Cẩn thận ngừa tai nạn cho trẻ

Cập nhật, 16:28, Thứ Sáu, 05/06/2015 (GMT+7)

Trẻ em ngây thơ, ham chơi và thích tìm hiểu những điều mới lạ xung quanh mình. Thế nhưng đôi khi do hoạt động vui chơi, khám phá ấy, nhiều em đã phải chịu những tai nạn không đáng có. Nhẹ là xây xát, nặng có thể là những thương tật cả đời, thậm chí tử vong.

 Năm 2015, Vĩnh Long ngăn chặn và giảm dần số trẻ em tử vong do TNTT và đuối nước.
Năm 2015, Vĩnh Long ngăn chặn và giảm dần số trẻ em tử vong do TNTT và đuối nước.

Điều đáng nói là tai nạn xảy ra ở trẻ lại do lỗi bất cẩn ở người lớn. Chỉ vì một phút lơ là của người nhà đã kéo theo nhiều việc đau lòng. Khi trẻ gặp tai nạn thương tích (TNTT), chúng ta thường coi đó là sự rủi ro nhưng trên thực tế, có những TNTT hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vấn đề là chúng ta có biết cách phòng?

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, người thân đã phát hiện ra bé trai 7 tuổi đang bất động trong máy giặt lồng ngang có cửa hông. Ngay lập tức, người thân mở cửa máy giặt kéo bé ra nhưng bé đã tử vong trước đó. Khi phát hiện em trong máy giặt thì máy giặt không hoạt động và không có nước bên trong. Nguyên nhân ban đầu được xác định tử vong là do ngạt khí.

Theo một số gia đình có sử dụng máy giặt lồng ngang cho biết: Loại máy giặt này vận hành bán khép kín, chỉ có nút mở khóa từ bên ngoài, khi hoạt động sẽ có chế độ khóa an toàn để cả trẻ em không mở được cửa máy giặt. Tuy nhiên, khi máy không hoạt động, trẻ nhỏ hiếu động có thể mở cửa để chui vào trong máy giặt chơi. Trong trường hợp này, khi cửa đóng lại, trẻ sẽ bị mắc kẹt ở bên trong và không thoát ra được. Đây là một bài học thương tâm cũng như là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh khi vào dịp hè, các bé chơi ở nhà cần lưu ý với các thiết bị sinh hoạt để tránh những trường hợp đáng tiếc như vừa nêu.

Theo bác sĩ chuyên khoa nhi, các bậc phụ huynh nên đặt máy giặt ở những vị trí an toàn, khóa máy giặt cẩn thận sau khi sử dụng, có thể làm hàng rào chắn phía ngoài để tránh trường hợp trẻ tò mò nghịch ngợm. Nên hướng dẫn, giáo dục cho trẻ cách chơi đồ chơi an toàn và tránh xa những đồ vật nguy hiểm có nguồn điện như điều hòa, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng…

Trong trường hợp trẻ bị ngạt khí do kẹt trong máy giặt, ba mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ ra chỗ thoáng khí, nới rộng quần áo, cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng miệng- miệng, hoặc miệng- mũi.

Nếu trẻ dần hồi phục tuần hoàn và hô hấp, hãy đặt ở tư thế hồi phục và cứ sau 10 phút nên kiểm tra mạch, tần số hô hấp. Trường hợp trẻ bất tỉnh, hãy đặt nằm nghiêng ở tư thế an toàn, vừa hà hơi thổi ngạt trên đường chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa kịp thời.

Theo các bác sĩ nhi khoa, phỏng, chết đuối, tai nạn giao thông, nuốt phải dị vật, đồ chơi, điện giật, gãy tay chân, chấn thương phần mềm,... hầu như ngày nào cũng gặp. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong TNTT ở trẻ em từ 4- 15 tuổi. Tiếp đến, tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân gây tử vong cao trong TNTT ở trẻ em 10 tuổi trở lên. Nhóm dưới 4- 5 tuổi thường gặp những tai nạn trong nhà ví dụ như: điện giật, phỏng, ngộ độc và những vết cắt do vật sắc nhọn. Đó là những TNTT thường gặp nhất ở Việt Nam.

Theo Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, đuối nước được cho là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Năm 2014, có 863 em bị TNTT, chiếm tỷ lệ 0,4%. Phần đông số trẻ tử vong đều dưới 6 tuổi và tập trung vào các gia đình khó khăn vùng nông thôn, cha mẹ đi làm ăn, thiếu sự quan tâm. Một số do các em hiếu động rủ nhau đi chơi, tắm sông, một số khác do các em phải lặn lội mưu sinh sớm,... Điều đáng lo ngại là tuy số vụ TNTT do bị đuối nước không nhiều nhưng lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em với 22 trường hợp.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát, đậy kín các lu khạp nước xung quanh nhà, không cho trẻ chơi gần ao hồ, tốt nhất nên dạy cho trẻ tập bơi để tránh những tai nạn không mong muốn.

Ba mẹ cần bình tĩnh quan sát và đánh giá chấn thương của trẻ. Ngay cả ba mẹ cũng cần có những kiến thức về sơ cấp cứu. Ví dụ khi trẻ bị phỏng, tay bị nhúng vào nước sôi, nước canh… thì ba mẹ đừng bôi bất cứ thứ gì lên vết thương như quan niệm, mà nên ngâm vùng phỏng của trẻ vào trong một bát nước hoặc chậu nước mát, trong vòng 15- 20 phút, như vậy mới đảm bảo vết phỏng không bị quá sâu.

Phòng, tránh TNTT cho trẻ em là trách nhiệm, cũng như mối quan tâm của cả xã hội. Để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và kiến thức của các bậc ông bà, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cả cộng đồng.

Thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em, để trẻ em sống và phát triển toàn diện; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ về phòng chống TNTT, đuối nước; giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra. Đây là mục tiêu về phòng chống TNTT mà Vĩnh Long thực hiện trong năm 2015.

 

Bài, ảnh: PHƯỢNG NGÂN