Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Cập nhật, 06:37, Thứ Năm, 21/04/2022 (GMT+7)
 Các hoạt động trưng bày, giao lưu chia sẻ về sách thường xuyên được tổ chức ở trường học.
Các hoạt động trưng bày, giao lưu chia sẻ về sách thường xuyên được tổ chức ở trường học.

Cuộc sống hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc, nhất là thế hệ trẻ. Chuyển đổi số và nhiều hoạt động đa dạng hình thức được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho thanh niên. 

Xây dựng văn hóa đọc trong thanh niên
 
Văn hóa đọc là một bộ phận của văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách, đạo đức, lối sống của con người, góp phần bồi dưỡng, phát triển trí tuệ, kỹ năng sống trong cộng đồng. Nắm được tầm quan trọng đó và phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là dành cho đối tượng đoàn viên thanh niên.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga- Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, thư viện và Tỉnh Đoàn Vĩnh Long đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức phát triển văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh thiếu nhi bằng các hoạt động thiết thực như: Triển khai hoạt động của xe ô tô thư viện lưu động, phát huy mô hình “Trao sách thay hoa- Món quà ý nghĩa”, duy trì và nhân rộng việc giới thiệu sách mới, viết cảm nhận về sách, tổ chức các cuộc thi về sách cho từng đối tượng thanh niên... Các hoạt động đảm bảo được triển khai tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể thanh thiếu niên, góp phần phát triển văn hóa đọc trong thế hệ trẻ một cách có chiều sâu, mang tính bền vững.
 
Trong năm 2021, Thư viện tỉnh tổ chức triển lãm sách, báo chào mừng, kỷ niệm các sự kiện với 3.400 bản sách, 600 lượt loại báo và tạp chí, thu hút 3.445 lượt người xem, phục vụ 10.285 lượt tài liệu. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thư viện triển khai thí điểm mô hình luân chuyển sách tận hộ gia đình phục vụ cho các em thiếu nhi. Kết quả thí điểm đã phục vụ được 15 hộ gia đình, với 387 bản sách, phục vụ 3.840 lượt bạn đọc, với 5.820 lượt tài liệu. Đây là mô hình mà thư viện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện rộng rãi trong năm 2022.
 
Các đơn vị Đoàn trực thuộc Tỉnh Đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động nâng cao văn hóa đọc cho thanh thiếu niên tại đơn vị mình thông qua hình thức tổ chức hội nghị trực tiếp, tổ chức phòng họp trực tuyến, và bằng nhiều hình thức phù hợp khác để tuyên truyền phát triển văn hóa đọc.
 
Nổi bật như Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã tổ chức và chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam kết hợp cả hình thức tập trung, trực tuyến tại thư viện, phòng đọc của cơ quan và những không gian thích hợp; tổ chức các sự kiện nhằm xây dựng thói quen, nhu cầu, hứng thú và hình thành kỹ năng đọc cho mỗi cán bộ, chiến sĩ như: tổ chức các hội chợ sách; các cuộc thi tìm hiểu, giới thiệu về sách... Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long còn phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc với sự tham gia tích cực của cán bộ, chiến sĩ công an. Kết quả, Trung úy Nguyễn Thái Thịnh, Công an huyện Tam Bình đạt giải C toàn quốc. 
 
Từng đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong Công an nhân dân năm 2020, và tiếp tục đạt giải C năm 2021, theo Trung úy Nguyễn Thái Thịnh, sách như là một người bạn, một người thầy, hay một khoảng riêng để bản thân nhìn lại cuộc sống với bộn bề, tấp nập.
 
“Là một đại sứ văn hóa đọc, tôi sẽ luôn nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm sống, xây dựng và đưa vào hoạt động thiết thực và có hiệu quả những mô hình về việc đọc sách, đặc biệt là những quyển sách, báo chí... về địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”- Trung úy Nguyễn Thái Thịnh chia sẻ.
 
Anh cũng bộc bạch muốn được đồng hành cùng các dự án về đọc sách, chung tay xây dựng một thế hệ trẻ biết trân trọng, biết tận dụng nguồn lợi không gì thay thế đến từ những cuốn sách hay. 
Nhiều cuộc thi được tổ chức giúp các bạn trẻ hình thành thói quen, tình yêu đọc sách.
Nhiều cuộc thi được tổ chức giúp các bạn trẻ hình thành thói quen, tình yêu đọc sách.
 
Ứng dụng mạnh mẽ việc chuyển đổi số
 
Chuyển đổi số đang được xem như “cơ hội vàng” cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực, trong đó có thư viện. Hệ thống thư viện tỉnh đang tích cực chuyển đổi số để mang nhiều dịch vụ tiện ích cho độc giả trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, phát triển văn hóa đọc. Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện như: cải tiến giao diện website, phát triển các chuyên mục mới trên website như: video giới thiệu sách, radio sách, góc bạn đọc, phục vụ tài liệu số hóa phục vụ mọi đối tượng bạn đọc. Tư vấn cho bạn đọc qua trang Facebook, website của Thư viện.
 
Đến nay, khoảng 90% công việc chuyên môn, nghiệp vụ và phục vụ bạn đọc được thực hiện bằng máy vi tính nhờ triển khai phần mềm quản lý Thư viện IMICLIB; phần mềm tra cứu (OPAC) và các ứng dụng tiện ích khác. Qua đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần duy trì và thu hút được lượng lớn bạn đọc đến với Thư viện. Theo thống kê năm 2021, Thư viện tỉnh phục vụ hơn 1,7 triệu lượt bạn đọc với 1.909.526 lượt tài liệu; bổ sung được 5.787 bản sách... Hiện tại, thư viện đang triển khai triển lãm trực tuyến gần 300 tài liệu số gồm tài liệu địa chí, luận án- luận văn sẵn sàng phục vụ bạn đọc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu.
Thư viện tỉnh triển lãm trực tuyến gần 300 tài liệu số nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022.
Thư viện tỉnh triển lãm trực tuyến gần 300 tài liệu số nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022.
 
Những cuộc thi, diễn đàn trực tuyến cũng được tổ chức thường xuyên, lan tỏa tình yêu đọc sách. Vừa qua, Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh- Phân hiệu Vĩnh Long đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Có sách làm bạn- Ở nhà vẫn vui”, thu hút gần 100 lượt sinh viên tham gia. 
 
Trong Hội thảo “Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn- Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, một trong những giải pháp phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số là phải chú trọng tạo môi trường đọc hứng thú cho thanh thiếu niên. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng quan tâm phát triển tủ sách điện tử, thư viện điện tử, tủ sách Bác Hồ, thúc đẩy mô hình mỗi tuần đọc một cuốn sách, khuyến khích tinh thần tự đọc, tự nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện… từ đó khơi dậy tinh thần hiếu học, hình thành thói quen xem sách là người bạn thân thiết không thể thiếu của mỗi bạn trẻ.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ