Một thời vàng son của cải lương Nam Bộ

Cập nhật, 13:20, Thứ Ba, 15/11/2022 (GMT+7)
Cải lương, hát bội thường biểu diễn ở đình làng. Ảnh: PHẠM PHONG
Cải lương, hát bội thường biểu diễn ở đình làng. Ảnh: PHẠM PHONG

(VLO) Giới trẻ ngày nay không còn nhiều người thiết tha với cải lương - một nét văn hóa được sinh thành trên quê hương Nam Bộ. Đó là một sự thật đáng buồn, trở thành nỗi lo lắng của những người hơn nửa đời người vẫn dành trọn tình yêu cho cải lương Nam Bộ.

Cải lương - loại hình nghệ thuật dân tộc

Từ thập niên đầu của thế kỷ XX, có một loại hình nghệ thuật dân tộc được sinh ra trên mảnh đất Mỹ Tho (Tiền Giang), sau đó lan rộng ra khắp các tỉnh Nam Bộ. Loại hình nghệ thuật đó là cải lương.

Trong công trình Sân khấu cải lương Nam Bộ - một trong số ít những công trình nghiên cứu về cải lương dân tộc, tác giả Đỗ Dũng cho rằng: “Cải lương xưa kia chỉ có một hình thức là sân khấu ca kịch, ngày nay theo sự phát triển của khoa học công nghệ nó được phân chia thành nhiều hình thức: cải lương audio (băng - dĩa tiếng), cải lương video (băng - dĩa hình), cải lương truyền hình (đài truyền hình), cải lương truyền thanh (đài phát thanh)…

Riêng cụm từ sân khấu cải lương để chỉ cải lương sàn diễn, tức là ca kịch trên sân khấu”. Cội nguồn của âm nhạc cải lương chính là dòng nhạc tài tử Nam Bộ, sau đó, âm nhạc này được biến tấu, bổ sung giai điệu, kết hợp với điệu bộ của người nghệ sĩ (“ca ra bộ”) để minh họa cho nội dung được thể hiện trong kịch bản sân khấu.

Vở Lục Vân Tiên do ông Trương Duy Toản dàn dựng cho gánh hát của ông André Thận (1917) được xem là vở diễn đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của cải lương Nam Bộ. Nói như Đỗ Dũng: “Đây là dấu ấn thời gian, là điểm xuất phát buổi bình minh của sân khấu cải lương”.

Từng là tuổi thơ của nhiều người

Sau khi ra đời trên mảnh đất nằm bên dòng sông Tiền thơ mộng, phù sa bồi đắp: Mỹ Tho (Tiền Giang), cải lương nhanh chóng lan rộng ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh, nhiều gánh hát được hình thành.

Đối với nhiều người, cải lương cũng chính là tuổi thơ của họ. Với sự xuất hiện của nhiều hình thức như trình diễn (trên sân khấu, trong đình làng), nghe băng - dĩa, radio, xem băng - dĩa hình, tivi,… người Nam Bộ dễ dàng tiếp cận cải lương. Cải lương là “ngôi báu” trong đời sống tinh thần của người Nam Bộ.

Dù là phương tiện nào thì nội dung câu chuyện, lời ca tiếng hát, âm điệu hò - xự - xang - xê - cống vẫn chạm được vào tâm hồn của người thưởng thức.

Người dân thường tụ tập lại một ngôi nhà nào đó có tivi, để xem cải lương cho đến tận khuya- chính là cảnh sinh hoạt đầm ấm của xóm làng Nam Bộ. Nhiều người trẻ đam mê cải lương, thậm chí ước mơ trở thành nghệ sĩ, tham gia vào gánh hát nào đó. Người già khi đã trải qua cay đắng mùi đời càng tha thiết với cải lương.

Trong công trình Nghiên cứu nghệ thuật cải lương dưới lý thuyết văn hóa đại chúng, Tạ Đức Tú khẳng định: “Như vậy, sự ra đời và phát triển của sân khấu cải lương khắp Nam Bộ gắn liền với nhu cầu thưởng thức, phục vụ đời sống tinh thần của đại bộ phận người nông dân Nam Bộ.

Tính đại chúng của sân khấu cải lương Nam Bộ gắn chặt với công chúng Nam Bộ, mà cơ bản nhất ở đây là người nông dân “thiếu thốn nhiều điều kiện giải trí” khác!”.

Bởi đã gắn chặt với đời sống người Nam Bộ xưa nên việc người nông dân, thậm chí là trẻ con hát được, thuộc lòng nhiều câu/trích đoạn cải lương, là điều không hiếm hoi. Thông qua tiếng hát của những nghệ sĩ quen thuộc như Nguyễn Thành Châu, Năm Phỉ, Thanh Tòng, Thanh Nga, Ánh Hồng, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Sang, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thủy, Minh Phụng… những vở cải lương đi vào lòng người mộ điệu.

Có thể kể đến vở cải lương “Giọt máu chung tình” (soạn giả Nguyễn Tri Khương) kể về mối tình chung thủy của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà, các vở cải lương của Trần Hữu Trang như: “Lá ngọc cành vàng”, “Đời cô Lựu”, “Lan và Điệp”, “Tô Ánh Nguyệt”… gây “sốt” một thời.

“Đêm lạnh chùa hoang”, “Máu nhuộm sân chùa”, “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”… là những vở tuồng nổi tiếng của soạn giả Yên Lang. Rồi “Nửa đời hương phấn” của Hà Triều - Hoa Phượng, “Bên cầu dệt lụa” của Thế Châu, “Tiếng hò sông Hậu” của Điêu Huyền,…

Đến tận bây giờ, những câu hát nổi tiếng trong các vở cải lương kể trên vẫn còn in đậm trong lòng những người đã từng xem cải lương là “món ăn tinh thần” không thể thiếu.

“Ngôi báu” lung lay

Sắm tuồng trước giờ hát. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Sắm tuồng trước giờ hát. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Đại đa số giới trẻ hôm nay không còn thiết tha với cải lương. Khi các dòng nhạc quốc tế lần lượt du nhập vào Việt Nam và những loại hình giải trí khác xuất hiện, chiếm ưu thế trong đời sống tinh thần, là lúc “ngôi báu” cải lương lung lay, khiêm nhường nép về một phía.

Trước đây, người mộ điệu muốn xem cải lương phải đợi đến cuối tuần (theo lịch chiếu của đài truyền hình), hoặc đợi gánh hát về đình làng biểu diễn, hoặc mua dĩa về nghe/xem.

Tuy vậy, họ vẫn tìm đến cải lương như một nhu cầu thiết yếu. Ngày nay, khi truyền thông phát triển mạnh, mạng xã hội YouTube, các kênh giải trí ra đời nhiều hơn, nhưng cũng là lúc cải lương bị lép vế.

Thật ra, điều này cũng dễ hiểu, bởi nhịp sống phát triển, kéo theo thị hiếu khán giả cũng thay đổi theo thời đại. Nhưng dẫu đó là quy luật thì vẫn không thể không tiếc nuối về sự mai một của cải lương.

Nhiều nghệ sĩ tâm huyết, trọn đời cống hiến cho văn hóa dân tộc, như con tằm âm thầm nhả tơ. Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thủy… là lớp nghệ sĩ hơn nửa thế kỷ đi cùng cải lương Nam Bộ, nay vẫn nung nấu tình yêu cải lương mãnh liệt và khao khát về sự tồn tại và “đổi mới để phù hợp với thời đại” của cải lương - theo cách nói của NSND Bạch Tuyết.

Sự xuất hiện của lớp nghệ sĩ cải lương trẻ tuổi và sôi nổi được dẫn dắt bởi các nghệ sĩ cải lương gạo cội, trong các học viện, nhà hát, gameshow… cũng là tín hiệu đáng mừng.

Tuy vậy, những nhà hát cải lương ngày càng vắng bóng dần. Những chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc, âm nhạc vùng miền (cải lương, đờn ca tài tử…) cũng không thường xuyên.

Phải chăng, chúng ta nên phục dựng, đầu tư nhiều hơn vào các nhà hát và những buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống! Đó cũng là cách để truyền tình yêu cải lương và âm điệu dân tộc vào lòng những người trẻ hôm nay.

ThS. PHẠM KHÁNH DUY