Từ dinh Long Hồ đến tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 16:05, Thứ Hai, 31/01/2022 (GMT+7)

 

BẢN ĐỒ NAM KỲ LỤC TỈNH
BẢN ĐỒ NAM KỲ LỤC TỈNH

Chúa Tiên tức Nguyễn Hoàng(1) (1525- 1613) trước khi lâm chung có lời di huấn căn dặn con cháu và thần dân đại ý là đất phương Nam địa thế thuận lợi, tài nguyên phong phú, là đất dụng võ người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi đối phương thì đủ xây dựng được cơ nghiệp muôn đời.

Ghi tạc lời dạy bảo đó, các thế hệ kế tiếp hết lòng quan tâm xả thân vì nghiệp chúa.

Xuân Nhâm Tý 1732, chúa Nguyễn Phúc Trú (1697- 1738) ra chỉ dụ thành lập dinh Long Hồ, khai sinh đơn vị hành chính thứ 12 cuối trời Nam trên cương thổ từ Quảng Bình (sông Linh Giang- miền Trung) trở vào(2). Thiết lập châu Định Viễn thành vùng rộng lớn bao gồm: vùng đồng bằng phía Nam sông Tiền, sông Hậu. Lúc đầu tình hình chưa ổn định, trụ sở dinh Long Hồ đóng tại thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng (nay là huyện Cái Bè- Tiền Giang). Dinh Long Hồ chỉ quản lý 1 châu và 5 tổng, sau đó mở rộng thêm 5 đạo là Đông Hải (Sa Đéc), Tân Châu (Tiền Giang), Châu Đốc (Hậu Giang), Kiên Giang (Rạch Giá) và Long Xuyên (Cà Mau).

Năm 1757- tức 25 năm sau, tình hình thuận lợi, tham mưu Nguyễn Cư Trinh đề nghị được chấp thuận dời dinh Long Hồ về thôn Trường Xuân, làng Long Hồ (đất Tầm Bào, nay là Phường 1- TP Vĩnh Long).

Tháng 11/1779, tình hình vùng sông Hậu bất ổn, chúa Nguyễn Ánh cho dời lỵ sở dinh Long Hồ đến bãi Bà Lúa (tức ấp Dinh An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè- Trà Vinh) để tiện cho việc tiếp cận chỉ đạo và đổi dinh Long Hồ thành dinh Hoằng Trấn.

Năm Canh Tý 1780, tình hình ổn định, để tiện cho việc hoạt động, chúa Nguyễn quyết định cho dời lỵ sở từ bãi Bà Lúa về chỗ cũ đất Tầm Bào (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay) và đổi dinh Hoằng Trấn thành dinh Vĩnh Trấn.

Năm Mậu Thìn 1808, vua Gia Long thứ 7 cho đổi dinh Vĩnh Trấn thành trấn Vĩnh Thanh.

Xuân Nhâm Thìn 1832, triều vua Minh Mạng thứ 13, tập trung cải cách địa giới hành chính đổi trấn Vĩnh Thanh thành trấn Vĩnh Long và vào tháng 10 năm này đổi trấn Vĩnh Long thành tỉnh Vĩnh Long. Như vậy, toàn Nam Kỳ có 6 tỉnh, gọi là Nam Kỳ lục tỉnh (tức Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên).

Ngày 20/12/1899, toàn quyền Đông Dương Pháp ký nghị định thực thi chia tỉnh Vĩnh Long bắt đầu từ 1/1/1900 ra làm 3 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Tỉnh Vĩnh Long có 5 quận là Long Châu, Chợ Lách, Cái Nhum, Vũng Liêm và Ba Kè (tức quận Chợ Mới- Tam Bình).

Ngày 27/6/1951, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Nghị định số 174/NB-51 sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà.

Xuất phát từ yêu cầu của tình hình tiện cho việc lãnh đạo, chỉ đạo trong điều kiện mới, tháng 10/1954, Khu ủy Quân khu 9 (tức Tây Nam Bộ) quyết định tách tỉnh Vĩnh Trà ra làm 2 tỉnh là Vĩnh Long và Trà Vinh.

Ngày 15/2/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra nghị định sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long, tỉnh Cửu Long gồm 2 thị xã và 13 huyện.

Ngày 26/12/1991, kỳ họp Quốc hội lần thứ X khóa VIII có nghị quyết chia tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Tỉnh Vĩnh Long chính thức đi vào hoạt động ngày 5/5/1992. Hiện Vĩnh Long có 1 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện và 107 đơn vị cấp xã (87 xã, 14 phường, 6 thị trấn, 846 ấp và tương đương).

Năm 2022, chúng ta kỷ niệm 290 năm ngày thành lập đơn vị hành chính dinh Long Hồ- tiền thân tỉnh Vĩnh Long.

Chúng ta càng tự hào về quê hương giàu đẹp, càng nhớ ơn người xưa gian khổ đổ công sức khai hoang mở cõi; vừa chống chọi thiên tai, ác thú, dịch bệnh, vượt qua nghèo đói khốn cùng, nhất là sự dũng cảm, hy sinh to lớn trong chống giặc ngoại xâm.

Đặc biệt là từ ngày có Đảng và đường lối sáng suốt của Bác Hồ, nhân dân ta đánh bại các tên đế quốc giành độc lập, tự do, cơm no, áo ấm…. đưa đất nước không ngừng phát triển, sánh vai cùng bạn bè trên thế giới.

Chúng ta càng có ý thức trách nhiệm với tiền nhân và tương lai của đất nước.

...............

Theo tài liệu: Nguyễn Hoàng- người mở cõi. NXB Chính trị Quốc gia 2014. Việt Nam sử lược. NXB Đà Nẵng 2001

(1) Vị chúa thời Nguyễn đầu tiên khởi xướng mở cõi phương Nam.

(2) Dinh Chính (Phú Xuân), dinh Cựu (Ái Tử), dinh Quảng Bình, dinh Vũ Xá, dinh Bố Chính, dinh Quảng Nam, dinh Phú Yên, dinh Bình Khang, dinh Bình Thuần, dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn, dinh Long Hồ.

NGUYỄN CHIẾN THẮNG