Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Long

Thực hiện nếp sống văn minh việc cưới, việc tang, lễ hội

Cập nhật, 05:52, Thứ Năm, 01/12/2022 (GMT+7)
Liên hoan nghệ thuật quần chúng là hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức nhân Chol Chnam Thmay thu hút đông đồng bào Khmer và nhân dân đến tham gia.
Liên hoan nghệ thuật quần chúng là hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức nhân Chol Chnam Thmay thu hút đông đồng bào Khmer và nhân dân đến tham gia.

(VLO) Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang và lễ hội, 25 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong đồng bào dân tộc tham gia thực hiện.

Qua đó, đã nâng cao nhận thức, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư. Khơi dậy và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, từng bước loại bỏ mê tín dị đoan và các hủ tục trong đời sống xã hội của đồng bào dân tộc.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 1 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 26.600 người, chiếm 2,6% dân số. Đến nay, toàn tỉnh có 100% ấp, khóm của đồng bào dân tộc xây dựng được quy ước, hương ước.

Thông qua đó, lễ cưới của đồng bào dân tộc được tổ chức trang trọng, văn minh, đúng theo Luật Hôn nhân và Gia đình, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc.

Các cặp đôi nam nữ khi kết hôn đều thực hiện đăng ký kết hôn, việc đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện tại UBND cấp xã.

Tình trạng ép duyên theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” giảm đáng kể. Các nghi thức đám cưới đơn giản, gọn nhẹ, thường chỉ còn hai lễ là lễ đính hôn và lễ cưới, trang phục cô dâu, chú rể vẫn giữ theo phong tục truyền thống dân tộc.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, việc thực hiện NSVM trong việc tang của đồng bào dân tộc đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ năm 1999 đến nay, trong khoảng 1.500 đám tang thì có hơn 1.450 đám tổ chức theo nếp sống văn hóa mới. Các gia đình chú trọng hướng đến những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc, trên tinh thần tiết kiệm phù hợp với hoàn cảnh gia đình; hủ tục dần được xóa bỏ.

Hiện nay, các xã xây dựng NTM, NTM nâng cao đều có quy hoạch nghĩa trang nhân dân. Tại các điểm chùa của đồng bào Khmer có xây dựng lò hỏa táng. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện hỏa táng, góp phần đảm bảo những yếu tố về vệ sinh môi trường.

Đối với thực hiện NSVM trong lễ hội, thời gian qua đồng bào dân tộc trong tỉnh đã tổ chức trên 520 lễ hội dân gian, lễ hội nông nghiệp. Đồng bào người Hoa có lễ vía Chúa Sanh Nương Nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phước Đức Chánh Thần, Quan Thánh Đế Quân…

Người Khmer có Tết Chol Chnam Thmay, lễ Ok Om Bok, Sel Dolta, lễ dâng y Kathina... Mỗi lễ hội có những nét đặc thù riêng và cách thức tổ chức khác nhau, nhưng đều mang đậm nét văn hóa của mỗi dân tộc.

Hoạt động lễ hội chú trọng đến giá trị văn hóa truyền thống, nhiều nghi thức lễ hội được phục dựng, các nghi thức lạc hậu được cải tiến. Các lễ hội đặc sắc như lễ Chol Chnam Thmay, lễ Ok Om Bok, lễ Sel Dolta của đồng bào Khmer được tổ chức quy mô, có đông đồng bào dân tộc và nhân dân đến tham dự.

Về phần hội, thời gian qua Sở Văn hóa - TT và DL phối hợp Ban Dân tộc tỉnh và UBND cấp huyện tổ chức (7 lần): Ngày hội Văn hóa, Thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Ngoài ra, vào 2 ngày Mùng 3, Mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm, Sở Văn hóa - TT - DL phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trà Ôn, Ban Quản lý di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày mất của ông, với nghi tiết truyền thống Nam Bộ;

trình diễn nhạc cụ của 3 dân tộc người Kinh - Hoa - Khmer tạo nên không gian lễ hội rộn ràng, ấm áp, mang đậm bản sắc văn hóa và thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các tộc người cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Lễ dâng y Kathina được tổ chức tại các chùa Khmer.
Lễ dâng y Kathina được tổ chức tại các chùa Khmer.

Đồng bào người Hoa có trên 20 cơ sở thờ tự, hàng năm ban quản lý các di tích và cộng đồng người Hoa duy trì tổ chức lễ hội truyền thống của người Quảng Đông, Tiều, Hẹ, Phúc Kiến, Hải Nam, thu hút đông đảo người Hoa và nhân dân quanh vùng tham gia.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, việc thực hiện NSVM trong các đám cưới, đám tang và lễ hội của đồng bào dân tộc trong tỉnh, thời gian qua được ghi nhận vẫn còn một số hạn chế.

Một vài đám tang còn rải vàng mả, tiền âm phủ trên đường di quan gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Lễ hội ở một số địa phương chưa thể hiện được sự trang trọng, chưa giới thiệu và phát huy hết giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, lễ hội.

Nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu là còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên chưa thực sự gương mẫu chấp hành những quy định về thực hiện NSVM.

Hình thức, nội dung tuyên truyền vận động chậm đổi mới; nhận thức của một số đồng bào dân tộc còn hạn chế nên gặp khó khăn trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục.

Để thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội của đồng bào dân tộc đạt hiệu quả hơn, phát huy tốt những bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống, thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai, quán triệt Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1999 của Bộ Chính trị gắn với các văn bản của Trung ương, của tỉnh quy định, hướng dẫn thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang đến tất cả đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân là đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Giai đoạn này, đồng bào dân tộc tổ chức hơn 1.275 đám cưới. Trong đó, có 1.250 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, đạt trên 98%.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp; thường xuyên rà soát, bổ sung các nội dung hương ước, quy ước trong đó chú trọng đến thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, vận động; phát huy tính tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện NSVM; xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo sự đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia của quần chúng nhân dân.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước; kịp thời biểu dương động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội để động viên khuyến khích phong trào ngày càng phát triển tốt đẹp, văn minh, tiến bộ.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Các tin khác: