Không gian mở "gần hơn" với bác Sáu Dân

Cập nhật, 05:53, Thứ Bảy, 19/11/2022 (GMT+7)
Hình ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt thời kháng chiến ở rừng đước U Minh được phục dựng vô cùng tinh tế, công phu.
Hình ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt thời kháng chiến ở rừng đước U Minh được phục dựng vô cùng tinh tế, công phu.

(VLO) Những ngày này về Vũng Liêm mọi người cảm nhận một không khí thật sự của lễ hội, đường phố cờ hoa rực rỡ và lòng người náo nức đón chờ sự kiện đặc biệt trọng đại - kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Quê hương gọi người một cách thật gần gũi, thân thương - bác Sáu Dân. Và hôm nay, khu lưu niệm về người vừa có thêm một không gian vô cùng đặc biệt - “Vườn ông Sáu Dân”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà cách mạng tiền bối của Đảng, Nhà nước ta, của Nhân dân ta; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Người đã dành trọn cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Trong suốt quá trình cống hiến cho dân cho nước, người đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong chỉ đạo về chính trị, kinh tế, văn hóa… nhiều công trình thế kỷ được nhân dân muôn đời nhắc nhớ như: công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam; công trình thủy lợi đào kênh T5 đưa nước thoát ra biển Tây; khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau,…

Đặc biệt là trên quê hương Vĩnh Long - mảnh đất giàu truyền thống yêu nước đã lưu lại nhiều địa điểm lưu niệm có ý nghĩa lịch sử, mang dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt.

Trong những lần về thăm quê hương Vĩnh Long, qua trao đổi với người thân và cộng sự, ai cũng biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt không thích giành phần lớn công trạng về mình, chỉ nuôi hoài bão về việc xây dựng một địa chỉ văn hóa giáo dục lịch sử truyền thống trên quê hương Vũng Liêm.

Thực hiện di nguyện đó, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long xây dựng năm 2010, khánh thành năm 2012 để tri ân những đóng góp to lớn của Thủ tướng đối với quê hương, đất nước.

Với kiến trúc không gian mở, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa tính chất trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi của một điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời gian qua đã thật sự là “địa chỉ đỏ”, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó, di tích đình Bình Phụng, huyện Vũng Liêm là một trong những nơi gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ những ngày đầu tham gia cách mạng.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình Bình Phụng là một trong những nơi được chính quyền cách mạng tổ chức hội họp và tập hợp lực lượng kháng chiến.

Đình Bình Phụng mang nhiều giá trị lịch sử với nhiều sự kiện cách mạng diễn ra tại ngôi đình rất đáng được ghi nhận để bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngay từ những buổi hội thảo đầu tiên chuẩn bị xây dựng khu lưu niệm, nhóm kiến trúc sư tâm huyết, tài năng luôn đề cao và giữ đúng với tâm nguyện lúc sinh thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là không muốn đề cao những công lao cá nhân, mà nên là không gian mở thật gần gũi để mọi người dân đều có thể dễ dàng lui tới viếng thăm.

Được nghe lời tâm sự của kiến trúc sư Đỗ Văn Tất, lòng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động; cùng với các cộng sự, ông luôn chăm chút, cẩn thận với từng góc sân, từng mảng không gian cho tới từng viên gạch, từng chất liệu đưa vào.

Tròn 10 năm công trình được đưa vào phục vụ tham quan, thỏa lòng mong đợi của người dân quê hương và mọi miền đất nước. Cùng với một số công trình mở rộng, thêm vào, đều thủy chung với ý tưởng ban đầu.

Đồng chí Bùi Quang Huy - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Cà Mau lắng nghe giọng nói người đồng chí - Sáu Dân.
Đồng chí Bùi Quang Huy - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Cà Mau lắng nghe giọng nói người đồng chí - Sáu Dân.

Giờ đây, thêm niềm vui lớn khi Nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” được khánh thành, thực sự đong đầy ý nghĩa và gói ghém biết bao tình cảm đặc biệt của Đảng bộ và người dân quê hương Vĩnh Long dành trọn cho người.

Chất Nam Bộ càng thêm thấm đẫm không gian khu lưu niệm, cũng như khí chất, văn hóa Nam Bộ toát ra từ con người chú Sáu Dân.

Trong khoảng thời gian ngắn, thân nhân gia đình Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhóm nghiên cứu gồm những chuyên gia hàng đầu về bảo tàng học Việt Nam, các kiến trúc sư, họa sĩ… đã dành nhiều tâm huyết, đầu tư thời gian, công sức và kinh phí cùng với tỉnh Vĩnh Long, thực hiện Nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân”.

Bằng phương pháp tiếp cận hiện đại, quan tâm đến những câu chuyện, dòng chảy tư duy và hành động; sử dụng giọng nói của chủ thể là chính, kết hợp với câu chuyện của những người trong cuộc để tạo chiều sâu cho trưng bày, kết nối câu chuyện ở nhiều chiều; đánh thức giác quan của người xem…

Cách bày trí sắp xếp chủ đề như một dòng chảy thời gian lưu giữ lại đậm nét thân thế, sự nghiệp với những đóng góp to lớn vào những giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước.

Bước vào đây, cảm nhận như hiển hiện bóng dáng người đang còn đó, thật gần gũi với nụ cười ấm áp, hào sảng trong giọng nói đậm chất Nam Bộ.

Như ông Lê Thành Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít xúc động chia sẻ: “Bước vào Vườn ông Sáu Dân, tôi có cảm giác như Thủ tướng vẫn đang còn đó, đang trò chuyện, đang chỉ đạo, làm việc vậy. Đến khi bước ra khỏi đó mình mới trở về thực tế là chú Sáu Dân đã đi xa chúng ta 14 năm rồi”.

Nhà trưng bày mang thêm diện mạo mới cho khu lưu niệm, tạo nên sự kết nối và không gian đối thoại về lịch sử, cảm xúc, truyền thống cách mạng, con người, khơi nguồn cảm hứng yêu đời và có lý tưởng cho lớp trẻ. Thu hút khách du lịch trong và ngoài địa phương đến tham quan, học tập và nghiên cứu…

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Các tin khác: