Xem Chiến dịch Điện Biên Phủ qua tranh

Cập nhật, 07:47, Chủ Nhật, 03/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Trung tuần tháng 6/2022, từ vùng đất Tây Nam Bộ, chúng tôi có chuyến đi về nguồn thăm vùng đất Điện Biên lịch sử để cảm nhận hào khí oai hùng tận nơi đã diễn ra trận đụng đầu của Quân đội Nhân dân Việt Nam với quân đội viễn chinh Pháp được Mỹ hậu thuẫn. Kết quả, chiến thắng thuộc về quân đội ta, một chiến thắng được đánh giá là “chấn động địa cầu”.

Cận cảnh khí thế hào hùng Toàn dân ra trận của quân và dân ta.
Cận cảnh khí thế hào hùng Toàn dân ra trận của quân và dân ta.

Trong chương trình thăm các di tích sống động tại Điện Biên, khi đến thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ làm tôi bất ngờ, cảm động lẫn thích thú khi tận mắt được xem bức tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ” độc nhất Việt Nam.

Bức tranh nghệ thuật khổng lồ!

“Trận chiến Điện Biên Phủ” là bức tranh toàn cảnh (panorama) tái hiện chân thực và sống động những khoảnh khắc điển hình nhất 56 ngày đêm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hình ảnh bộ đội ta kéo pháo vào trận địa.
Hình ảnh bộ đội ta kéo pháo vào trận địa.

Đây một trong những tác phẩm lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh. Tranh được thể hiện lên toàn bộ bề mặt tường phía trong của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ- tòa nhà hình trụ tròn có đường kính 42m tại trung tâm TP Điện Biên (tỉnh Điện Biên).

Tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ” có chiều dài 132m, cao hơn 20m theo cung tròn 360 độ, có diện tích bề mặt lên đến 3.250m².

Để bức tranh ra đời, từ năm 2014 Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã đề xuất phương án, xây dựng đề cương và phác thảo ý tưởng. Đến năm 2018 thì đồ án thực hiện bức tranh mới được phê duyệt và đến tháng 11/2019 những nét vẽ đầu tiên của bức tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ” mới được triển khai. Để thực hiện đề cương về nội dung bức tranh, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như: Lịch sử, quân sự, mỹ thuật; các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà điêu khắc tham gia tư vấn.

Được biết, tranh được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu vẽ trên vải toan, là chất liệu được coi là hiệu quả nhất khi vẽ theo trường phái tả thực.

Xem tranh, chúng ta thấy rõ các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ được thể hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều vật dụng thật trong chiến tranh được sắp đặt hợp lý đã tạo nên một không gian sống động.

Bức tranh đã mô tả, khắc họa rõ nét “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta để làm nên chiến thắng chấn động địa cầu; gửi đến thông điệp về khát vọng giành độc lập, tự do.

 Do đó, cho dù đội quân xâm lược có đông, có mạnh đến đâu cũng thất bại trước tinh thần đoàn kết quyết chiến quyết thắng của quân dân ta.

Qua bức tranh chúng ta thấy những hình ảnh đẹp nhất, những khoảnh khắc điển hình nhất, hào hùng nhất của chiến dịch đều được tái hiện sinh động trong một không gian nghệ thuật.

Một góc trường đoạn: Toàn dân ra trận.
Một góc trường đoạn: Toàn dân ra trận.

Được biết, các nghệ sĩ có gần 1.000 ngày để thể hiện bức tranh bằng tất cả những bút pháp về hội họa, sắp đặt, ánh sáng, âm nhạc để trở thành một công trình tổng hòa mang tầm cỡ lớn.

Chân dung trong tranh là chân dung người thật

Một góc chụp trường đoạn: Cuộc đối đầu lịch sử.
Một góc chụp trường đoạn: Cuộc đối đầu lịch sử.

Trong quá trình nghiên cứu, thu thập tranh ảnh, phim tư liệu lịch sử (từ năm 2014 đến năm 2017), Công ty Bảo tồn di sản văn hóa cũng đã cử hàng chục họa sĩ đi nhiều nơi như: Thư viện Quốc gia, các trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...

Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng đi nhiều nơi, gặp các cựu chiến binh, đến nhiều gia đình có thân nhân là liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để thu thập thông tin, hình ảnh… Đặc biệt là sưu tầm chân dung hàng ngàn cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch và chân dung các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch. Do vậy, phần lớn chân dung các “Chiến sĩ Điện Biên” xuất hiện trong tranh là chân dung thật!

Khắc họa điển hình Chiến thắng Điện Biên- bắt sống Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp.
Khắc họa điển hình Chiến thắng Điện Biên- bắt sống Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp.

Theo nhận xét của nhiều du khách, bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ mang giá trị về lịch sử, là thông điệp về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường bất khuất của quân và dân ta mà còn đang thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch lịch sử Điện Biên.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi có bức tranh panorama“Trận chiến Điện Biên Phủ”.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi có bức tranh panorama“Trận chiến Điện Biên Phủ”.

Bức tranh Panorama khánh thành và phục vụ tham quan vào đúng ngày kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2021). Bức tranh không chỉ giúp người xem cảm thụ nghệ thuật mà còn giúp chúng ta hiểu thêm những hy sinh gian khổ của người lính, dân công, đồng bào các dân tộc trên trận chiến Điện Biên Phủ gần 70 năm về trước. Đồng thời cũng sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Theo người thuyết minh, nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả các hình ảnh và sự kiện điển hình được xâu chuỗi, kết nối liền mạnh theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.

Trường đoạn 1 Toàn dân ra trận- là trường đoạn với hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Kế tiếp theo là trường đoạn 2 Khúc dạo đầu hùng tráng- với điểm nhấn là trận đánh Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng pháo binh khẳng định sức mạnh pháo binh của quân đội ta. Trường đoạn 3 là Cuộc đối đầu lịch sử với hình ảnh hầm hào, dây thép gai, đánh giáp lá cà và hình ảnh cột lửa bốc cao sau tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000kg trên đồi A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường năm xưa. Trường đoạn 4 là khung cảnh về Chiến thắng Điện Biên với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh Pháp và hình ảnh từng cánh quân của ta từ các hướng hội tụ về trung tâm chỉ huy quân Pháp với điểm nhấn là lá cờ đỏ sao vàng Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy và tướng Pháp De Castries, Tư lệnh cứ điểm Điện Biên Phủ cùng các sĩ quan thuộc hạ đầu hàng.

Bài, ảnh: HOÀNG KHẢI

Các tin khác: