Cuộc thi Tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Bác Sáu Dân - mãi sáng trong lòng dân đất Vĩnh

Cập nhật, 22:44, Thứ Tư, 23/11/2022 (GMT+7)
Đến với Cuộc thi Tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (xin gọi là bác Sáu Dân), nhân dân Vĩnh Long càng thêm tự hào, kính yêu, cảm phục về tấm gương suốt đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giản dị, chân thành cởi mở, gắn bó mật thiết với nhân dân của một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng.
Tặng sách “Nhân dân Vĩnh Long với Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt” cho các thí sinh có bài cảm nhận tiêu biểu.
Tặng sách “Nhân dân Vĩnh Long với Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt” cho các thí sinh có bài cảm nhận tiêu biểu.
Đến với cuộc thi, cô Đỗ Thị Kim Loan - Trường THPT Vĩnh Long đã dành nhiều tâm sức để tìm hiểu và tra cứu tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của bác Sáu Dân. Và rồi khi đọc những trang sách viết về bác Sáu, lòng cô trào dâng một tình cảm đặc biệt cùng những cảm xúc khó tả.
 
Cô nói, những câu chuyện về bác Sáu có một sức hấp dẫn đến lạ kỳ, càng đọc, cô càng say mê, đêm nào cũng thức đọc đến khuya. Mỗi trang sách viết về bác Sáu là một câu chuyện rất dung dị, đời thường nhưng đong đầy cảm xúc. Cô đã cố gắng kiềm chế nhưng nước mắt vẫn cứ rơi khi đọc Mối tình đầu của Võ Văn Kiệt, “Đêm trước” đổi mới - Từ chạy gạo đến phá cơ chế giá… Dường như mỗi việc bác Sáu làm, mỗi điều bác Sáu nghĩ đều hướng về nhân dân, đều lấy hạnh phúc của nhân dân làm hạnh phúc của mình. Bác Sáu đã dệt nên một trang sử đẹp lưu truyền cho con cháu: “Một cuộc đời rực sáng từ tuổi thanh xuân, chói lọi lúc về già, lúc ra đi, cả anh xích lô, bà ve chai, cô hàng xén bán rong đến nhà khoa học cũng đứng chờ hai bên đường để tiễn biệt. Một cuộc đời như huyền thoại của quê hương, đất nước ”.
 
Anh Trần Văn Chinh (xã Trung Hiệp, Vũng Liêm) thì không thể nào quên hình ảnh của ông ngoại Chín (ông ngoại của anh thứ tư- là anh ruột của ông Chín Hòa, tức đồng chí Võ Văn Kiệt) - một nguyên thủ quốc gia nhưng rất giản dị, gần gũi. Lần nào về quê cũng vậy, dù bận nhiều công việc nhưng ông vẫn đến thăm và thắp hương khu mộ dòng họ Phan của gia đình. Khi vào bàn ăn, ông luôn thể hiện sự kính trọng đối với người thân lớn tuổi hơn và chân tình hỏi han con cháu.
 
Trăn trở với đời sống của người dân còn gặp khó khăn, ông góp ý cho chính quyền địa phương xã Trung Hiệp nuôi bò và trồng nấm rơm… Anh Chinh xúc động: “Thật không ngờ ở tầm lãnh đạo vĩ mô và bận trăm công nghìn việc nhưng ông lại quan tâm và chu đáo đối với con cháu, với bà con láng giềng đến từng việc nhỏ nhất trong cuộc sống đời thường và sâu sát cơ sở như thế”.
 
Trong bài viết “Lá thư tay viết vội” của mình, thí sinh Nguyễn Thái Thịnh (Công an huyện Tam Bình) - đạt giải nhất cuộc thi - đã bày tỏ cảm xúc tràn dâng nơi trái tim, với biết bao ngưỡng vọng, kính yêu khi nghĩ về bác Sáu Dân. Anh Thịnh cho hay, lần đầu tiên khi được nghe về tiểu sử bác Sáu, lúc ấy chỉ mới mười bảy tuổi.
 
Thế nhưng anh đã hiểu được những công lao, cống hiến cho dân, cho nước của bác Sáu là kết quả quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ với một trí tuệ tinh anh, sáng suốt của người chiến sĩ cách mạng, nhà lãnh đạo lỗi lạc.
 
Thật khâm phục thay, dù kháng chiến trường kỳ, khó khăn ác liệt, bác Sáu vẫn luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù.
 
Góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta làm nên thắng lợi vĩ đại. Sau ngày đất nước thống nhất, dù trên bất kỳ cương vị nào, bác Sáu cũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Ấn tượng thay những công trình để lại “dấu ấn Võ Văn Kiệt” như: thủy điện Trị An, khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên,… góp phần xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời thể hiện tầm nhìn, trí tuệ của một nhà lãnh đạo xuất sắc.
 

Anh Thịnh bày tỏ: “Tuổi trẻ chúng con có đôi lần chùn bước nhưng mỗi khi nghe ai đó thoáng qua ba từ “bác Sáu Dân” thì lạ thay, nơi đáy lòng con lại vực dậy bao niềm tin yêu, ngọn lửa trái tim dường như sáng lên.

Là người con của quê hương Vĩnh Long con biết rằng bản thân phải có trách nhiệm với cuộc đời, cộng đồng và xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp như những gì bác Sáu đã truyền dạy. Bản thân sẽ ra sức học tập, bồi dưỡng đạo đức, lý luận chính trị, luôn từng ngày, từng giờ nỗ lực phấn đấu để trưởng thành hơn, vững vàng hơn và trái tim vẫn sẽ luôn đập những nhịp đập rộn ràng vì quê nhà, vì non sông mà tiến bước”.

Trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt giải nhì cuộc thi.
Trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt giải nhì cuộc thi.
 
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Nguyễn Thị Minh Trang cho biết: Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm tôn vinh, khẳng định những cống hiến to lớn đối với quê hương, đất nước của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long anh hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Qua đó, để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người lao động, các tầng lớp nhân dân thêm tự hào, yêu quê hương, đất nước, ra sức giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử và văn hóa của tỉnh nhà. Từ đó, nêu cao quyết tâm chính trị, đóng góp công sức, trí tuệ, xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng văn minh, giàu mạnh.
 
Cuộc thi đã thu hút trên 23.300 thí sinh tham gia, trong đó có gần 4.630 bài thi viết của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Các bài viết thể hiện được niềm tự hào khi được sinh ra trên mảnh đất Vĩnh Long - quê hương của Thủ tướng, cùng với sự quyết tâm học tập, noi theo những phẩm chất đạo đức cao đẹp của ông để phấn đấu, rèn luyện góp phần xây dựng quê hương, đất nước của những người mà phần lớn chỉ nghe kể lại hoặc qua tìm hiểu về ông từ sách vở hay phim ảnh. Ban tổ chức đã lựa chọn 100 bài viết cảm nhận tiêu biểu của các thí sinh để in thành sách “Nhân dân Vĩnh Long với Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt”.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
 
 
Các tin khác: