"Đại dương đen"- Cảm thông, đồng hành cùng người trầm cảm

Cập nhật, 06:24, Thứ Bảy, 14/05/2022 (GMT+7)

 

(VLO) Trong xã hội hiện đại, căn bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến và càng khó lý giải. Quyển sách Đại dương đen của Đặng Hoàng Giang như tiếng nói sẻ chia, cung cấp kiến thức căn bản về trầm cảm.

Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo.

Ông là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của ông nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân.

Những quyển sách của ông như: “Bức xúc không làm ta vô can” (2015), “Thiện, Ác và Smartphone” (2017), “Điểm đến của cuộc đời” (2018) và “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” (2020) đi sâu vào từng lát cắt của cuộc sống, ông nỗ lực gửi gắm tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, góp phần xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.

Để hoàn thiện “Đại dương đen”, TS. Đặng Hoàng Giang đã trải qua một cuộc hành trình vô cùng đáng nhớ. Ông trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc với khoảng 60 người bị trầm cảm và trong nhiều trường hợp còn đồng hành với họ hàng năm trời.

12 câu chuyện, 12 nhân vật là một phần rất nhỏ trong những câu chuyện để lại ấn tượng sâu đậm và nhiều suy ngẫm với tác giả nhất.

Đặng Hoàng Giang cho biết, ông vô cùng biết ơn gần 60 con người đã và đang sống với trầm cảm, người trẻ nhất 19, người lớn nhất 83 tuổi.

Họ đã tin tưởng và dũng cảm để cho phép ông bước vào thế giới nội tâm tăm tối, phức tạp, trở thành nhân chứng của những điều riêng tư nhất trong quá khứ và hiện tại của họ. Ngoài ra, ông còn có nhiều sự giúp đỡ từ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý.

“Đại dương đen” gồm 2 phần. Phần 1 là 12 câu chuyện lột tả trần trụi đến đau lòng những số phận, mà vì định kiến và sự thiếu hiểu biết của chính gia đình và xã hội, đã bị tước đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương và hạnh phúc.

Phần 2 là công trình giáo dục tâm lý, cung cấp kiến thức căn bản về trầm cảm, hình hài nó thế nào, nó từ đâu tới, nó có thể phá hủy ra sao, có những phương thức trị liệu và phòng ngừa nào.

Nhập vai một người trầm cảm, Đặng Hoàng Giang viết: “Tôi sợ những cơn của mình, chúng xâm chiếm não bộ tôi, nhấn chìm lý trí của tôi, chúng phơi bày sự đau đớn, cô đơn, nỗi sầu thảm suốt những năm tháng niên thiếu của tôi, sự ám ảnh của bạo lực, của lẻ loi, của tức giận vì chẳng được ai giúp đỡ.

Trong những giấc mơ, tôi thét lên với mọi người, cố gắng diễn đạt sự sợ hãi và tuyệt vọng của mình, nhưng không ai hiểu”.

Hay trong nhân vật Hoa, cô trăn trở nhiều năm trời, tự vấn mình bằng những câu thơ: “Đàng nào cũng chết, sao không bây giờ?/ Ta chờ mi đó, ta đang nát lòng/Ta tắt đèn đi, cửa ta toang mở…”

Quyển sách đem đến những kiến thức sâu hơn về bệnh trầm cảm, mà trước đây có thể chúng ta từng nghĩ sai hoặc chưa đầy đủ.

Chúng ta trách móc những người muốn tự kết liễu đời mình, thậm chí bảo rằng họ “ngu ngốc” chọn con đường đầy tiêu cực, mà chưa từng thấu hiểu, hay đưa đôi tay nắm lấy tay họ lúc cần. Ngôn từ trong “Đại dương đen” logic, khoa học, không vòng vèo.

TS. Đặng Hoàng Giang đi thẳng vào vấn đề để độc giả nhận thức rõ hơn về không gian xanh tím đặc quánh ấy, để có thể chữa lành (nếu cần) và để phần nào giúp đỡ được những người bên cạnh.

Những câu chuyện từ người thật, việc thật, thật đến mức đau lòng mà không thể đọc quá nhiều trang một lúc.

Mỗi lần khóc cùng nhân vật là mỗi lần thêm trân trọng cuộc sống mà mình đang có, trân trọng hơn những con người xung quanh mình.

Nếu bạn sinh ra và lớn lên trong gia đình có đủ đầy tình yêu thương mà bạn vẫn cảm thấy sao mình bất hạnh; nếu hiện tại bạn vẫn ổn, ba mẹ khỏe mạnh vẫn hỏi han bạn thường xuyên, mà bạn vẫn cảm thấy sao cuộc sống khó khăn và bất công với mình quá, thì “Đại dương đen” sẽ cho bạn thấy mình may mắn hơn biết bao nhiêu người ngoài kia, và để thấy cuộc sống đáng trân quý đến dường nào!

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ