Chung tay cho áo dài thành di sản

Cập nhật, 06:05, Thứ Sáu, 10/03/2023 (GMT+7)
Vĩnh Long tổ chức diễu hành, đồng diễn áo dài mừng kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ năm 2023.
Vĩnh Long tổ chức diễu hành, đồng diễn áo dài mừng kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ năm 2023.

(VLO) Mỗi người phụ nữ Việt Nam dù giàu có hay khó khăn dường như đều có sẵn trong tủ áo ít nhất một bộ áo dài.

Mỗi người có thể chọn lựa cho mình màu sắc, kiểu dáng, loại vải, … khác nhau phù hợp với mình. Áo dài cũng là món quà ý nghĩa cho mẹ, cho chị, cho vợ cho người yêu, em gái,… tháng 3 này! Hãy cùng nhau lan tỏa khẳng định tính cộng đồng áo dài Việt!

Đó là chiếc áo dài cưới được truyền từ thời bà sang mẹ làm kỷ niệm; áo dài đi học của con; áo dài cưới năm nào; áo dài chuẩn bị làm bà thông gia hay đơn giản là áo dài đi những sự kiện, đám tiệc quan trọng.

Lịch sử mấy trăm năm của áo dài, từ thế kỷ XVII cho ra đời áo tứ thân, ngũ thân, áo dài Lemur do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Đến áo dài của họa sĩ Lê Phổ thiết kế được xem là mẫu nguyên gốc của thiết kế áo dài Việt hiện nay.

Sau thời gian biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách, áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới tà rộng, áo cách tân, áo dài cô ba Sài Gòn,...

Với xu hướng thay đổi năng động hiện đại, áo dài có thể ngắn hơn hoặc dài hơn, tay áo có thể ngắn có cổ hoặc không có cổ cho người dùng sự chọn lựa phong phú và mang những vẻ đẹp riêng.

Tôi đã từng ước mơ làm cô giáo chỉ để… thỏa thích mặc áo dài đi dạy học. Dù rằng, bản thân đã mặc áo dài đi học từ lớp 6! 6 năm mặc áo dài đến lớp dường như chưa đủ,…

May mắn thay, khi chọn nghề tôi bỏ lại ước mơ làm cô giáo, vì hiểu không thể chỉ đi dạy vì… mê áo dài chứ không yêu trường, mến trò!

Vào ĐH tôi tích cóp may một bộ áo dài dù chỉ mặc được đôi ba lần trọng đại như… bảo vệ luận văn, lãnh bằng tốt nghiệp. Nhưng mỗi lần được mặc với tôi là cả sự nâng niu không đơn giản là yêu thích.

Tôi đi làm, thỉnh thoảng mới được mặc áo dài bởi lẻ công việc lúc nào cũng cần sự nhanh nhẹn thì việc mặc áo dài đi làm dường như… là con số không! Dẫu vậy, mỗi khi có thể, tôi luôn tranh thủ để được… mặc áo dài.

Có thể nói, áo dài không chỉ là một trang phục mà còn là một nền văn hóa là biểu tượng của nền văn hóa tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Vì lẽ đó, tuần lễ áo dài, tháng áo dài được phát động. Hãy cùng nhau góp sức cho văn hóa áo dài Việt bằng cách mặc và cho tặng áo dài!

Hiện nay, áo dài đang được các ngành chức năng hoàn thiện các hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa.

Những tiêu chí để áo dài được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đang được xem xét trong đó có tính cộng đồng.

Với mục tiêu đưa giá trị áo dài trở thành di sản văn hóa Việt Nam, sự hưởng ứng tích cực của phụ nữ cả nước sẽ góp phần quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN