Tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc

Cập nhật, 07:21, Chủ Nhật, 21/04/2024 (GMT+7)

 

Thói quen đọc sách cần được duy trì từ mọi độ tuổi khác nhau.
Thói quen đọc sách cần được duy trì từ mọi độ tuổi khác nhau.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3/2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng để tôn vinh giá trị của sách, những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, phát hành và lưu giữ sách. Ở họ, có chung một tình yêu sách và mong muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, hiếu đọc, quảng bá giá trị của sách, từ đó góp phần phát triển văn hóa đọc sâu rộng đến mọi người.

“Sách hay cần bạn đọc”

Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 21/4 là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh- tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam.

Năm 2024 là năm thứ ba tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc. Ngày sách diễn ra từ 17-21/4, với quy mô 22 gian hàng, 20 đơn vị tham gia, hơn 220.000 đầu sách được trưng bày, với đầy đủ các thể loại về Việt Nam, đất nước, con người; về Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ quyền biển đảo Việt Nam; xây dựng NTM; Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa xuân 1975…

Theo ông Lê Thế Vinh- Phó Giám đốc Sở Thông tin-TT, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Sách dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Văn hóa đọc là một trong những truyền thống quý báu cần được phát huy để có thể phát triển bền vững.

“Tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, góp phần tôn vinh các giá trị và khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển trong cộng đồng. Qua ngày sách sẽ giới thiệu quảng bá hình ảnh con người Vĩnh Long và lịch sử văn hóa Nam Bộ, sẽ giúp bạn đọc mà nhất là giới trẻ thêm niềm tin yêu thích sách, tôn vinh văn hóa đọc; đồng thời giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước”- ông Lê Thế Vinh cho biết.

Nói về văn hóa đọc hôm nay, ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật trăn trở: “Tỷ lệ người Việt Nam đọc sách khá ít so với các nước khác. Vì sao ta nên đọc sách? Câu trả lời này tôi muốn dành cho tất cả chúng ta”.

Ông Trần Thanh Sơn cho biết “Sách hay cần bạn đọc” bởi: “Mục đích của việc đọc sách để hiểu biết, chúng ta đã kế thừa sự hiểu biết mà loài người đã truyền lại, từ đó, ta tự tin hơn, tự hào hơn, tự quyết và sẽ là nền tảng rất vững chắc để chúng ta có thể sáng tạo. Đọc sách để làm việc, đọc sách là tự trang bị cho mình những hiểu biết lớn lao và từ đó vận dụng vào công việc hàng ngày, tạo ra những giá trị mới cho chính mình. Bên cạnh đó, đọc sách để chia sẻ, để hòa nhập, để cảm nhận được hạnh phúc, an lạc và hơn hết là đọc sách để làm người…”

Gieo mầm tình yêu sách

Gắn bó với nghề bán sách cũ hơn 10 năm ở Vĩnh Long và Cần Thơ, ông Trần Văn Thiện cũng có 1 gian hàng bán sách tại sự kiện ngày sách. Từng làm giáo viên, sau đó bán phế liệu, thấy nhiều sách hay nên ông Thiện mới giữ lại và chuyển sang nghề bán sách.

Với ông, người chơi sách cũ xem chuyện sưu tầm sách như một thú vui, xem chuyện gìn giữ kiến thức là một điều rất đỗi thiêng liêng. Bán sách cũ cũng là cách để gặp gỡ người đồng điệu. Người mua sách rất đa dạng, từ học sinh đến những người lớn tuổi, từ mua trực tiếp đến mua qua Internet. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số, trao đổi sách trở nên dễ dàng hơn khi đăng lên mạng xã hội và người ta giành nhau mua.

“Những người mua sách để tìm hiểu kiến thức, cũng để lưu giữ lại, làm tài liệu tham khảo hoặc sưu tầm. Có một số khách hàng mua cùng một tựa sách nhưng sưu tầm tới 5-6 bộ khác nhau, sách cũ có giá trị như thế. Dù không biết có tồn tại được với thời gian nhưng đây cũng là những tín hiệu vui cho thấy giá trị của sách cũ vẫn tiếp tục lan tỏa, góp phần nuôi bền sức sống văn hóa đọc trong thời đại số”- ông Thiện bộc bạch.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc sách và cần được vun đắp từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Mến- giáo viên Trường THCS- THPT Mỹ Phước (Mang Thít) cho các con tiếp cận sách từ bé. Vợ chồng anh thường có thói quen đọc sách cho bé nghe, đến nay bé học lớp 2 đã hình thành thói quen đọc sách mỗi tối.

Anh Mến chia sẻ: “Cần ươm mầm tình yêu đọc sách cho các con từ nhỏ. Đọc kích thích sự tò mò của đứa trẻ nhiều hơn, qua tiếp xúc màu sắc, hình ảnh, mùi giấy, và qua một số loại sách 3D có thể tương tác được. Các con tiếp cận thế giới xung quanh ở nhiều góc độ, biết nhiều từ vựng hơn và có thể thấy rõ qua việc diễn đạt câu từ tốt hơn khi giao tiếp, khi học Ngữ văn”.

Bạn Trần Thảo Vy- Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) cũng đang cố gắng rèn luyện thói quen đọc sách mỗi ngày.

“Em yêu thích đọc những cuốn sách về lịch sử, văn học, khoa học và kỹ thuật. Sách giúp em hiểu biết thêm về thế giới xung quanh, khơi dậy trong em niềm đam mê học tập và khám phá. Em mong rằng, ngày sách sẽ là động lực để mỗi người hãy yêu quý sách và rèn luyện thói quen đọc sách mỗi ngày. Hãy biến việc đọc sách thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Đọc sách để hiểu biết, để trưởng thành, để cống hiến cho đất nước và cho cuộc đời”- Thảo Vy cho biết.

Trao giải cuộc thi viết cảm tưởng về sách, khuyến khích các bạn trẻ đọc sách.
Trao giải cuộc thi viết cảm tưởng về sách, khuyến khích các bạn trẻ đọc sách.

Theo ông Lê Thế Vinh, để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, cần khuyến khích mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, hình thành thói quen đọc sách. Đọc sách cần được vun đắp từ nhỏ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường để rèn luyện khả năng tư duy.

Mỗi gia đình nên xây dựng tủ sách, khuyến khích con em đọc sách mỗi ngày. Các trường học cần tổ chức các hoạt động khuyến đọc, tạo môi trường đọc sách thân thiện, hấp dẫn cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cũng cần tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên đọc sách, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét văn hóa tốt đẹp.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ