Tản văn

Thương đời trên mỗi chuyến phà ngang

Cập nhật, 16:54, Chủ Nhật, 31/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi biết rằng, vạn vật được sinh ra đều có sứ mệnh trong những thời điểm nhất định. Tôi hình dung một ngày nào đó, phà An Bình sẽ neo bến mà ngóng vọng sông trôi để nhường vai trò nối những bờ vui cho một chiếc cầu xinh xẻo. Tôi bất chợt muốn ghi lại những ngày mà cả tôi và chiếc phà cùng tận hưởng cảm giác chênh chao trên sóng nước sông Tiền.

Chiếc phà An Bình có trọng tải vừa phải, tức không quá nhỏ, cũng không quá lớn. Nó vừa phải nên tôi thấy dễ chịu. Nó cho tôi cái cảm giác đủ rồi. Đủ an toàn vì những lúc sóng lớn, sông đầy, phà vẫn vững chãi, không nghiêng ngả chênh chao. Đủ đông vui vì có hàng trăm con người và phương tiện di chuyển của họ trong mỗi lượt sang ngang.

Đủ kiểm soát vì chỉ cần yên vị một chỗ, tôi đã có thể quan sát từ trước ra sau, từ trên xuống dưới, từ xa đến gần. Vậy đó, trên đời này, thấy đủ là ổn. Sự đủ tạo cảm giác yên tâm để người ta duy trì cái thường nhật mỗi ngày. Nơi nào có sự sống diễn ra với đủ nhịp hàng ngày thì ta có một xã hội thu nhỏ vậy thôi.

Trên mỗi chuyến phà An Bình, tôi bắt gặp một xã hội thu nhỏ. Bác tài công là nhà lãnh đạo không chức danh, nắm trong tay vận mệnh của mọi người bằng sự dịch chuyển qua lại trên chiếc vô lăng điều khiển. Bác mà nhỡ tay, mất tầm là bao người lâm nguy.

Cho nên mỗi lần nghe bác phát loa bằng ngữ điệu gắt gỏng, tôi hiểu lắm. Tôi thương. Đôi khi để bảo vệ nhau, người ta dồn sức mạnh vào lời nói.

Trên mỗi chuyến phà đông, tôi thấy có đầy đủ mọi tầng lớp, từ thương gia đến công chức, rồi học sinh, nông dân. Qua cách ăn mặc và phương tiện đi lại, họ tiết lộ ban đầu mình là người giàu có hay trung lưu, hay khổ nghèo.

Tất nhiên, bề sâu của trí tuệ, của sang hèn lại là một cấu trúc khác, có biểu hiện khác. Những gì tôi thấy là bề nổi mà thôi. Dù là bề nổi thì vẫn là cuộc đời đó thôi, vẫn kích thích trí nhớ của tôi với những hình ảnh lặp đi lặp lại.

Tôi đã quen với những chiếc xe chở đầy trái cây ở phía sau, quen với hình ảnh người bán vé số, quen với tiếng mời chào ngọt ngào của chị bán hàng nước lả lơi. Có khi tôi gặp những chuyện trái lòng vì người ta tranh nhau đứng chỗ mát. Có khi cũng ưng dạ vì chuyện tử tế nhỏ thôi.

Một ngày, khi chầm chậm nhích xe giữa dòng người đang hối hả lên phà, tôi nhận được một lời khen của chị bán đậu: “Cô ơi! Áo dài tím đẹp quá!”. Tôi vẫn ngày ngày mặc áo dài lướt qua chị, nhưng hễ áo tím là chị khen. Chắc chị yêu màu tím. Một ngày khác, tôi bị phàn nàn vì chậm chạp làm cho người phía sau lỡ một chuyến sang ngang.

Có một ngày, tôi bắt gặp hình ảnh chú cò trắng đáp đậu trên đám lục bình. Giữa mênh mông nước, đám lục bình cứ dập dềnh trôi còn chú cò vẫn an vị. Trên đời này làm gì có một chốn nào tịnh an tuyệt đối để bạn trú vào? Cứ mệt thì dừng. Có chỗ dừng đã là bình an.

Có một điều bất di bất dịch mà ai đi phà dù muốn hay không vẫn bình thản đón nhận. Đó là sự chậm lại. Ô tô hay xe máy, hay khách bộ hành đều như nhau, đứng yên đó để một vật thể khác chở mình đi. Đời mà! Có những lúc chậm lại để đủ điều kiện đi nhanh trên những đoạn đường khác.

Và đôi khi có cả sự đảo lộn nữa. Người đi bộ trở nên tự do và nhanh hơn tất cả. Ô tô là đối tượng chậm nhất vì nó lớn nhất. Vậy đó, đâu cần đi xa, chỉ cần qua phà hai bận mỗi ngày là tâm hồn đã chạm được biết bao mạch nguồn của cuộc sống.

TRẦN HUỲNH NHỊ

Các tin khác: