​Nhà văn Lê Lựu - tác giả "Thời xa vắng" đã vắng xa

Cập nhật, 21:18, Chủ Nhật, 13/11/2022 (GMT+7)

 

Nhà văn Lê Lựu sinh thời khi sáng tác ở Hà Nội.
Nhà văn Lê Lựu sinh thời khi sáng tác ở Hà Nội.

Chiều 9/11, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, cho biết nhà văn Lê Lựu vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 16 giờ, ngày 9/11 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, ra đi tại quê ông, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hưởng thọ 81 tuổi.

Sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với văn chương Việt Nam.

Trong sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Lê Lựu đã có những tác phẩm kinh điển, như: “Người cầm súng” (1970), “Mở rừng” (1976), “Thời xa vắng” (1986), “Chuyện làng Cuội” (1991), “Sóng ở đáy sông” (1994)... Với những tác phẩm có ảnh hưởng và sự lan tỏa lớn này, nhà văn Lê Lựu được xếp vào một trong những nhà văn hàng đầu của văn chương Việt Nam thế kỷ XX. Đặc biệt, tiểu thuyết “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu được đưa vào chương trình văn học của THPT, đã được đánh giá là một bước ngoặt đối với không chỉ sự nghiệp của ông mà với cả văn chương đất Việt, những năm từ chiến tranh, sang hòa bình.

Với đề tài nông thôn Việt Nam, nhà văn Lê Lựu cũng được đánh giá là nhà văn đứng hàng đầu, để lại nhiều yêu mến cho độc giả. Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim như “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”... đưa đến sự cảm nhận đầy ân tình của con người đất Việt.

Chia sẻ về sự ra đi của nhà văn Lê Lựu cũng như vai trò, sự ảnh hưởng của ông với nền văn học Việt Nam, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc nói: “Nhà văn Lê Lựu là một trong những nhà văn lớn, là nhà văn xuất hiện vào đúng lúc và kể những câu chuyện về dân tộc của mình. Ngoài cái tài trời cho của một nhà văn, sự tích lũy vốn sống như một sự mặc nhiên để lúc cần thì sử dụng, nhà văn Lê Lựu đã vụt lên giữa dàn đồng ca văn chương đông đảo thời kỳ ấy bằng một tác phẩm rất nghiêm túc mà làm say lòng người của “Thời xa vắng”.

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, tại vùng đất đồng bằng Bắc Bộ - Hưng Yên và trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Ông từng nhận được các giải thưởng trong sự nghiệp văn chương của mình như giải nhì Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam (1968), truyện ngắn “Người cầm súng”, giải A của Hội Nhà văn Việt Nam (1990) cho tiểu thuyết “Thời xa vắng”...

Bài, ảnh: PHẠM BÁ NHIỄU