Tên gọi Mang Thít có nghĩa gì?

Cập nhật, 10:50, Thứ Ba, 05/09/2017 (GMT+7)

LTS: Địa danh là tên gọi của địa hình thiên nhiên, các công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ nào đó. Do đó, địa danh là đối tượng quan tâm của nhiều lĩnh vực khoa học như lịch sử, địa lý, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học...

Để bạn đọc hiểu thêm về tên gọi các địa danh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long sẽ độc quyền đăng những bài viết mang tính chất khảo cứu nghiêm túc của PGS.TS ngôn ngữ học Đặng Ngọc Lệ- Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP Hồ Chí Minh (bút danh Thạch Thảo) trên trang Văn hóa- nghệ thuật (mỗi tháng có 2 trang, số ra ngày thứ ba). Mời bạn đọc tham khảo!

Địa danh Mang Thít (tên hành chính một địa bàn huyện hiện nay của tỉnh Vĩnh Long) còn có tên gọi khác: Măng Thít, Mân Thít (“Đại Nam nhất thống chí”, tập 5 ghi địa phương Mang Thít là “Mân Thít của Chân Lạp”; “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức cũng ghi địa danh này là “Mân Thít”; “Đại Nam Quấc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của có chú giải từ “Mân Thít” là tên con rạch thuộc hạt Vĩnh Long).

Về 3 tên gọi này, có 2 điều cần bàn: 1. Sự khác biệt giữa “mang, măng và mân” có nghĩa gì?; còn “thít” có nghĩa gì? 2. Thời gian tính của 3 địa danh này như thế nào?

Về nghĩa 3 thành tố: “mang, măng, mân” kết hợp với thành tố “thít”, trong tiếng Hán, có lẽ không có kết hợp này, bởi chữ Hán không có âm “thít” mà chỉ có âm “thích”, do vậy khả năng đây không thể là một từ Hán Việt;

trong tiếng Việt, “thít” có nghĩa từ địa phương là “siết, thắt chặt lại”, nếu kết hợp với “mang, măng, mân” thì tổ hợp này cũng chẳng có nghĩa nào thuyết phục, do vậy khả năng đây cũng không thể là một từ thuần Việt.

Có lẽ để lý giải địa danh Mang Thít cần chú ý tới địa danh Mang Khảm, tên gọi trước đây của Hà Tiên, mà nghĩa của cả 2 địa danh khởi đầu từ thành tố “Mang + X” chưa có cở sở để lý giải.

Nhưng nhìn từ khía cạnh sử liệu, trong “Đại Nam nhất thống chí” đã gợi mở, đây có thể là thành tố có từ gốc “Chân Lạp”, bao gồm: Thủy Chân Lạp (thuộc cư dân Óc Eo, vốn là dân bản địa của ĐBSCL) và Lục Chân Lạp (thuộc cư dân Khmer).

Về sự chuyển đổi âm “Mang Thít”, khó để xác định thời gian tính trước sau của 3 thành tố biến âm “mang, măng, mân”; nhưng căn cứ vào các tư liệu, địa danh được dùng đầu tiên trên sách là “Mân Thít” và như vậy, sự chuyển đổi ngữ âm theo hướng chuyển biến sau: “ơ ngắn, hàng giữa, có độ mở trung bình” được thể hiện “â” chuyển thành “a ngắn, hàng sau, có độ mở rộng” được thể hiện “ă”, rồi thành “a dài” được thể hiện “a”.

Về ngữ âm của thành tố “thít”, đây không hề là khuynh hướng phát âm của người miền Nam, bởi âm tiết có khuôn vần được ghi “-it”, với người Nam Bộ sẽ được phát thành khuôn vần được ghi “-ich”; do vậy, “thít” sẽ được phát âm thành “thích”. Mong có ý kiến trao đổi thêm về trường hợp địa danh này.