Lạc giữa thế giới bánh dân gian

Cập nhật, 05:54, Thứ Ba, 12/04/2022 (GMT+7)

 

Bánh xèo miền Tây.
Bánh xèo miền Tây.

(VLO) Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần IX, tại TP Cần Thơ đã mở rộng với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ khắp vùng miền đất nước. Mở ra một không gian văn hóa ẩm thực trải hàng ngàn năm với sự đa dạng đến độ mê đắm lòng người. Điều này thật vô cùng ý nghĩa khi lễ hội như thế diễn ra vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Không chỉ là sự “dẫn dụ” của thị giác, không chỉ là sự quyến rũ, tinh tế của hương vị bánh dân gian, mà nó còn là chiều sâu văn hóa, thấm đẫm hồn dân tộc gói ghém trong từng câu chuyện làm nên chiếc bánh từ mộc mạc đơn sơ, cho đến sự biến tấu cầu kỳ qua bàn tay của nghệ nhân, làm nên hình hài những chiếc bánh truyền đời, có sự chọn lọc, sự đổi thay qua những biến đổi thời gian và cả không gian.

Chỉ đơn giản là bánh bò thôi, loại bánh làm từ bột gạo xay thủ công, pha với đường và có thêm nước cốt dừa, ai cũng có thể làm được, nhưng hễ ai có dịp về An Giang đều phải tìm mua, thưởng thức cho được món bánh bò dân gian của xứ này.

Đó là câu chuyện dài của chiếc bánh vừa có sự hợp thành, vừa có sự phân chia rõ ràng của ba dân tộc: Kinh- Khmer- Chăm, cùng sống chung trên mảnh đất đặc biệt vùng biên giới Tây Nam. Có những tên gọi khác nhau như: bánh bò nướng, bánh Hacô hay bánh Namparang, nhưng cái bánh bò của xứ này đều được nướng trên bếp than.

Bột gạo phải được ngâm nửa ngày mới đem xay, khi pha với đường thốt nốt nó mới dậy bột và khi làm ra những chiếc bánh không bị chai.

Đặc biệt, đem nướng bánh phải ủ nhiệt đều cả mặt trên, nên phải nướng những chiếc nắp có độ nóng vừa phải trước khi đậy bên trên, để những chiếc bánh vun đầy lên và tạo cho bên trong chiếc bánh có rễ tre, ăn mới tơi xốp.

Hương vị ngọt đặc trưng của đường thốt nốt, miếng bánh bột gạo vừa bùi, vừa béo ngậy nước cốt dừa sền sệt, làm nên sự “mê mệt” của bánh bò nướng xứ An Giang.

Gian ẩm thực của các nghệ nhân tỉnh An Giang đã mang đến câu chuyện chiếc bánh bò nướng trứ danh, lý giải vì sao món ăn quê mùa này vẫn còn đứng vững cho đến ngày nay.

Ông bà ta tài tình ở chỗ hầu hết tất cả các loại bánh lâu đời, quen thuộc nhất đều được chế biến từ nguyên liệu chính là gạo, nếp, trải mấy ngàn năm mà làm thành muôn hình vạn trạng bánh dân gian.

Những chiếc bánh chưng, bánh giầy từ “cuộc thi ẩm thực” đầu tiên trên thế giới, hồi đời các Vua Hùng qua mấy ngàn năm đi vào phương Nam được “thay áo mới” thành chiếc bánh tét, bánh ít, nhưng ở không gian lễ hội này, những chiếc bánh tét Trà Cuôn của đồng bào Khmer Trà Vinh mới thật sự nổi bật vì sắc màu và cái hình dáng khổng lồ của nó.

Sức sống mãnh liệt và sự giao thoa văn hóa trải mấy ngàn năm, trải khắp vùng miền, có thể thích ứng với nhiều văn hóa dân tộc, cho thấy sự tuyệt vời của bánh dân gian Việt Nam.

Người miền Tây đã quá quen thuộc với bánh xèo, bánh khọt, bánh bò, bánh bao… nên hẳn sẽ dễ bị hút ánh nhìn vào những gian hàng bánh đến từ phía Bắc, như: Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa… đã mang đến những loại bánh “cổ xưa” cùng với những câu chuyện vô cùng thú vị, gắn với không gian làng xã và những phong tục đẹp làm nên cuộc đời mỗi chiếc bánh dân gian.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngà và Nguyễn Thị Nha (Bắc Ninh), giới thiệu bánh tẻ làng Chờ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngà và Nguyễn Thị Nha (Bắc Ninh), giới thiệu bánh tẻ làng Chờ.

Những chiếc bánh cắp làng Đào Xá thường dâng cúng Phật; bánh tẻ làng Chờ làm quà quê những bữa tiệc, đám khao; những chiếc bánh phu thê không thể thiếu ngày cưới hỏi, ngày Tết, được các nghệ nhân đến từ Bắc Ninh giới thiệu trong những chiếc áo tứ thân duyên dáng vùng Kinh Bắc.

Rất nhiều loại bánh dân gia phía Bắc sử dụng nguyên liệu mật mía thay đường như bánh ngõa thôn Lũng Ngoại, bánh trùng mật mía, bánh chim gâu, bánh chuột đến từ Vĩnh Phúc.

Qua mỗi loại bánh, các nghệ nhân Vĩnh Phúc mang đến cho mọi người một câu chuyện lịch sử, một nét đẹp văn hóa đậm đà miền quê xưa của người Việt.

Nghệ nhân Đặng Văn Tuân đến từ thôn Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Trường, kể rằng: Bánh ngõa Lũng Ngoại là đặc sản lâu đời của thôn Lũng Ngoại (Vĩnh Phúc).

Hồi xưa được xem là món ăn cao lương mỹ vị, mà theo lời các vị cao niên thì chỉ vào dịp mừng thượng thọ, thì mới được chuẩn bị cho một mâm bánh ngõa và bánh được xếp theo hình chiếc nón cụt. Bánh được làm từ bột gạo, mật mía và đậu xanh, nhưng quá trình chuẩn bị rất công phu.

Bởi để làm được mâm bánh ngõa, thì gia chủ phải làm một con heo mời tất cả cháu con trong gia tộc đến để cùng chung tay thực hiện. Phong tục này làm cho chiếc mâm bánh ngõa trở nên trang trọng và có tính cố kết cộng đồng ruột thịt trong dòng họ, gia đình.

Hàng trăm loại bánh cùng các nghệ nhân hội tụ về đây, khó lòng mà “nếm qua” cho xuể. Chỉ lướt mắt thôi đã thấy mê đắm, như lạc vào thế giới lung linh của sắc màu và quyến rũ của hương vị đặc trưng.

Mỗi loại bánh “gói ghém” trong mình một câu chuyện lịch sử, được truyền đời qua bao thế hệ, trải qua khắp vùng miền đã làm nên nền văn hóa ẩm thực bánh dân gian đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Ngày hội bánh dân gian được tổ chức dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, cũng là nhắc nhở đến tích xưa dâng bánh tỏ lòng tri ân nguồn cội tổ tiên, lòng thành tạ ơn trời đất, mưa thuận gió hòa cho người dân được hạnh phúc ấm no.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THƯ