Lan tỏa, giữ gìn nghệ thuật đờn ca tài tử

Cập nhật, 05:54, Chủ Nhật, 19/06/2022 (GMT+7)

 

Tỉnh Vĩnh Long tích cực tham gia và tổ chức giao lưu, hội diễn để giữ gìn, phát huy đờn ca tài tử.
Tỉnh Vĩnh Long tích cực tham gia và tổ chức giao lưu, hội diễn để giữ gìn, phát huy đờn ca tài tử.

Qua 5 năm thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020”, phong trào ĐCTT của tỉnh đã có chuyển biến tích cực cả về chất và lượng.

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án vẫn tồn tại khó khăn, phát sinh những vấn đề mới cần được nghiên cứu và đưa ra giải pháp phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đề án mới tiếp tục được xây dựng là cần thiết và mang tính cấp bách trước yêu cầu phát triển chung.

Đạt nhiều thành quả nhưng cũng không ít khó khăn

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 899 CLB, đội, nhóm ĐCTT với 8.085 thành viên, trong đó tiêu biểu nhất là huyện Vũng Liêm có 189 CLB với 1.227 thành viên; Long Hồ 133 CLB; Tam Bình có 131 CLB; CLB Trường ĐH Xây dựng Miền Tây; CLB Văn Xương Các…

Như vậy, số lượng CLB ĐCTT tăng gần 4,6 lần so với số liệu thống kê năm 2013 (197 CLB), đồng nghĩa với việc số người tham gia thực hành tiếp tục được duy trì và tăng cao.

Các CLB nhiệt tình tham gia các chương trình biểu diễn, liên hoan ĐCTT các cấp; giao lưu CLB các địa phương trong và ngoài tỉnh. 5 năm qua, liên hoan ĐCTT cấp xã được tổ chức trên 500 cuộc; cấp huyện- thị- thành trên 25 cuộc; tham gia liên hoan cấp khu vực và toàn quốc đạt 4 giải A, 8 giải B, 16 giải sáng tác lời mới…

Thông qua những hoạt động này góp phần tạo cơ hội cho các thành viên thực hành, học tập, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ nghệ thuật.

Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ Trường ĐH Văn Lang hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật ĐCTT- Sân khấu Cải lương tỉnh Vĩnh Long”, TS. Huỳnh Công Tín và PGS.TS. Phạm Ngọc Doanh đồng chủ nhiệm đề tài.

Đây là một công trình khoa học công phu và khá toàn diện về phong trào ĐCTT của Vĩnh Long, khái lược được lịch sử hình thành và quá trình phát triển của bộ môn nghệ thuật này trên quê hương Vĩnh Long. Đồng thời, sưu tầm được nhiều bài bản ĐCTT và nghệ thuật cải lương sắp bị thất truyền.

Một điều đáng tự hào của tỉnh Vĩnh Long là qua 2 đợt xét tặng, tỉnh có 22 nghệ nhân trình diễn ĐCTT trong tổng số 39 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (đợt 1 xếp vị trí thứ 3 trong cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL; đợt 2 xếp vị trí thứ 11 trong cả nước và đứng đầu trong khu vực ĐBSCL).

Hiện Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch đang chuẩn bị thủ tục đề nghị xét danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” đợt 3 năm 2021 cho 8 nghệ nhân (trong đó có 7 nghệ nhân trình diễn ĐCTT).

Ngành văn hóa sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho lực lượng “Nghệ nhân ưu tú” tham gia thực hành, giao lưu, trau dồi tiến tới đủ điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”.

Đây là nội dung quan trọng giúp cho các nghệ nhân, tài tử có hướng phấn đấu rõ ràng trên con đường thực hành nghệ thuật ĐCTT.

Bên cạnh những thuận lợi thì việc giữ gìn, phát huy ĐCTT cũng còn không ít khó khăn. CLB hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí, phương tiện và cả nghệ nhân lành nghề.

Những thành viên nòng cốt phong trào thì ngày càng cao tuổi và sức khỏe giảm dần, trong khi lớp trẻ thì chưa am hiểu và yêu thích bộ môn này nhiều.

Sự chênh lệch giữa số lượng nghệ nhân đờn và ca cũng rất lớn. Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm- Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “ĐCTT là bộ môn rất khó và cần nhất là không ngừng tập luyện, trau dồi, giống như: “văn ôn võ luyện”.

Môn nghệ thuật này không chấp nhận kiểu đào tạo đại trà, phải có ông thầy đờn hay tìm ra sở trường của từng người rồi trực tiếp đào tạo, đo ni đóng giày để tài tử phát huy được sở trường”…

Tiếp tục lan tỏa, giữ gìn

Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2022- 2025” có mục tiêu là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ nói riêng.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Long- Lê Đức Vĩnh Tuyên nhấn mạnh: “Trong đề án giai đoạn sắp tới, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên và sâu rộng về nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ với nhiều hình thức, nội dung, chú trọng công tác giáo dục để thế hệ trẻ quan tâm, hiểu biết về giá trị to lớn của một loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc và có ý thức sâu sắc về trách nhiệm trong việc kế thừa để bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT.

Đặc biệt cần chú trọng và đề cao vai trò của những nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực ĐCTT, tạo điều kiện để họ phát huy tài năng, đào tạo thế hệ trẻ, góp phần phát triển nghệ thuật ĐCTT”.

Trong Liên hoan ĐCTT Quốc gia lần thứ III vừa được tổ chức tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Di sản văn hóa vừa là thành tố, vừa là phương tiện biểu đạt các giá trị văn hóa, trí tuệ sâu sắc bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn của con người Việt Nam.

Cũng chính vì lẽ đó, mà các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp để tạo nên một nền văn hóa giàu bản sắc.

Những thành quả của văn hóa và nghệ thuật sáng tạo ấy luôn luôn được giữ gìn, trao truyền và để lại một kho tàng văn hóa đồ sộ.

Trong kho tàng di sản đó, nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã vinh dự được Tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhằm tiếp tục thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, nghệ thuật ĐCTT tỉnh Vĩnh Long cần những nguồn lực mới, cần sự đầu tư đồng bộ, thiết thực và hiệu quả của Nhà nước và toàn xã hội để loại hình nghệ thuật này được bảo tồn và phát triển theo đúng định hướng, tính chất, bảo lưu những giá trị nghệ thuật truyền thống song song với sự phát triển của xã hội.

Do đó, việc tiếp tục xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2022- 2025” là cần thiết và mang tính cấp bách để giữ gìn bản sắc, truyền lửa cho thế hệ tương lai, để cho tiếng đàn lên cao lay động mãi mãi về sau.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ