Tại sao Pháp sợ những cây cầu?

Cập nhật, 07:19, Chủ Nhật, 12/02/2023 (GMT+7)

Cây khô mọc rễ trên đầu,

Trời đất không sợ, mà sợ cây cầu bắc ngang

Ngày xưa những ghe thương hồ dùng sức gió, giương buồm để đi lại trên sông. Gặp cầu bắc ngang, người đi phải cuốn buồm, xếp buồm lại, đi qua cầu rồi mới giương buồm ra đi tiếp, để không bị trở ngại vì cây cầu. Câu ca dao phản ảnh thực tế cuộc sinh hoạt của dân gian.

Nhưng giặc Pháp đối với tỉnh Vĩnh Long cũng rất sợ những cây cầu, đi đâu cũng nghe kể chuyện rất lý thú.

Cầu Lầu

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Pháp chiếm tỉnh lỵ Vĩnh Long (29/10/1945), 2 ngày sau 31/10/1945, mở mũi từ cầu Lầu nong ra lấn chiếm các vùng phụ cận.

Dưới sự chỉ đạo của lực lượng Cộng hòa vệ binh và thanh niên cảm tử quân bám chặt các đầu cầu chuẩn bị từ thế đánh địch như cầu Lộ, cầu Cái Cá, cầu Thiềng Đức, cầu Cái Cam... Thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến: “Vườn không nhà trống”. Các cầu sắt đều gỡ ván, rào gấp chướng ngại vật.

Như một quán tính trước khi qua cầu Lầu địch xả súng tiểu liên bắn ồ ạt, rồi nằm xuống, rồi bắn liên hồi.

Đợi cho tốp địch đi vừa qua cầu, Trần Văn Lợn(1) ra lịnh nổ súng. Bất ngờ bọn địch trúng đạn té nhào, 2 tên Pháp chết, 3 tên khác bị thương. Cả tỉnh lỵ Vĩnh Long vang tiếng súng chống xâm lược.

Tuy chiến thắng nhỏ nhưng sức cổ vũ to lớn hậu phương, nhân dân đứng lên chống giặc bảo vệ thành quả cách mạng.

Cầu Ông Me

Suốt một tuần Pháp chỉ lò dò trong tỉnh lỵ, ban đêm ta tập kích gây tiếng vang, ngày 5/11/1945 địch mở mũi qua cầu Ông Me tiến hành lấn chiếm phía Đông nam tỉnh lỵ.

Chúng vừa đi vừa thăm dò, tại đầu cầu Ông Me bên này, chúng dùng cối 60 ly bắn mở đường tác động phía Đông, phía Nam ào ạt.

Địch dọn đường, sửa cầu, phá chướng ngại vật dưới sông và trên bờ. Suốt ngày địch chà sát vùng đầu cầu, không đi xa quá 200m. Ngày hôm sau cũng vậy.

Ngày thứ ba trước khi mở mũi, quân ta chớp thời cơ từ trong chân vườn phía Đông, đánh úp bật địch bung ra đồng. Địch hốt hoảng té xuống sông và rút lui qua cầu chạy tán loạn.

Ta diệt 10 tên địch, lấy khẩu cối 60 ly và một số súng trường. Ta làm chủ bờ sông Ông Me phía bên phải. Trời tối thuận tiện cho ta hành quân, bọn địch chạy thụt mạng về tỉnh lỵ (cách 3 cây số).

Quân ta dưới sự chỉ huy của Trần Văn Lợn và Phạm Ngọc Hưng cầm cự suốt 7 ngày, ta hy sinh 2 chiến sĩ, bị thương 4 đồng chí khác.

Đánh địch diệt cấp tiểu đội, thu súng cối, bám trụ nhiều ngày là nguồn cổ vũ to lớn quân dân ta trên mọi chiến trường, gây cho địch dao động, hoang mang.

Cầu Ngã Tư Long Hồ

Nằm trên tuyến lộ 7 (nay là QL53 cầu Ngã Tư Long Hồ là nơi ám ảnh ngày đêm đối với bọn thực dân Pháp.

Sau 27 ngày bị xóa sổ một tiểu đội lính Pháp, mất một khẩu cối 60 ly, mãi đến ngày 2/12/1945 địch huy động hai đại đội Âu Phi chia làm ba mũi tấn công và Ngã Tư Long Hồ: hai mũi tấn công dọc lộ 7, ngay cầu Ngã Tư và hướng chợ. Mũi đổ quân bằng tàu bọc hậu phía cặp sông đánh xuyên hông.

Quân ta mai phục sẵn dưới công sự khi bọn Âu Phi tiến sát bên ta nổ súng. Bọn Âu Phi lớn cao dềnh dàng trước tầm súng của ta bị ngã gục.

Suốt ngày ta quần với địch, xung phong nhiều trận bẻ gãy nhiều đợt tiến quân của địch. Đến xế chiều một trung đội của Lê Văn Cộ từ Trà Vinh đến tiếp sức gây cho địch nhiều thiệt hại. Ta diệt 40 tên địch, làm bị thương một số tên, thu một số súng. Ta hy sinh 4, bị thương 21 (đặc biệt là trung đội của Lê Văn Cộ hy sinh 12).

Các đồng chí Phạm Ngọc Hưng, Cao Ngọc Quế, Mai Hoàng Bảo suốt ngày chỉ huy quần đánh địch, dùng đạn “trom long” cải tiến bắn vào đối phương gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Lực lượng Cộng hòa vệ binh là lực lượng gốc từ lính tập do quân Pháp bắt đi lính luyện tập hòng làm tay chân cho chúng. Sau Cách mạng Tháng Tám, họ trở về với nhân dân, tham gia cách mạng.

Cái gốc cùng một lò luyện như nhau, nhưng chiến đấu khác nhau là từ lòng yêu nước chiến đấu vì chính nghĩa, nên dầu thiếu súng đạn, dạn dày gian khổ, với lòng quyết tâm cao, họ luôn giành thắng lợi. Từ trận cầu Lầu, trận cầu Ông Me, trận Ngã tư Long Hồ... họ luôn chủ động giành thế thắng.

Những cây cầu là nơi mồ chôn giặc Pháp, do đó chúng sợ những cây cầu là điều dễ hiểu.

(1) Chỉ huy lực lượng Cộng hòa vệ binh.

SAO VÀNG