Truyện ngắn

Những tia nắng màu hồng

Cập nhật, 14:49, Thứ Bảy, 03/12/2022 (GMT+7)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

(VLO) Chuyến xe lúc rạng sáng đã nhanh chóng đưa Sơn về đến nhà đúng lúc bình minh vừa ló dạng. Sơn mở cửa bước vào, mùi ẩm mốc xộc vào mũi, mạng nhện chằng chịt, mọi thứ cũng tiêu điều, xác xơ.

Ngôi nhà này vẫn lạnh lẽo như thế, nơi mà hễ cứ trở về Sơn lại thấy lồng ngực nhói đau, nỗi xót xa, hiu quạnh cứ bủa vây lấy Sơn. Có những lúc Sơn đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ quay trở lại nơi này nữa.

Cậu đã từng muốn chôn vùi nó trong quá khứ, muốn cho nó vĩnh viễn chết đi trong cảm xúc của chính mình. Nhưng không, cậu đã không thể từ bỏ nơi này được, vì chí ít nơi này đối với Sơn vẫn còn những kỷ niệm rất đẹp.

Chẳng gì thì Sơn cũng đã từng có những tháng ngày hạnh phúc, được nằm trong vòng tay ấm áp của cha mẹ. Và hơn thế, mỗi khi trở về, Sơn bỗng thấy mình như bé lại, thấy như bé Thúy - đứa em bé bỏng vẫn còn loanh quanh đâu đây.

Quê Sơn nghèo lắm, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Ngày nhỏ, Sơn cũng có cuộc sống bình yên như bao đứa trẻ khác. Mẹ Sơn làm ruộng, bố xuống Hà Nội làm thuê. Sơn ở nhà sau giờ học lại phụ mẹ làm việc nhà và trông em.

Sơn lớn hơn em Thúy 6 tuổi, em Thúy còi cọc và hay bị ốm, nhưng em Thúy dễ thương và hay cười toe toét, Sơn yêu em lắm. Ngỡ tưởng tuổi thơ với Sơn cứ thế êm đềm trôi qua. Nào ngờ!

Năm Sơn 10 tuổi, một chuyện tồi tệ đã đến với gia đình Sơn. Hồi đó bố bị bệnh, người bố mệt mỏi, suy kiệt, bố không thể đi làm thuê được nữa. Mẹ cũng thấy mệt mỏi, đau ốm dặt dẹo suốt.

Ở quê người ta bảo không chữa được mà đến thành phố thì cũng không chữa được luôn. Sau đó bố mẹ đưa cả hai anh em Sơn đi khám, em Thúy cũng bị bệnh, chỉ mỗi Sơn là không sao.

Sơn cũng không hiểu căn bệnh mà mọi người mắc phải là bệnh gì. Chỉ biết có cái gì đó kinh khủng lắm sắp xảy ra thì phải.

Suốt dọc đường mẹ cứ khóc suốt. Về đến nhà mẹ cứ quát tháo Sơn phải tránh xa bố mẹ và em. Em Thúy khóc đòi Sơn.

Nhưng mẹ không cho, mẹ cấm Sơn: “Nếu mày muốn sống thì đừng lại gần ai ở nhà này”. Sơn không hiểu, Sơn luôn tự hỏi phải chăng mình đã gây ra lỗi lầm gì chăng. Mà không biết đó là căn bệnh gì mà mẹ cứ khóc rồi nói: “Thế là sắp chết rồi, chết hết rồi!”.

Sơn không thể ngờ rằng, đâu phải chỉ bố mẹ, em Thúy không muốn Sơn đến gần, mà tất cả mọi người dường như đều muốn quay lưng lại với Sơn. Sơn đi học thấy bạn bè đều xa lánh mình, rỉ tai nhau thì thầm “mẹ tao dặn phải tránh xa thằng Sơn ra, lỡ cái thì toi...”.

Rồi cô giáo bảo Sơn hãy tạm thời nghỉ học vài buổi, vì gia đình Sơn bị mắc bệnh truyền nhiễm, đợi mọi việc yên ổn thì Sơn hãy đi học tiếp. Đám trẻ hàng xóm thường ngày thân với Sơn là thế, mà giờ nhìn thấy Sơn là bọn chúng bỗng lảng đi chỗ khác ngay.

Khi ấy, Sơn thấy bầu trời trước mắt như sắp sụp đổ. Tất cả sao lại đối xử với Sơn như vậy? Ai đó hãy nói cho Sơn biết điều gì đang xảy ra đi?

Bệnh tình của bố mẹ Sơn ngày một nặng hơn. Cả hai đều nằm liệt giường, thân thể gầy gò, ốm yếu, da dẻ lở loét. Người thân chỉ đến đưa cơm cho Sơn hoặc cho gia đình Sơn đồ ăn chứ chẳng ai dám chăm sóc vì sợ lây nhiễm. Người đến thăm nom, động viên nếu có chỉ là mấy bác, mấy cô ở trạm y tế.

Các cô, các bác luôn dặn dò Sơn rằng không được để tay chân trầy xước, hạn chế tiếp xúc với mọi người, thậm chí mọi người còn muốn đưa Sơn đi cách ly, nhưng Sơn không muốn xa em Thúy nên tha thiết xin ở lại.

Một ngày giông bão, bố mẹ Sơn qua đời. Lần đầu tiên Sơn thấy một đám ma kỳ quặc đến thế. Một đám ma hai người cùng chết trong một gia đình, một đám ma chỉ lèo tèo có vài người anh em thân thiết đưa đám, một đám ma mà người chết lại được đổ xi măng và xây mồ luôn.

Ngày hôm đó, Sơn đã khóc như giông bão. Nhưng tiếng mưa rơi lúc đó còn to hơn tiếng khóc của Sơn. Lần đầu tiên Sơn thấy những tia sét rạch ngang trời mà chẳng thể rúc vào lòng mẹ tìm hơi ấm.

Chỉ còn lại Sơn và em Thúy. Nhưng em Thúy ngày một yếu, khuôn mặt em xanh xao, đôi mắt trong veo của em ngày càng trở nên đờ đẫn.

Có lẽ em không biết rằng bố mẹ đã ra đi mãi mãi nên cứ khóc gọi mẹ suốt thôi. Sơn thương em nhiều lắm, dù em Thúy có được các bác ở trạm y tế đến chăm sóc và điều trị thì sức khỏe của em cũng chẳng tốt hơn. Vì Sơn nghe mọi người nói bệnh của em đã ở giai đoạn cuối.

Nhìn em nằm trên giường yếu ớt, Sơn vẫn gắng nhìn vào đôi mắt em, đôi mắt ấy mở to, nhìn vô định. Sơn bật khóc: “Em dậy chơi với anh đi, em bé mau khỏe để chơi với anh nào!”.

Đôi mắt em nhìn Sơn vẻ mệt mỏi, miệng em khẽ mấp máy, những vệt nước mắt lăn dài, giọng em thều thào: “Anh Sơn ơi, bé mệt quá, ước gì ông Bụt hiện lên cho bé một phép màu, để bé dậy chơi với anh nhỉ?”.

Sơn nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé của em, áp vào tay mình, nghẹn ngào: “Sẽ có phép màu mà, bé cố gắng lên!”. Bỗng Sơn thấy đôi mắt em Thúy tươi vui hẳn lên, em thủ thỉ: “Anh ơi, hai anh em mình cùng chơi trò bắt nắng nhé!”.

Sơn nhìn lên mái nhà, mái nhà tranh dột nát, qua những kẽ hở ấy, những tia nắng xuyên vào lấp lánh. “Anh ơi, anh nhìn thấy không, có những tia nắng màu xanh và những tia nắng màu hồng, mình chơi trò bắt nắng, xem ai bắt được nhiều tia nắng màu hồng hơn thì sẽ thắng anh nhé!” - em Thúy nói nhỏ như là hơi thở, Sơn phải cố lắm mới nghe thấy được.

Cả hai giơ tay lên đỡ lấy những tia nắng, em Thúy nhoẻn miệng cười, mắt em sáng lên mỗi khi những tia nắng lọt vào lòng bàn tay. Em cười và Sơn cũng cười, giây phút ấy, Sơn đã nghĩ có lẽ trên đời có phép màu thật, những tia nắng hồng ấy chính là phép màu, sẽ cho em Thúy khỏe lại.

Nhưng không, những tia nắng vẫn còn đó, xuyên qua kẽ hở lọt vào tay Sơn, còn bàn tay của em Thúy thì chẳng thể nào giơ lên mà bắt nắng được nữa. Đôi mắt em đã khép lại vĩnh viễn. Nhưng bàn tay vẫn nắm chặt như thể em sợ lỡ buông ra thì những tia nắng hồng kia sẽ chạy mất…

Sau đó, Sơn được đưa đến trại trẻ mồ côi ở thành phố. Sự mất mát quá lớn khiến Sơn trở thành một cậu bé lầm lì và ít nói. Sơn luôn bị ám ảnh bởi quá khứ đau thương.

Lớn lên, Sơn hiểu được bố, mẹ và cả em Thúy nữa đã chết vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Đó là căn bệnh lây qua hai con đường chính là đường máu và đường tình dục. Người ta bảo vì bố Sơn quan hệ với gái mại dâm không lành mạnh nên đã bị lây bệnh, rồi lây cho mẹ Sơn và em gái Sơn.

Giá như bố của Sơn hiểu hơn về HIV thì đã biết cách để phòng tránh nó và cũng không để lây bệnh cho người khác. Hoặc là nếu như hồi đó ở quê của Sơn mọi người hiểu rõ hơn về HIV, về những con đường truyền nhiễm HIV thì gia đình Sơn đã không bị kỳ thị, hắt hủi đến thế.

Giá như những người nhiễm HIV biết cách tự chăm sóc bản thân mình hoặc được hỗ trợ về y tế, thì có lẽ Sơn đã không phải rời xa người thân yêu của mình sớm như thế. Giá như khi đó Sơn có thể làm những điều hữu ích hơn nhỉ?... Những câu hỏi, những giả thiết cứ níu lấy tâm trí của Sơn.

Sơn đã định quên đi tất cả. Thế nhưng, cho dù muốn quên đi thì đó vẫn là sự thật. Mà sự thật thì không thể chối bỏ. Sơn nằm trên chiếc giường cũ kỹ năm nào, cậu Sơn bé nhỏ, anh trai của bé Thúy ngày nào giờ đã lớn khôn.

Ngước mắt nhìn lên mái nhà tranh như ngày còn thơ bé, vẫn mái lá dột nát, lỗ hổng trên mái nhiều hơn, những tia nắng đã xuyên qua kẽ hở chạy một đường thẳng vào tận giường. Sơn lặng ngắm tia nắng ấy một hồi rất lâu, nhìn chúng một cách chăm chú.

Cậu chợt nhận ra, chẳng có tia nắng màu hồng nào cả, nắng vẫn chỉ là nắng thôi, giống như cuộc sống ngoài kia vẫn hối hả, dòng đời vẫn cứ trôi, có hay chăng chỉ là cảm nhận của chính ta. Nếu ta nhìn cuộc sống bi quan thì đôi mắt ta sẽ thấy những điều đau buồn, đen tối và ngược lại.

Sơn đưa tay lên đón lấy những tia nắng, hình như tai Sơn đang văng vẳng giọng nói ngây thơ: “Anh Sơn ơi, anh mau bắt lấy tia nắng màu hồng kia đi, đẹp quá, đẹp quá!”- là tiếng reo vui của em Thúy.

Trên tay Sơn, những tia nắng màu hồng như đang nhảy múa, Sơn nắm chặt tay, cậu muốn giữ lấy tia nắng lúc ấy.

Cậu đã nghĩ thông suốt rồi, cậu sẽ học cho thật tốt và tham gia vào đội tình nguyện giúp đỡ người có H. Ở đó, cậu sẽ giúp cho mọi người hiểu thêm về HIV/AIDS, cách phòng tránh và cách trị bệnh, giúp những người có H vượt qua nỗi mặc cảm.

Phải rồi, chạy chốn hay rũ bỏ đâu có làm cho cuộc đời này trở nên tươi đẹp hơn, chỉ có đối diện và hành động mới giúp ta vượt qua được mọi vấn đề. Sơn như hiểu ra được chân lý, cậu bỗng thấy đầu óc trở nên nhẹ nhõm và tươi vui hơn.

Thấp thoáng đâu đó là nụ cười thật xinh của em Thúy, cùng giọng nói ngây thơ vang vọng trong không trung: “Anh Sơn giỏi lắm, anh Sơn cố lên, anh Sơn thắng rồi, hoan hô anh!”.

PT, 24/11/2022

TRẦN TÚ