Đường về nẻo thiện

Kỳ cuối: Cộng đồng dang tay đón người lầm lỗi

Cập nhật, 07:02, Thứ Tư, 26/11/2014 (GMT+7)
>> Kỳ 1: Quá khứ lỗi lầm
>> Kỳ 2: Vượt mặc cảm, sống có ích


Cơ sở của anh Bé Ba luôn quan tâm giúp đỡ người lầm lỗi có việc làm ổn định.
 

Để quản lý và tạo điều kiện giúp người chấp hành án phạt tù hòa nhập và sống có ích cho xã hội, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng tái hòa nhập cộng đồng”. Cùng với đó, sự dang tay đón nhận và giúp đỡ của các nhà hảo tâm đã tạo thêm động lực để người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, tìm việc làm ổn định.

Cộng đồng cùng giúp người lầm lỗi

Thực tế những năm qua cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến phạm tội như: lười lao động, có lối sống thực dụng, muốn thể hiện bản thân theo cảm nghĩ riêng, bị đồng tiền cám dỗ,… Tuy trong quá trình chấp hành án, họ được cải tạo, giáo dục, rèn luyện về đạo đức, lối sống nhưng khi về địa phương phải đối mặt với sự nghi kỵ của xã hội, mặc cảm với lỗi lầm của mình và bị xa lánh cộng đồng rất dễ tái phạm.

Do đó, giúp đỡ những người từng vi phạm pháp luật hoàn lương là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đồng thời đề cao tính nhân đạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, cũng như vai trò giám sát của nhân dân để họ tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, mô hình “Quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng tái hòa nhập cộng đồng” được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong đó, thị trấn Vũng Liêm và xã Long Phước (Long Hồ) đã mang lại hiệu quả tích cực.

Ngay từ khi thành lập vào đầu năm 2013, BCĐ mô hình này của thị trấn Vũng Liêm phân công các thành viên thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, việc làm… của những người vừa tái hòa nhập cộng đồng. Ngày 25 hàng tháng, các ban ngành, đoàn thể báo cáo với BCĐ mô hình để có hướng giúp đỡ thiết thực, phù hợp hoặc có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi tái phạm.

Theo ông Lâm Văn Đức- Phó trưởng Công an thị trấn Vũng Liêm, đến nay, địa phương đã tiếp nhận 14 trường hợp chấp hành án phạt tù, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Qua giúp đỡ, động viên thì đến nay, hầu hết họ đều chấp hành tốt pháp luật, sống chan hòa với hàng xóm và rất chí thú làm ăn.

Riêng xã Long Phước (Long Hồ), trong số 21 người trở về từ đầu năm 2012 thì BCĐ đã giao 2 đối tượng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; 14 đối tượng cho Đoàn thanh niên; 5 đối tượng cho Hội Nông dân để trực tiếp quản lý và giáo dục, giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.

Còn những người chưa có việc làm và hoàn cảnh khó khăn thì vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất. Từ đó, họ bớt mặc cảm và làm ăn lương thiện, không tái phạm…

“Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”

Ngoài sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, nhiều cá nhân cũng dang tay giúp đỡ người lầm lỗi và giúp họ có được công việc ổn định, xóa dần mặc cảm để tự tin với xã hội. Chính tình tương thân tương ái, không kỳ thị đã góp phần giúp công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành án tạo được sự lan tỏa và mang lại hiệu quả.

Là chủ cơ sở gia công cửa sắt, nhôm ở xã Long Phước, với vài công nhân lúc mới thành lập, đến nay cơ sở của anh Nguyễn Văn Bé Ba đã có trên 10 công nhân. Điều đặc biệt trong số đó có nhiều người từng có quá khứ tù tội. Nhờ sự giúp đỡ của anh Bé Ba, họ đã có việc làm ổn định, sinh hoạt trong môi trường lành mạnh nên ai cũng chí thú làm ăn.

Anh kể lại: Năm 2013, được chính quyền địa phương vận động thực hiện mô hình “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật về hòa nhập cộng đồng”, tôi đã nhiệt tình tham gia. Người đầu tiên được anh nhận vào làm là em Trần Lĩnh Nam, đến nay em đã rành nghề và hưởng mức lương trên 3 triệu đồng/tháng.

Lúc đầu, anh rất lo ngại vì sợ Nam không chịu chí thú làm ăn và có thật sự trở thành người tốt hay không. Nhưng nghĩ “đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, phải gần gũi, động viên thì người mắc lỗi mới có cơ hội sửa đổi. Vậy là anh quyết định nhận Nam vào cơ sở vừa học vừa làm…

Còn Nam tâm sự: Lúc đầu còn rất bỡ ngỡ, chưa thích nghi với môi trường mới nên làm việc chưa tốt, nhưng nghĩ đến sự quan tâm nhiệt tình của anh Ba và quyết tâm làm lại cuộc đời, phụ giúp gia đình nên bản thân luôn cố gắng học việc. Đến nay, em đã tự tay thực hiện được nhiều công đoạn khó, ngày càng “lên tay”.

Theo anh Bé Ba thì Nam là người rất năng nổ và nhiệt tình với công việc, cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn.
 
“Thành công của Nam đã giúp tôi không còn lo ngại khi nhận những người có tiền án vào làm việc. Khi họ đã thực sự hoàn lương thì không có lý do gì mình phải kỳ thị mà hãy mở rộng vòng tay giúp đỡ họ hướng thiện. Tôi mong rằng những cơ sở khác nên quan tâm giúp đỡ người lầm lỗi để họ có việc làm ổn định, phấn đấu thành công dân tốt”- anh Bé Ba nói.

 


Trong hội nghị biểu dương người chấp hành án xong tái hòa nhập cộng đồng, Thiếu tướng Hồ Thanh Đình- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp- Bộ Công an chỉ đạo:

Các cơ quan chức năng cần xem công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành án phạt tù phải là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và phải lồng ghép, gắn kết công tác này trong các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tạo việc làm, hỗ trợ vốn để họ vượt qua mặc cảm ngay khi tái hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời nhân rộng các mô hình hiệu quả trong quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Song song đó, tuyên truyền rộng rãi về những tấm gương, mô hình tốt để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội; lực lượng công an cần tạo điều kiện cho họ được khai báo tạm trú, nhập hộ khẩu, cấp đổi chứng minh nhân dân.


Bài ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG