Báo chí miền Nam đi cùng kháng chiến

Cập nhật, 05:54, Thứ Ba, 28/06/2022 (GMT+7)

 

Nhà báo Kỳ Phương (thứ 3 trái qua) và các nhà báo ở miền Nam.
Nhà báo Kỳ Phương (thứ 3 trái qua) và các nhà báo ở miền Nam.

(VLO) Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta, hiếm có cuộc chiến tranh ở đất nước nào lại có sự thu hút đặc biệt của dư luận quốc tế qua báo chí, và giới báo chí hai miền đã đi vào chiến trường phục vụ trực tiếp cuộc kháng chiến dài lâu, gian khổ, ác liệt...

Đây là lực lượng báo chí cách mạng được thành lập và tác chiến ngay tại chiến trường miền Nam do Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam trực tiếp chỉ đạo.

Tiếng nói quan trọng của báo chí trên chiến trường

Đó là các cơ quan báo chí thành lập tại Chiến khu D và các tỉnh ủy: Báo Giải Phóng, Đài Phát thanh Giải Phóng, Thông tấn xã Giải Phóng, Báo Quân Giải phóng, Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, Điện ảnh Quân Giải phóng, Chương trình phát thanh Quân Giải phóng miền Nam... mà đến nay tại Cục lưu trữ Quốc gia 2- TP Hồ Chí Minh, ta sẽ thấy, có rất nhiều nhà báo từ đó đến nay vẫn đang cống hiến hết mình.

Điều đáng quý, là tất cả các cơ quan báo chí này đều được thành lập ngay trong những ngày đầu đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh tại chiến trường miền Nam.

Nhà báo Trần Phong (Kỳ Phương) nguyên Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Giải Phóng.
Nhà báo Trần Phong (Kỳ Phương) nguyên Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Giải Phóng.

Tờ báo ra đời từ rất sớm và có tiếng nói rộng là Báo Giải Phóng. Báo Giải Phóng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sáng lập ngày 20/12/1964, báo in và phát hành trong chiến khu, đưa ra vùng giải phóng, nhằm đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động cho kháng chiến. Nhà báo Trần Phong- Kỳ Phương, là Tổng Biên tập đầu tiên của tờ báo này. 

Nhà báo Đinh Phong- nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (nguyên là phóng viên Báo Giải Phóng đầu năm 1967, khi kể với chúng tôi, cho biết: Đầu năm 1964, một đoàn phóng viên Báo Cứu Quốc (cơ quan ngôn luận Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) được điều từ miền Bắc vào Nam để xây dựng tờ báo này.

Trung ương Cục miền Nam phân công trực tiếp chỉ đạo Báo Giải Phóng là đồng chí Trần Trọng Tân- Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (TW Cục) lúc này.

Quá trình phát triển Báo Giải Phóng đã có những hoạt động đầy sôi động ngay trong lòng cuộc chiến tranh, như: đầu năm 1967, địch mở cuộc càn đánh vào các căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, các phóng viên và nhân viên tòa soạn đã tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ; một số đồng chí đã hy sinh, một số đồng chí bị thương, nhưng địch không thể vào được tòa soạn.

Do phải di chuyển, cất giấu nhà in nên sau trận càn này, Báo Giải Phóng phải tạm đình bản một thời gian.

Trước Tết Mậu Thân 1968, các phóng viên Báo Giải Phóng được tung đi các mũi chủ yếu và đi theo bộ phận tiền phương của Trung ương Cục.

Một số phóng viên và nhân viên trẻ đã được đưa vào Đội tuyên truyền vũ trang của TP Sài Gòn, trong đó, nhiều nhà báo đã hy sinh ngay tại cửa ngõ Sài Gòn như các nhà báo: Cảnh Hân, Quốc Hùng, Trần Huân Phương, Bằng Sơn… nêu những tấm gương sáng.

Bên cạnh các tờ báo ra đời ở vùng căn cứ R, còn có các báo khác, như: Báo Nhân Dân miền Nam, Tập san Tuyên huấn, Văn nghệ Giải phóng, Tiền phong, Phụ nữ Giải phóng, Văn nghệ Giải phóng quân, Tập san Báo chí, Lửa thiêng, Tập san Mở đường…

Các khu, tỉnh đều ra các tờ báo, bản tin phục vụ kịp thời quân dân địa phương, như: Chiến thắng, Cứu nước, Cứu đạo ở Bến Tre; Ấp Bắc ở Mỹ Tho; Quyết thắng, Quyết tiến ở Long An; Tháp Mười anh dũng ở Kiến Tường; Bảy Núi ở An Giang...

Dựa vào nội dung các bản tin chính thức của Thông tấn xã Giải phóng, bộ phận phụ trách soạn đúng và in phát hành bản tin tiếng Anh và bản tin tiếng Pháp... đã đóng góp to lớn trong công tác tuyên truyền do Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo.

Đầu năm 1970, do đế quốc Mỹ và ngụy quyền đánh phá ác liệt, nhà in của Báo Giải Phóng được chuyển sang in tại vùng đất bạn Campuchia và khi in xong, thì chuyển ngược về nước để phát hành khắp các địa phương miền Nam.

Đài Phát thanh Giải Phóng là một đơn vị báo nói có vị trí quan trọng trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại. Đài đã chính thức được phát sóng ngày 1/2/1962, bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Quảng Đông, Bắc Kinh, Triều Châu và Khmer.

Đài trực tiếp được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo. Trụ sở đài những ngày đầu đặt ở cửa khẩu Tân Biên- Tây Ninh.

Ngoài cơ sở chính tại chiến trường, đài còn một bộ phận được xây dựng tại miền Bắc, đề phòng cơ sở miền Nam bị địch đánh phá ác liệt, không lên sóng được.

Ngoài phát chương trình của đài, Đài Phát thanh Giải Phóng đã hỗ trợ trực tiếp cho Báo Giải Phóng và Báo Quân Giải Phóng trong những thời kỳ bị địch càn quét không phát hành được, bằng việc phát đi tin tức 2 tờ báo này trên Đài Phát thanh đi ra nhiều nước bằng làn sóng của đài.

Báo Quân Giải Phóng trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam được thành lập ngày 1/1/1963, và kết thúc sau ngày đại thắng tháng 4/1975. Đại tá Nguyễn Viết Tá- nguyên Biên tập viên Báo Quân Giải Phóng (nay nghỉ hưu ở TP Hồ Chí Minh), cho biết: Báo Quân Giải Phóng là một trong những cơ quan báo chí chủ yếu của chiến trường.

Người phụ trách đầu tiên là Trung tá Lê Đình Lệ (Tư Trực), một nhà báo đầy xông xáo. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiều phóng viên, cán bộ của Quân giải phóng như: Mai Bá Thiện, Vũ Xiêm, Đỗ Tất Thắng, Nguyễn Sung, Đỗ Kết… đã có mặt rất sớm tại các điểm nóng chiến trường, đưa những tin tức nóng bỏng nhất chiến thắng trên toàn mặt trận ra cả nước và thế giới.

Sát cánh với Báo Quân Giải Phóng, có Tạp chí Văn nghệ Quân Giải Phóng, Điện ảnh Quân giải phóng, chương trình phát thanh Quân giải phóng miền Nam, với những tên tuổi quen thuộc với khán thính giả cả nước như các nhà văn, nhà báo: Nguyễn Ngọc Tấn (Nhà văn Nguyễn Thi), Võ Trần Nhã, Thanh Giang, Triệu Bôn, Nguyễn Ngọc Oánh, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến… các đạo diễn và quay phim: Trương Thành Hỷ, Phan Thanh Dũng, Phùng Bất Diệt, Thanh Cao… đã góp phần đưa không nhỏ trong việc thông tin nhanh nhạy nhất về chiến trường miền Nam và chiến dịch mùa Xuân 1975.

Sức mạnh to lớn của báo chí trong đấu tranh giải phóng miền Nam

Với chiến trường miền Nam, trong một thời gian dài, báo chí đã góp phần thông tin nhanh nhất, cổ vũ chiến thắng, tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh nhạy, những định hướng tư tưởng chính xác, với chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, báo chí đã tham gia mạnh mẽ vào việc cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia và tham gia hết mình vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào mùa Xuân 1975.

Dù trải dài trên nhiều mặt trận, cách biệt trên các chiến trường trong những tình huống vô cùng gian khổ, ác liệt, hy sinh… song sự phối kết hợp giữa các lực lượng báo chí đã tạo dư luận đồng tình trong nước, quốc tế, sự phối hợp cùng các hoạt động đấu tranh ngoại giao, quân sự… đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Báo chí cách mạng tại chiến trường miền Nam luôn là vũ khí đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân miền Nam.

Từ mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng tại chiến trường miền Nam, báo chí tuyệt đối trung thành với Đảng, sự nghiệp cách mạng, đưa hết những khả năng tác chiến trên chiến trường, trong một thời gian dài, báo chí ở miền Nam đã làm nên những tiếng nói chính nghĩa, đi cùng dân tộc, cùng góp sức làm nên những chiến công chói lọi của dân tộc ta trong thế kỷ XX, đi tới ngày thắng lợi toàn vẹn thống nhất non sông.

Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU