Giấy bạc địa phương- một đóng góp to lớn của tỉnh Vĩnh Long trong kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược Nam Bộ (1951-1954)

Cập nhật, 17:32, Thứ Tư, 27/04/2022 (GMT+7)
TS. Dương Tô Quốc Thái 
ThS. Đỗ Anh Tuấn
Khi tìm hiểu Lịch sử Tiền tệ Việt Nam giai đoạn 1945-1954, chúng tôi nhận thấy rằng, tỉnh Vĩnh Long có một đóng góp vô cùng quan trọng cho nền tài chính cả nước, đó chính là đảm nhận nhiệm vụ phát hành giấy bạc (tiền giấy) cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận (Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc) tiêu dùng.
 
Loại giấy bạc mà tỉnh Vĩnh Long phát hành được nhân dân Nam Bộ gọi là “Giấy bạc Địa phương”. Sự ra đời của Giấy bạc địa phương đã giúp cho Chính phủ ta phá bỏ được thế trận tiền tệ mà thực dân Pháp âm mưu để phá hoại nền kinh tế nước ta, tạo tiền đề để chúng ta giành thắng lợi quan trọng trên mặt trận quân sự.
 
Miền sông nước Vĩnh Long. Ảnh: THANH SANG
Miền sông nước Vĩnh Long. Ảnh: THANH SANG
Hoàn cảnh phát hành “Giấy bạc Địa phương” ở tỉnh Vĩnh Long
 
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhưng đã gặp phải vô vàn khó khăn thử thách, đặc biệt là trên lĩnh vực tài chính. Trước hết là Ngân khố quốc gia trở nên kiệt quệ. Toàn bộ số tiền trong Ngân khố chỉ còn lại 1.250.000 đồng Đông Dương (ký hiệu: P), trong đó có 580.000 đồng tiền hào rách, nát đang chờ lệnh thiêu hủy và nếu tính luôn các quỹ địa phương thì số tiền trong ngân khố chỉ vào khoản 2.000.000 P. Ngược lại, Chính phủ Liên bang Đông Dương của thực dân Pháp đã để lại một khoản nợ khổng lồ, lên tới 564.367.522 P. 
 
Trong khi đó, nguồn thu ngân sách bằng thuế khóa của Chính phủ hầu như không có. Các loại thuế của chính quyền thực dân Pháp thì Chính phủ ta đều bãi bỏ. Đồng thời, rất nhiều khó khăn, thử thách trong quản lý kinh tế, tài chính đã đặt chính quyền cách mạng vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
 
Trước thực trạng đó, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt về tài chính. Các hình thức quyên góp như: quỹ “độc lập” (Sắc lệnh số 4, ngày 4/9/1945), “tuần lễ vàng”, tuần lễ đồng, đảm phụ quốc phòng, phụ thu tem bưu điện,... được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Tuy nhiên, do nhu cầu chi tiêu rất lớn, số tiền mà nhân dân quyên góp không đủ; do đó, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nghĩ đến việc phát hành giấy bạc. Ngày 31/1/1946 Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 18B cho phép Bộ Tài chính phát hành giấy bạc loại: 5 đồng, 10 đồng và 20 đồng tại miền Nam Trung Bộ, từ vĩ tuyến 16 trở xuống và thu được kết quả rất khả quan. Khắp nơi nhân dân nô nức rủ nhau đi đổi giấy bạc Đông Dương lấy “giấy bạc cụ Hồ”. 
 
Sau thành công này, ngày 31/8/1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 154-SL, cho phép Bộ Tài chính mở rộng phạm vi phát hành giấy bạc Việt Nam ở miền Bắc Trung Bộ, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc và được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh. Ngay sau đó, Quốc hội liền ra nghị quyết cho phép Chính phủ phát hành giấy bạc Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Đến ngày 1/5/1947, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 48/SL, cho phép Bộ Tài chính phát hành giấy bạc Việt Nam với các mệnh giá: 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng và 500 đồng. Rất nhanh chóng, loại giấy “bạc Tài chính- cụ Hồ” này đã được nhân dân cả nước đón nhận, tiêu dùng và làm phương tiện tích lũy tài sản ở những nơi do chính quyền của ta kiểm soát.
 
Tuy nhiên, cuối năm 1946, thực dân Pháp đã đánh chiếm được các tỉnh Nam Bộ của nước ta và đem quân can thiệp ra miền Bắc. Trước tình thế đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, nên chiến tranh chống Pháp xâm lược càng trở nên ác liệt. Vì vậy, lãnh thổ nước ta tạm thời bị chia cắt thành nhiều khu vực, khiến cho giao thông khó khăn và nhiều lúc bị tắt nghẽn… Để đối phó tình hình trên, Chính phủ Kháng chiến Trung ương cho thành lập tạm ba khu vực tiền tệ riêng biệt. Khu vực 1: Các Liên khu 3, 4 và Chiến khu Việt Bắc. Khu vực 2: các tỉnh Trung Bộ và miền Nam Trung Bộ (Liên khu 5) và khu vực 3: Nam Bộ.
 
Riêng ở khu vực Nam Bộ, do quá xa Chiến khu Việt Bắc nên những tờ giấy “bạc Tài chính- cụ Hồ” không thể nào đến tay nhân dân được. Trước tình cảnh đó, Đảng ta xác định, “trận địa tiền tệ” cũng là trận chiến quan trọng để phá hoạch sức mạnh kinh tế của địch, góp phần hỗ trợ cho thắng lợi trên mặt trận quân sự. Cũng vì lý do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 47/SL ngày 2/3/1948, cho phép phát hành tại Nam Bộ giấy bạc Việt Nam gồm đủ loại, từ 1 đồng cho đến 100 đồng. Ngay lập tức, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ liền cho phát hành một loại tiền giấy mới có tên gọi là “Giấy bạc Nam Bộ”. Loại giấy bạc Nam Bộ này sẽ do 3 phân ban phụ trách phát hành. Phân ban A ở vùng Đồng Tháp Mười chuyên in Tín phiếu, có họa sĩ Huỳnh Văn Gấm đảm nhiệm. Phân ban B chuyên in Giấy bạc Nam Bộ được xây dựng tại vùng U Minh thuộc huyện Ngọc Hiển, Bạc Liêu (tỉnh Cà Mau ngày nay) và phân ban C đặt trong địa phận tỉnh Vĩnh Long để in “Giấy bạc địa phương” phát hành riêng cho một hoặc mấy tỉnh lân cận. Phân ban C chịu trách nhiệm in 2 loại giấy bạc địa phương sau:
 
- Loại A, mang tên giấy bạc Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ: Phạm Văn Bạch và Đại diện Tổng Giám đốc Ngân khố quốc gia: Nguyễn Thành Vĩnh ký.
 
- Loại B, mang tên Phiếu tiếp tế, Phiếu đổi chác, Tín phiếu (chiếu theo Nghị định số 267/NĐ của Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ, chỉ được lưu hành trong một tỉnh và do Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ và Trưởng Ty Ngân khố tỉnh ký tên, chịu trách nhiệm”.
 
Như vậy, từ các ghi chép trên có thể khẳng định, tỉnh Vĩnh Long là tỉnh duy nhất được Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ lựa chọn để phá hoại thế trận tiền tệ (tức phát hành Giấy bạc địa phương) của thực dân Pháp ở Nam Bộ, nhằm góp phần hỗ trợ cho mặt trận quân sự cả nước đi đến thắng lợi. Đây được xem là một vinh dự lớn lao cho Tỉnh ủy Vĩnh Long, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh và nhân dân tỉnh Vĩnh Long trong công cuộc kháng chiến- kiến quốc, chống thực dân Pháp tái xâm lược Nam Bộ. 
 
Một số đặc điểm của “Giấy bạc địa phương” do tỉnh Vĩnh Long phát hành 
 
Sau khi phân ban C được thành lập ở tỉnh Vĩnh Long với nhiệm vụ phát hành Giấy bạc địa phương cho nhân dân tỉnh Vĩnh Long và mấy tỉnh lân cận tiêu dùng; ngay lập tức, bộ phận ấn loát của Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ đã thiết kế mấy mẫu tiền giấy địa phương. Các loại Giấy bạc địa phương có một số đặc điểm như sau:
 
- Về hình dáng bên ngoài của Giấy bạc địa phương: Thường ghi Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó còn có hình vẽ và dòng chữ Giấy bạc Việt Nam hoặc không có dòng chữ đó. Ngoài ra, điểm đáng chú ý trên tờ giấy bạc có dòng chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa in bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Lào. Phần lớn các tờ giấy bạc có hình chìm ngôi sao năm cánh hoặc chữ VN (Việt Nam) nằm trong ngôi sao năm cánh và có hình tròn bao bọc ngoài ngôi sao. Các tờ giấy bạc còn có chữ ký của đại diện Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính- Phạm Văn Bạch và Đại diện Tổng Giám đốc Ngân khố quốc gia, Giám đốc Ngân khố Nam Bộ - Nguyễn Thành Vĩnh”.
 
- Về kích thước: Tác giả Phạm Thăng trong công trình Tiền tệ Việt Nam, Tập 2, Tiền tệ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1946-1994), ghi chép: có 4 mệnh giá Giấy bạc địa phương phát hành ở tỉnh Vĩnh Long là 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng và 20 đồng. Kích thước của các mệnh giá này như sau:
 
+ Loại 1 đồng: chiều dài 74mm, chiều rộng 34mm; loại 5 đồng: dài 90 mm, rộng 40- 42mm. Loại 10 đồng: dài 100mm, rộng 60mm hoặc 47mm; loại 20 đồng: dài 110mm, rộng 54mm.
 
- Về màu sắc: các loại “Giấy bạc địa phương” in ấn tại tỉnh Vĩnh Long với loại màu khác nhau tùy vào từng mệnh giá: Tờ 1 đồng, mặt trước và mặt sau đều in màu xanh. Tờ 5 đồng, mặt trước in màu xanh, mặt sau in màu nâu,..
 
-Về hoa văn, họa tiết trang trí: Nhìn chung, Giấy bạc địa phương phát hành ở tỉnh Vĩnh Long được trang trí đơn giản, chủ yếu nói về cuộc sống của giai cấp công, nông, binh và tinh thần lao động cần cù sáng tạo của nông dân trong kháng chiến, cũng như sự anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương của quân và dân ta. Cụ thể như: “Tờ 1 đồng: Mặt trước: chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và số 1; mặt sau: nông dân sàng sẫy lúa. Tờ 5 đồng: Mặt trước: chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và số 5; mặt sau: nông dân làm ruộng,... Ngoài ra trên các tờ Giấy bạc địa phương này còn có ghi thêm dòng chữ: chỉ lưu hành trong tỉnh hoặc vài tỉnh lân cận”.
 
- Về giấy in: Nhìn chung đều được sản xuất từ “chất liệu rơm rạ và giấy tập học sinh”. 
 
“Giấy bạc địa phương” phát hành ở tỉnh Vĩnh Long trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược Nam Bộ ra đời trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn nên cũng có một vị trí lịch sử hết sức quan trọng. Trước hết, loại giấy bạc này khẳng định chủ quyền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ ở mọi miền của Tổ quốc. Kế đến, loại giấy bạc này cũng khẳng định cho tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân tỉnh Vĩnh Long và nhân dân những tỉnh lân cận. Đồng thời, còn thể hiện được tài năng, sức sáng tạo của người họa sĩ Nam Bộ với những hình ảnh gần gũi, thân thương, mộc mạc, bình dị của quê hương Vĩnh Long và Nam Bộ.
 
Mùa lúa chín. Ảnh: QUỐC NGUYÊN
 
 
Như vậy, trong lịch sử tiền tệ Việt Nam, có một loại giấy bạc (tiền giấy) mẫu mã không đẹp, dễ rách nát, kém chất lượng,... thế nhưng được nhân dân tỉnh Vĩnh Long và một số vùng phụ cận rất nhiệt tình đón nhận và đem tiêu dùng cũng như tích lũy tài sản. Loại giấy bạc này chính là “Giấy bạc địa phương”- đây được xem là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng trên trận địa tiền tệ của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc phá hoại mặt trận kinh tế của thực dân Pháp để góp phần hỗ trợ cho thắng lợi quân sự về sau, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
 
(Lược trích tham luận Hội thảo khoa học)