Mùa nước nổi

Cập nhật, 21:15, Chủ Nhật, 13/11/2022 (GMT+7)

Chiều nay, vô tình nghe được bài “Chiều nước lũ” từ đài phát thanh đầu hẻm: “Anh về thăm quê, mưa sa giông chiều nước lũ. Bầu trời âm u, xuồng ba lá chẳng nơi neo. Tìm người em yêu, cô hàng xóm thuở năm nào. Cây trứng cá chung rào, bao kỷ niệm thời thơ ấu...”. Bài hát này, dù đã nghe nhiều lần, nghe đến thuộc lòng, nhưng hôm nay trong tôi bỗng bồi hồi khi nhớ lại mùa nước nổi của quê nhà.

Tuổi thơ của tôi đã trải qua biết bao mùa nước nổi. Tôi đã lớn lên trong những lo toan, nhọc nhằn của ba má trên chiếc ghe câu mùa lũ, đã bao lần đến trường bằng chiếc xuồng ba lá trên cánh đồng ngập nước thấp thoáng những mái nhà đang cố ngoi lên, thoi thóp giữa biển nước mênh mông.

Dân quê tôi sống cùng với lũ vì nước nổi là mùa dễ kiếm tiền từ con cá, con tôm. Mỗi năm, khi nước mấp mé sắp bò lên bờ là cả xóm bắt đầu nhộn nhịp: người kê cao thêm nhà, kẻ ra chợ mua dụng cụ giăng câu, thả lưới. Ai ít tiền thì cố ngồi tỉ mẩn vá lại tay lưới, cái chài,… đã cũ. Chỉ có các cụ già, lũ về thường gieo trong mắt họ nỗi buồn thăm thẳm. Có lẽ các cụ chợt nhớ lại bao long đong, vất vả và nhiều kỷ niệm của một đời người đã bao năm gắn liền với sông nước.

Mùa nước nổi cũng là mùa đi bắt chuột. Lũ về, hang bị ngập, chuột đồng kéo nhau lên các mô đất để tránh nước. Dân quê bày ra nhiều cách để bắt: đuổi chuột vào lưới, đào hang, thổi khói vào hang, dùng chó bắt chuột,… Và vì thế người ta cũng đã chế biến ra có rất nhiều món ngon từ thịt chuột. Song với tôi, ngon nhất, nhớ nhất là món chuột nướng. Chuột làm lông sạch, ướp với ngũ vị hương, sả, ớt, rắc thêm một chút tiêu, tỏi băm nhuyễn,… Xiên chuột vào que nướng trên bếp than hồng, người thích cầu kỳ thì nướng lu. Lát sau, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt đến mắc thèm. Hồi đó, mỗi lần làm món chuột nướng, ba tôi hay rủ chú Năm, chú Bảy hàng xóm nhậu lai rai với hũ rượu ngâm chuối hột. Nhưng cái “gu” của ba và mấy ông “sành nhậu” xóm tôi chuột phải nướng lèo, tức không ướp bất cứ gia vị nào. Cứ để vị ngọt, mùi thơm tự nhiên của thịt chuột mà thưởng thức.

Nước nổi còn là mùa của bông điên điển. Hồi đó, nội tôi hay nấu canh chua bông điên điển với cá linh hay cá rô đồng nêm cơm mẻ. Bông điên điển vị hơi nhẫn, nước canh chua cơm mẻ đùng đục như nước cơm vo nhưng đã khiến không ít người xa quê, như tôi, nhớ đến cay khóe mắt.

Lũ về, đâu đâu cũng là nước nên bọn trẻ chúng tôi hay tụ tập ở Gò Cây Gáo để chơi trò. Tôi cùng nhóm con trai leo lên cây gáo, lần ra nhánh gie ở mé sông rồi thi nhau nhảy ùm xuống nước. Tụi con gái thì hái bông điên điển, bông gáo trang trí nhà chòi, làm vòng hoa bày trò đám cưới rước dâu. Một lần, cũng vào mùa nước nổi, có phái đoàn nhà văn, nhà thơ trên tỉnh đến quê tôi tìm cảm hứng sáng tác. Thật lạ lùng, dòng nước, chiếc xuồng, bông điên điển, Gò Cây Gáo,… quê tôi bao đời bình dị nhưng đi vào thơ ca sao mà hay đến lạ!

Ngày lớn lên rời quê đi học, ba má tiễn tôi đúng ngay mùa nước nổi. Hôm đó, dọc theo bờ kinh, bông điên điển vẫn trải dài một màu vàng ươm nhưng rưng rức như mắt ai đang khóc. Má đưa cho tôi hũ mắm cá linh do chính tay người làm và dặn: “Từ rày lên sống ở thành thị không thấy nước lũ, không bông điên điển, ăn mắm cá linh để… đỡ nhớ quê nhà, nghen con!”.

Giờ đây, đã hơn ba mươi mùa nước nổi kể từ mùa nước năm ấy, tôi đã trải qua bao thăng trầm ở cuộc sống thị thành đầy bận rộn, lo toan. Tưởng rằng đã quên, không ngờ chiều nay, bài hát “Chiều nước lũ” lại gợi lên trong tôi bao kỷ niệm. Giờ này, nước đã “bò” đến đâu rồi, mấp mé chân Gò Cây Gáo hay chưa? Má tôi có thay nội nấu canh chua cá linh bông điên điển nêm cơm mẻ, bày lên mâm cơm cho cả nhà hay không?… Bất chợt mùi chuột đồng nướng bỗng dậy động trong lòng như đánh thức miền ký ức ngọt ngào. Ôi! Thương quá! Mùa nước nổi quê tôi!

NGUYỄN LINH