Tản văn

Truyền nghề

Cập nhật, 08:42, Thứ Bảy, 03/12/2022 (GMT+7)
Vỉ bánh đậu vừa ra lò, nóng hôi hổi.
Vỉ bánh đậu vừa ra lò, nóng hôi hổi.

(VLO) Tôi ghé tiệm bánh trên đường Trưng Nữ Vương mua tặng bà vài chiếc bánh thuẫn, vì bánh ở đó ăn có vị giống bánh bà làm. Bà ngồi thưởng thức miếng bánh thuẫn, nhai móm mém, lúc lại đưa bàn tay với những ngón tay nhăn nhúm theo thời gian nâng ly trà nhấm nháp.

Đôi mắt bà hướng tận điểm xa và kể: “Bà đã làm bánh bán hơn năm sáu mươi năm, giờ già rồi nên không thể làm được nữa. Tám đứa con không đứa nào chịu làm nghề của bà. May là có người con dâu út chịu cực và yêu mến nghề làm bánh, nên bà truyền nghề lại”.

Bà bảo, ngày trước bà làm rất nhiều loại bánh. Bà kể một loạt các thứ bánh, mà thật tình bà kể nhiều loại bánh quá tôi nhớ không hết. Nào là bánh thuẫn, bánh men, bánh gai, bánh bông lan, bánh bông bần, bánh tàng ong… để sắp quả cho người mua đi đám tiệc, giỗ quải.

Còn sáng sớm bà làm bánh chuối, bánh lá dừa, bánh lá, bánh mặn, bánh ú,… đem ra chợ sớm bán. Và bà bỏ mối cho các ghe hàng.

Những ngày này hồi trước bà đắp lò đất, tráng thuê bánh tráng. Người trong xóm đặt ngày, bà ngồi tráng cho đến tận hai mươi bảy, hai mươi tám Tết. Cứ sáng trưa chiều tối bà quần quật với công việc làm bánh và bánh.

Với phong tục đi quả và lại quả ngày trước, nên trong xóm có đám tiệc là bà bán không ngơi tay. Cả hai mươi cái quả nằm trên kệ, vậy mà hết vèo luôn. Giờ phong tục ấy đã thay đổi, nên con dâu bà cũng không thể sống bằng nghề bán bánh.

Trí nhớ trong veo, trong vắt của tôi về lại với những ngày đi giỗ bằng chiếc quả thiếc. Những chiếc bánh được sắp rất đẹp mắt trong từng chiếc quả. Những chiếc bánh ấy được dâng cúng tổ tiên. Nét đẹp của một thời đã qua, giờ phong tục ấy chỉ còn trong nỗi nhớ.

Quay lại chuyện của bà. Lâu lâu bà lại bảo bà thèm bánh này bánh kia nên cô dâu út của bà lại lụi hụi lấy chiếc diệm, cây đánh trứng đánh những mẻ bánh bông lan, bánh thuẫn. Lại nạo dừa nhồi mẻ bánh đậu, bánh men.

Bà thèm hay bà nhớ nghề bánh đã gắn bó với bà hơn sáu mươi năm. Nhớ tiếng đánh bánh “bộc bộc” phát ra từ chiếc diệm đã gắn bó với bà từng ấy năm.

Ngày trước bà nướng bánh bằng than và chiếc lò xô mười sáu tim. Nay con dâu bà đã sắm chiếc lò nướng bằng điện rất tiện. Bù lại cái cực của nướng bằng than, bánh ăn thơm và ngon hơn.

Bà trăn trở mong muốn thế hệ sau gìn giữ truyền thống và phát triển hơn chứ không để mai một. Đó là trăn trở không riêng gì của bà.

Những người có con, có cháu chịu học hỏi và sống được từ nghề truyền thống của gia đình thì họ rất vui, vì giờ người trẻ ít mặn mà với những nghề truyền thống.

Vì nghề truyền thống làm vừa đòi hỏi kinh nghiệm vừa vất vả. Phải có sự đam mê để tìm tòi sáng tạo mới trụ vững được trong thời nay.

Với cách suy nghĩ của những người trẻ trong khởi nghiệp, họ chịu khó học hỏi kinh nghiệm rồi sáng tạo phong cách riêng của mình.

Họ đã phát triển và làm giàu thêm giá trị truyền thống. Họ tìm cách khai thác những giá trị văn hóa của địa phương mình để phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế từ bảo tồn và giữ gìn giá trị truyền thống.

Phát triển kinh tế từ nghề truyền thống bằng cách vừa làm ra sản phẩm để bán vừa phát triển du lịch cộng đồng. Chẳng hạn như du khách rất thích thú cách làm cốm nổ, đổ bánh xèo, tráng bánh tráng, chằm lá dừa nước với sợi dây lùn, chằm nón lá,…

Tạo thu nhập ổn định và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống- mong rằng có nhiều nghề được truyền lại, không bị mai một đi.

Biết đâu nay mai con dâu bà sẽ truyền nghề bánh lại cho cháu nội bà rồi chúng phát triển nghề bánh của bà. Những món ăn dân dã ai mà chẳng nhớ, chẳng thèm chứ. Cứ tin tưởng như thế nhé bà nhé.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG