Để nghệ thuật múa Khmer trường tồn với thời gian

Cập nhật, 08:52, Chủ Nhật, 03/04/2022 (GMT+7)
Điệu múa Apsara của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, các động tác uyển chuyển với trang phục lấp lánh, sang trọng.
Điệu múa Apsara của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, các động tác uyển chuyển với trang phục lấp lánh, sang trọng.

Người Khmer có một di sản văn hóa độc đáo là các điệu múa. Nghệ thuật múa của người Khmer hội tụ cả tài năng, tri thức sáng tạo, những bản sắc, những giá trị văn hóa, xã hội và giá trị thẩm mỹ của cộng đồng.

Mỗi điệu múa là một sắc thái

Múa Khmer được chia thành hai loại hình rõ nét: Múa cung đình và múa dân gian. Theo Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Mô Ly- Trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, nghệ thuật múa cung đình nổi bật với điệu múa Apsara, tiên giáng trần, dâng hoa… sử dụng tiết tấu chậm rãi, cử chỉ, điệu bộ mềm mại và khoan thai… Từ ngón tay cho đến gót chân đều có “tiếng nói” riêng, động tác sử dụng phải thật uyển chuyển. Trang phục sử dụng lấp lánh, nón đội phải cao thể hiện sự uy nghi, sang trọng. Ngoài ra, việc sắp xếp đội hình và di chuyển khi múa sao cho đan xen, nhịp nhàng… cũng là điều làm nên thành công cho điệu múa cung đình.

Đối với người Khmer, nghệ thuật múa là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo vừa mang tính thiêng liêng, vừa là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động mệt nhọc. Nghệ thuật múa ra đời từ rất sớm và có nhiều hình thái. Nếu như múa cung đình mang tính trang trọng, cổ kính bao nhiêu thì múa dân gian lại thoải mái, lạc quan và hóm hỉnh bấy nhiêu. Điệu múa dân gian được nhiều người biết đến là Răm Vông (múa Lâm Thôn). Tham gia điệu múa này, từng đôi trai gái vừa múa vừa đi vòng tròn, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ, thể hiện sự quấn quýt. Các động tác của nữ khi múa lượn 2 cánh tay đưa ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình.

Những điệu múa mang tính nghệ thuật cao hơn phải kể đến loại hình kịch múa Rô băm với động tác vũ đạo khá đẹp mắt. Múa Rô băm sử dụng động tác tay, chân và đạo cụ để thay thế cho lời nói nhằm diễn tả tâm trạng nhân vật một cách rõ nét. Do phần lớn cốt truyện của kịch múa mang đậm tính truyền thuyết, thần thoại nên múa càng có điều kiện phát huy ở loại hình sân khấu này. Cái hay của điệu múa này nằm ở chỗ làm người xem hiểu được nội dung, ý nghĩa của câu chuyện thông qua diễn xuất tài tình của các diễn viên.

Trường tồn với thời gian

Hiện nay, múa Khmer đã phát triển mạnh mẽ cả về thể loại lẫn chất lượng. Và nghệ thuật múa hiển nhiên không dừng ở những hoạt cảnh, cốt truyện ngắn, mà đã được các biên đạo múa người Khmer nâng lên thành những cốt truyện dài. Tuy nhiên, đứng trước việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật múa Khmer vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, thử thách.

Trước mắt, để tránh mai một, các ngành chức năng cần phải xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ giữa các loại hình nghệ thuật để nghệ thuật múa Khmer có cơ hội kết hợp, phát huy hết khả năng phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ diễn viên múa ở cơ sở để phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân; giúp người dân sau thời gian lao động, sản xuất có điều kiện tham gia biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật và thừa hưởng thành quả, giá trị nghệ thuật do chính họ tạo ra…

Đặc biệt, cần phổ biến, truyền dạy, thổi vào lòng các thế hệ kế thừa niềm đam mê nghệ thuật theo đúng bản sắc văn hóa của dân tộc mình, để các điệu múa dân tộc Khmer trở thành sản phẩm du lịch độc đáo giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Đây là niềm tự hào của bà con Khmer Nam Bộ.

PHƯƠNG NGHI

(Lược trích theo baodantoc.vn)