, anh ta phanh hoặc quay tay lái dẫn đến TNGT.

Khả năng con người trong quá trình sinh hoạt và lao động là không liên tục, nó có các pha biểu hiện rõ ràng trong ngày làm việc.

Pha thứ nhất được đặc trưng bởi khả năng làm việc. Đây là giai đoạn khởi động hay đi vào công việc kéo dài từ 1- 1,5 giờ, sau đó thiết lập mức khả năng làm việc. Độ dài giai đoạn khởi động có thể thay đổi trong giới hạn rộng tùy thuộc vào điều kiện hoạt động, trạng thái, khả năng của cá nhân con người.

Pha thứ hai sự ổn định tương đối cao của khả năng làm việc. Trong giai đoạn này kết quả đạt được tốt nhất với tiêu thụ năng lượng tối thiểu, kéo dài từ 2- 2,5 giờ.

Pha thứ ba được đặc trưng bởi sự giảm khả năng làm việc do hệ quả của sự mệt mỏi, phải dừng lại nghỉ, ăn trưa.

Thời gian bắt đầu pha thứ ba, xác suất sai phạm của lái xe càng cao. Sau khi nghỉ ăn trưa là khả năng làm việc giảm đi do việc đi vào giờ hoạt động nghỉ, đồng thời giảm thời gian ổn định của khả năng làm việc, như một sự mệt mỏi trước khi vào giờ nghỉ. Điều này lái xe sẽ gặp khó khăn tâm lý và đó là nguyên nhân dẫn đến sự sai sót và có các hành động nguy hiểm, tạo ra mối đe dọa cho ATGT.

Vì vậy, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đề cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, trật tự, an toàn, thuận lợi, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; Luật Giao thông đường bộ quy định thời gian làm việc của lái ôtô: Khoản 1 Điều 58 quy định người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe.

Khoản 1, Điều 65, quy định thời gian làm việc của người lái ôtô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu vi phạm, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 171/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014).

Đồng thời, Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định các phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa phải lắp thiết bị giám sát hành trình nhằm để kiểm soát các hoạt động của phương tiện, đặc biệt là thời gian làm việc của lái xe.

Các quy định của pháp luật khuyến nghị các lái xe không nên điều khiển phương tiện tham gia giao thông đến mức độ mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến ATGT.

Đối với bản thân tài xế, cần giữ sức khỏe thật tốt để làm việc hiệu quả, nhưng không lạm dụng rượu bia, không thức quá khuya, hãy dành giấc ngủ thật tốt vào ban đêm và nghỉ ngơi vào buổi trưa để tái tạo sức lao động, giữ tay lái chắc để đảm bảo ATGT.

Hãy lái xe có trách nhiệm để bảo vệ tài sản, tính mạng chính mình, gia đình mình và gia đình người khác!

 

Điểm d, khoản 6, Điều 23, Nghị định 171/2013/NĐ- CP quy định, phạt tiền từ 3.000.000- 5.000.000đ đối với hành vi "Điều khiển ôtô quá thời gian quy định". Đồng thời theo điểm b, khoản 7, Điều 23, người điều khiển xe vi phạm về thời gian làm việc còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN