Tấm lòng văn nghệ sĩ Vĩnh Long với đồng chí Phạm Hùng

Cập nhật, 06:34, Thứ Hai, 13/06/2022 (GMT+7)

 

Tranh cổ động và 4 câu thơ về đồng chí Phạm Hùng của đồng chí Tô Liên Bửu. Ảnh: TL
Tranh cổ động và 4 câu thơ về đồng chí Phạm Hùng của đồng chí Tô Liên Bửu. Ảnh: TL

Đường đến nhà báo, nhà thơ Sao Vàng (đồng chí Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long) phải đi vào một con hẻm, qua mấy khúc cua quẹo và một cây cầu nhỏ thuộc Phường 5, TP Vĩnh Long.

Ngồi chuyện trò bên bàn nước, ông đi thẳng vào đề: Viết về đồng chí Phạm Hùng thì nhiều người viết lắm rồi. Từ đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, lãnh đạo tỉnh, thành, đến bạn bè, đồng chí, người thân của ông, rồi các nhà văn, nhà báo cho đến sinh viên, học sinh... Nhưng viết về anh Hai thì nhiều, song thấy chưa đủ.

Ông Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng).
Ông Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng).

Chính nhà báo, nhà thơ Sao Vàng đã tham gia thực hiện những cuốn sách bề thế về đồng chí Phạm Hùng như “Chân dung người Cộng sản chân chính Phạm Hùng”, là tác giả của quyển sách sắp tái bản “Phạm Hùng- người chiến sĩ dạ sắt gan đồng” cùng nhiều bài viết như:

Đồng chí Phạm Hùng nhắc đến Bác Hồ trước giờ tổng tiến công Xuân 1975; Tấm gương đồng chí Phạm Hùng, bài học thực tiễn trong sự nghiệp đổi mới; Tâm đắc về tính Đảng của đồng chí Phạm Hùng… nhưng ông vẫn chưa vừa ý, thấy vẫn có trách nhiệm tiếp tục đi tìm những tư liệu về người cộng sản kiên trung, mẫu mực của vùng đất Long Hồ giàu truyền thống cách mạng.

Khi tôi đặt vấn đề: Thời gian qua lâu quá, liệu còn tìm được cái mới nữa không chú?

Ông thẳng thừng: Chú tin là vẫn còn cái mới, cái chưa được viết, được biết về người thanh niên yêu nước đã xử lý tên tay sai đắc lực cho giặc là Hương quản Đặng Văn Trâu bằng khẩu súng ngắn do ông Mai Bạch Ngọc, một người yêu nước ở Mỹ Tho đã bán 30 công vườn để đóng góp vào việc mua súng giao cho đội trừ gian, rồi các báo cáo trong hồ sơ lưu trữ của địch để lại, đi gặp nhân chứng là những người từng công tác, chiến đấu với đồng chí Phạm Hùng… tuy khó nhưng chịu khó đi tìm, còn nhân chứng tuy ngày một hiếm nhưng cái chính là quyết tâm để gặp.

Ngồi trò chuyện với ông, tôi vẫn nhớ các ca khúc phổ thơ của ông như bài thơ “Thương quê nội nhớ nhiều quê ngoại” ông viết vào năm 1992 thời điểm tỉnh Cửu Long sắp tách làm 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, được nhạc sĩ Yên Hồng phổ nhạc đặt tựa là “Thương nhớ hai quê”; bài thơ “Cô gái Vĩnh Long” nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt phổ nhạc- bài hát này đưa ta về những năm sau giải phóng với phong trào đào kinh làm thủy lợi của những năm 1979, 1980… bài hát có đoạn: “Long Vĩnh em sang, Long Toàn em đến. Bến Giá, Đôn Châu, Cầu Ngang… bàn chân của em đã từng đi trong đoàn Thanh niên Xung phong, góp tay xây lại cuộc sống…”

Vào năm 1978, lúc ấy là phóng viên Báo Cửu Long, trong một lần đi thực tế viết bài về phong trào đào kinh làm thủy lợi, ông đã vinh dự được gặp đồng chí Phạm Hùng, ông kể: Hồi đó cả tỉnh Cửu Long là một đại công trường, với các công trình đào kinh thủy lợi dẫn nước ngọt về các huyện xa của tỉnh với các con kinh 3 Tháng 2, kinh 19 Tháng 8, đi qua một số địa phương như Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Ngang… nơi có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Hôm ấy, khi thấy một chiếc xe du lịch ghé vào trụ sở Ủy ban xã, tôi bước đến và thấy anh Ngô Văn Lâm, thư ký của đồng chí Phạm Hùng. Anh Lâm nói, có xuống thăm bà con đào kinh thì lên xe. Khi biết tôi là nhà báo, đồng chí Phạm Hùng bảo phải viết về sự vĩ đại, tinh thần đoàn kết lao động của bà con người Kinh, Khmer.

Khi đến xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, đồng chí Phạm Hùng xuống xe đi thăm bà con, sư sãi, sinh viên học sinh đang lao động trên công trường, buổi trưa đồng chí Phạm Hùng vào nhà dân ăn cơm, uống nước, nói chuyện với bà con. Một hình ảnh thật giản dị, không quan cách đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của tôi về đồng chí Phạm Hùng- dù lúc ấy đang trên cương vị của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng).

Trước lúc tôi ra về, chú Mười Sao Vàng gửi tặng tôi quyển sách “Vĩnh Long góc nhìn lịch sử, văn hóa & nhân vật”, một công trình đồ sộ vừa xuất bản, sách dày 744 trang, gồm 3 phần: Lịch sử, Văn hóa- Văn nghệ và Nhân vật của tỉnh Vĩnh Long. Cầm quyển sách tôi thầm cảm phục ngòi bút khỏe của ông, vẫn miệt mài nghiên cứu, cày xới trên mảnh đất văn chương ở tuổi 82 với nguyện vọng ước mơ còn hơi thở, còn đọc và viết. Đọc để hiểu biết, viết để nhớ ơn.

Tháng 6 năm nay, tôi có dịp đứng bên bờ sông Ông Me, nơi mà cách đây 10 năm về trước là một trong những địa điểm được chọn quay ngoại cảnh chương trình ca nhạc tham dự Liên hoan phim truyền hình Công an nhân dân, vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/2012).

Lấy khung cảnh khu vực bờ kè gần nhà thờ họ của gia đình đồng chí Phạm Hùng tại ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, phía sau là cầu Ông Me nằm trên QL53, để thực hiện ghi hình bài ca vọng cổ có tựa đề “Một trái tim son sắt” của tác giả Hoàng Lộc, do NSND Trọng Hữu trình bày cùng nữ ca sĩ Lệ Thu Thảo.

Bài hát có đoạn: “… Lớp người ra đi từ đất Long Hồ dinh có một người con ưu tú. Dòng sông Ông Me ngày nay còn lưu lại những chiến công thắp lên ngọn đuốc tỏa sáng lòng dân trong thời lửa loạn điêu tàn… Một dạ sắt son yêu nước nồng nàn. Còn cắp sách đến trường đã nuôi chí lớn vì sớm giác ngộ con đường giải phóng non sông. Nguy hiểm chẳng sờn, gian lao không lùi bước ý chí quật cường nào ngại hy sinh, dầu dãi trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ là tấm gương trong soi lòng trung hiếu…”

Nhạc sĩ Hoàng Lộc- Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cho biết: Tôi sáng tác bài vọng cổ này vào năm 2002 để Trung tâm Văn hóa huyện Long Hồ biểu diễn chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng.

Từ thành công ban đầu, sau đó bài hát đã được nhiều nghệ sĩ tên tuổi trình diễn phục vụ ở nhiều nơi, được dàn dựng thu âm, thu hình phát trên sóng phát thanh, truyền hình.

Nhạc sĩ Hoàng Lộc.
Nhạc sĩ Hoàng Lộc.

 

Bài ca cổ cũng được nhận nhiều giải thưởng tại các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng…

Nhạc sĩ Hoàng Lộc tâm sự: Với niềm tự hào về người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, tôi đã đầu tư thời gian đọc sách báo để tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng và trong hơn một tháng chắt lọc lời ca, điệu thức- bài vọng cổ “Một trái tim son sắt” đã ra đời.

Đứng bên căn nhà thờ họ của đồng chí Phạm Hùng vẫn như ngày nào, căn nhà cấp 4, mái lợp ngói đỏ tươi, bên trong bày trí đơn giản, nhưng giờ đây đã vắng rồi bóng dáng những người em ruột của đồng chí Phạm Hùng, mà bà con thường gọi là cô Tư, cô Sáu. Cô Tư- bà Phạm Thị An; cô Sáu- bà Phạm Thị Thạnh đều đã mất do tuổi cao.

Còn cây cầu Ông Me và QL53 giờ đây đã được nâng cấp mở rộng, tấp nập người xe xuôi ngược, xã Long Phước đã trở thành xã đầu tiên của huyện Long Hồ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm đã làm thay đổi diện mạo quê hương, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Tháng 6 về Khu lưu niệm rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, những chùm hoa phượng vĩ cũng đua nhau khoe màu đỏ thắm như nhớ về người cộng sản kiên trung, như nhắc chúng ta ra sức thực hiện trọn vẹn lời phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng trong lần ông về dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV vào ngày 6/10/1986: “…

Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng chúng ta sẽ giành được thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng tỉnh Cửu Long giàu mạnh và tươi đẹp, xây dựng cuộc sống đồng bào các dân tộc ấm no, hạnh phúc và văn minh…”.

TRẦN THẮNG