Về người thầy nơi giảng đường đại học

Cập nhật, 05:51, Thứ Bảy, 19/11/2022 (GMT+7)

(VLO) 1. Cảm ơn cuộc đời đã có biết bao lời hay ý đẹp vinh danh người thầy, một trong số đó là đạo lý “tôn sư trọng đạo” đã in sâu vào lòng nhiều thế hệ học trò dẫu qua bao năm tháng vẫn khó lòng phai nhạt.

Những kỷ niệm về một thời áo trắng vẫn luôn được tôi gìn giữ cẩn thận, không chỉ là những khoảnh khắc ngọt ngào được đóng khung trên bàn làm việc mà còn là những suy tư đã lắng đọng theo thời gian.

Tôi nhận ra rằng, tùy thuộc vào từng giai đoạn giáo dục của người học mà người thầy sẽ đảm nhiệm những vai trò và nhiệm vụ khác nhau, nhưng chúng ta luôn dễ dàng tìm thấy hình ảnh của người cha, người mẹ ẩn chứa bên trong bóng dáng của người thầy, người đã cho ta tri thức và ân cần dạy bảo ta những đạo lý làm người.

Vì lẽ đó, sự kính trọng dành cho người thầy trong tôi cứ lớn dần theo năm tháng, có lẽ đối với “tôi” của những năm tháng phổ thông thì người thầy đứng ở một vị trí mà chỉ khi nào tôi ngẩng đầu mới có thể nhìn thấy hay giơ tay mới có thể bày tỏ suy nghĩ.

Nhưng những người thầy nơi giảng đường ĐH lại giúp tôi có những suy ngẫm sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa thầy và trò, để rồi hôm nay tôi có thêm những người bạn vong niên mà tôi mãi trân trọng.

2. Vào ĐH, tôi đăng ký theo học chuyên ngành tiếng dân tộc thiểu số tại một trường ĐH trong tỉnh nhà, đối với các bạn cùng lớp thì đó là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ nhưng đối với tôi nó hoàn toàn không phải.

Trong lúc tôi chật vật với vốn kiến thức bằng 0 của mình, thì người thầy đầu tiên của tôi xuất hiện trong vai trò là cố vấn học tập. Vừa kết thúc tuần lễ sinh hoạt đầu khóa, cô đã liên hệ gặp tôi với lý do tìm hiểu về động cơ học tập của tôi.

Tôi đã chuẩn bị sẵn một tờ giấy A4 chật kín những lời giải thích cùng một lời cam đoan rằng tôi sẽ không gây ảnh hưởng đến tiến độ học tập của cả lớp, nhưng những gì chờ đợi tôi vào buổi chiều hôm ấy lại là câu chuyện của chính cô.

Hóa ra cô là cựu sinh viên cùng chuyên ngành với tôi, tôi và cô đều có cùng ước mơ “gieo chữ” dù đó không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của cả hai.

Cô nói, cô đã trải qua hầu hết những khó khăn mà tôi sắp sửa trải qua trong 4 năm ĐH nên cô sẽ giúp tôi đi trên một con đường ít chông gai hơn.

Câu chuyện nỗ lực học tập của cô cùng những lời dặn dò ân cần làm tôi quên sạch những lý lẽ đã soạn sẵn, thay vào đó tôi lặng lẽ ghi vào lòng mình: Cô đã cho tôi một lý do để nỗ lực. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy khoảng cách giữa thầy và trò sao mà gần gũi đến thế.

3. Giữa thời điểm tôi bận rộn hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, thì tôi đã gặp được người thầy thứ hai của mình cũng vừa là người bạn đã đồng hành cùng tôi trong suốt những ngày cuối khóa.

Không chỉ kiên nhẫn động viên tôi từ khi bắt đầu những trang khóa luận đầu tiên cho đến ngày báo cáo cuối cùng, mà cô còn dạy cho tôi biết như thế nào là tinh thần trách nhiệm và tin vào chính mình.

Một lần nữa, khoảng cách giữa thầy và trò lại gợi lên trong tôi nhiều nỗi niềm khó diễn tả bằng lời, vì những người thầy nơi giảng đường đã mang lại cho tôi cảm giác đơn giản như những người bạn đang bước cùng mình trên một hành trình.

Tôi rất biết ơn những người thầy vừa là người bạn. Tôi đã tìm thấy mối quan hệ tương hỗ rất đỗi thân thương giữa thầy và trò trong môi trường ĐH.

Tôi mong rằng khi học trò nhận được tri thức mình cần từ thầy cô, thì thầy cô cũng nhận lại được những giá trị tương tự thông qua việc lắng nghe và thấu hiểu tiếng nói của học trò.

NÓN LÁ