Mỹ thuật Vĩnh Long

Hướng đến ngày hội đồng bằng

Cập nhật, 23:03, Chủ Nhật, 02/10/2022 (GMT+7)

 

Họa sĩ Vĩnh Long chuẩn bị tác phẩm tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực ĐBSCL.
Họa sĩ Vĩnh Long chuẩn bị tác phẩm tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực ĐBSCL.

Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL là hoạt động thường niên của Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực luân phiên tổ chức. Triển lãm nhằm trưng bày và tôn vinh tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình.

Chủ đề sáng tác về đề tài lịch sử, cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,… khuyến khích tác giả tìm tòi sáng tạo về hình thức, ngôn ngữ, chất liệu nghệ thuật mang bản sắc riêng, trên tinh thần phát huy truyền thống mỹ thuật dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật.

“Độ dừng” của mỹ thuật Vĩnh Long

Nếu lấy các cuộc triển lãm khu vực vài năm trở lại đây làm cơ sở đánh giá thì hoạt động của giới mỹ thuật tỉnh Vĩnh Long trong thời gian gần đây đang có “độ dừng” nhất định. Tác giả lẫn tác phẩm chưa để lại dấu ấn đối với hội đồng nghệ thuật, đồng nghiệp lẫn công chúng. Số tác phẩm được chọn triển lãm chưa nhiều và chưa đạt giải cao trong các kỳ triển lãm mỹ thuật khu vực gần đây.

Tại 3 cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực ĐBSCL gần đây, tỉnh Vĩnh Long có 37 tác giả với 45 tác phẩm được chọn, trong đó chỉ có 4 tác giả đạt giải khuyến khích (Trần Minh Thái, Lê Quang, Tạ Thị Ánh Hồng, Bùi Dương Phương Bình) vào các năm 2019 và 2020. Riêng ở Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 26/2021 tại tỉnh Cà Mau, tỉnh Vĩnh Long có 12 tác phẩm của 11 tác giả được chọn nhưng không tác phẩm nào đạt giải.

Về nguyên nhân khách quan, do dịch bệnh phức tạp, kéo dài đã buộc các họa sĩ “chôn chân” tại chỗ, nhất là trong 2 năm 2020 và 2021 không thể đi dự triển lãm khu vực. Bản thân họa sĩ không thể bung ra tìm chất liệu từ cuộc sống như đi thực tế, dự các trại sáng tác, lớp tập huấn…

Còn về mặt chủ quan, do một số họa sĩ đi vào lối mòn trong sáng tác, chưa chịu khó tìm tòi trong khâu lựa chọn đề tài lẫn chất liệu thể hiện, chưa có những tác phẩm xuất sắc, tạo dấu ấn với hội đồng nghệ thuật. Vì vậy năm 2021, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục bị “tụt hạng” so với các tỉnh có nhiều tác phẩm đạt giải tại triển lãm lần này như Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh, Long An, Bến Tre, Kiên Giang.

Thời gian qua, các họa sĩ, nhà điêu khắc Vĩnh Long tích cực tham gia giải mỹ thuật định kỳ hàng năm do Sở Văn hóa - TT - DL phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Với 26 tác phẩm của 18 tác giả tham gia, ban giám khảo đã chọn ra bộ giải gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 5 giải khuyến khích.

Hứa hẹn ngày hội mỹ thuật đồng bằng

Sắp tới đây, Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 27/2022 do tỉnh Vĩnh Long đăng cai tổ chức vào tháng 11 là một trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). Trong số 183 tác phẩm của 156 tác giả ở ĐBSCL được hội đồng nghệ thuật tuyển chọn qua ảnh chụp, tỉnh Vĩnh Long có 17 tác phẩm của 15 tác giả.

Các tác phẩm tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực năm nay của các họa sĩ Vĩnh Long đều là những tác phẩm mới sáng tác, bám sát chủ đề, phản ánh các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của quê hương như công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, làng nghề, cuộc sống miền sông nước, xây dựng nông thôn mới, quốc phòng - an ninh, phòng chống dịch…

Các tác phẩm đều có sự đầu tư công phu từ chọn chủ đề, đến bố cục, bút pháp, chất liệu thể hiện, mỗi người mỗi nét riêng đã tạo nên bức tranh tổng thể của mỹ thuật Vĩnh Long đang trên đà trỗi dậy sau những tháng ngày trầm lắng do dịch bệnh.

Có được kết quả này là do Ban Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện như đưa chuyên ngành mỹ thuật vào giải văn học nghệ thuật định kỳ hàng năm, kịp thời thông báo đến hội viên về Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 27. Riêng các họa sĩ, khi dịch bệnh tạm lắng đã chủ động lập nhóm đi thực tế tại một số nơi như cầu Mỹ Thuận 2, làng gạch gốm Mang Thít, giao lưu với các họa sĩ Sóc Trăng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… nên trong tác phẩm đã có nhiều đề tài được chắt lọc từ mạch nguồn cuộc sống.

Các họa sĩ Vĩnh Long đã và đang tích cực hưởng ứng các hoạt động sáng tác phục vụ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt như: Cuộc thi sáng tác logo Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Riêng họa sĩ, nhà điêu khắc Hứa Văn Chiến đang gấp rút hoàn thành tượng chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cao 1m, bằng chất liệu đồng, sau khi được nghiệm thu sẽ đặt tại nhà thắp hương Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm.

 

Với nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm của mình hướng về ngày hội mỹ thuật của khu vực đồng bằng, đội ngũ 27 họa sĩ ngày càng chắc tay trong tác phẩm của mình. Hy vọng rằng cuộc Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 27 tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Long (đường Võ Văn Kiệt- TP Vĩnh Long) sẽ là dịp để đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc tỉnh nhà giao lưu, học hỏi kinh nghiệm bè bạn trong khu vực, nghe ý kiến bổ ích tại hội thảo và nhận xét đánh giá của hội đồng nghệ thuật…

Qua đó để tự nhìn lại mình, góp phần đưa hoạt động sáng tác của giới mỹ thuật Vĩnh Long vươn lên, bắt nhịp với bạn bè các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước, để ngày càng có nhiều tác phẩm đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và tính nghệ thuật cao.

Đến với Triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 27/2022 do tỉnh Vĩnh Long đăng cai tổ chức, các tác giả Vĩnh Long dự kiến tham gia với những đề tài như: công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (Ánh Hồng, Trần Thắng, Minh Nhựt), làng nghề (Phạm Đình Vĩnh), nông thôn mới (Bùi Dương Phương Bình, Kim Cương, Trần Có), quê hương đất nước, con người (Nguyễn Lưu, Đặng Can, Lâm Quý, Thu Hương, Lưu Châu Minh, Lê Đỗ Lan Anh), môi trường (Tín Đức), phòng chống dịch (Trần Minh Thái),… với các chất liệu sơn dầu, lụa, sơn mài, acrylic, khắc gỗ, in mốp.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG