Phụ nữ Việt Nam - những "cái nhất" phi thường

Cập nhật, 05:13, Thứ Ba, 08/03/2022 (GMT+7)

Kỳ 1: Soạn tự điển, sáng tác thơ

Tranh vẽ Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.Ảnh: Internet
Tranh vẽ Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.Ảnh: Internet

(VLO) Trong lịch sử ngàn đời của người Việt Nam, thì vai trò của người phụ nữ luôn đặc biệt quan trọng. Trong đó, có những tấm gương yêu nước sáng ngời như Bà Trưng, Bà Triệu, cùng những nữ sĩ, trí thức tài hoa xuất chúng.

Người phụ nữ đầu tiên soạn thảo từ điển cho quốc gia: Hoàng hậu Diệu Viên, vợ của Vua Lê Thần Tông là một nữ trí thức trong triều hậu Lê. Bà có tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, sinh năm 1595, là thứ nữ Chúa triều Lê- cụ Thanh Vương Trịnh Tráng.

Tháng 5/1630, bà được gả cho vua Lê Thần Tông và được tấn phong là hoàng hậu. Bà là người phụ nữ thông minh, uyên bác, vừa giỏi chữ Hán vừa giỏi thơ ca, am hiểu sâu đạo Phật. Lúc vào triều, bà đã nghiên cứu nhiều về văn hóa, văn minh của xứ Việt, nên cả cuộc đời bà về sau đã tập trung chấn hưng văn hóa, phát triển chữ Nôm, làm giàu thêm cho tiếng Việt về sau này.

Vào đầu thế kỷ XVII, bà là người phụ nữ duy nhất đứng chân biên soạn bộ “Từ điển song ngữ Hán Việt” đầu tiên nước ta, với tên gọi: “Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa” với gần 3.000 câu, 40 chương bộ, với nhiều thiên, tập, về: địa lý, thiên văn, nhân luận, nhân thể, binh khí, nhạc khí, tang lễ, hôn nhân…

Theo tư liệu của Viện Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), thì bộ từ điển đầu tiên rất đồ sộ này, được chuyển theo thể thơ có kèm chữ Hán, với nội dung 24.000 chữ chuyển tải dịch nghĩa, ý của chữ Hán ra thành chữ Nôm.

Để tưởng nhớ công ơn và kiến thức uyên thâm này, tại chùa Mật tỉnh Thanh Hóa, người dân đã tạc tượng bà, cùng tôn thờ tại ngôi chùa cổ kính này, từ đầu thời Hậu Lê.

Gánh hát cải lương- tất cả đều là phụ nữ, đầu tiên ở đất Việt Nam: Đó là gánh hát cải lương Đồng Nữ Ban được thành lập năm 1927 ở tỉnh Mỹ Tho.

Năm 1927, với sự chỉ đạo của Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng đồng chí hội tại Nam Bộ, và Tỉnh hội Việt Nam cách mạng đồng chí hội tỉnh Mỹ Tho, một số hội viên chủ chốt là Trần Văn Hòe và Trần Ngọc Viện, Nguyễn Thị Dành (cô và mẹ của GS.TS. Trần Văn Khê) đã sáng lập ra gánh cải lương Đồng Nữ Ban, tập hợp tất cả chị em nữ yêu thích cải lương tại Mỹ Tho, nhằm dùng sân khấu làm nơi giáo dục quần chúng, giáo dục tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm cho cả vùng Nam Bộ.

Gánh hát Đồng Nữ Ban do cô Trần Ngọc Viện (cô Ba Viện) làm bầu gánh kiêm đạo diễn chương trình. Số diễn viên có khoảng 30 người, chủ yếu tuổi 17- 21, đều là con em của các gia đình yêu nước, tiến bộ, đã không sợ sự đàn áp kẻ thù, dám đạp đỗ thành kiến “xướng ca vô loài”- cho con gái của mình vượt qua sự coi thường nữ giới ở thời phong kiến. Gánh hát tuy chỉ trong một tỉnh, song tiếng vang toàn vùng, rất được người dân ở các tỉnh Nam Kỳ hâm mộ.

Nhận thấy tính chất “quốc sự” về chính trị của gánh hát, nên giới cầm quyền Pháp tại Mỹ Tho đã o ép đủ mọi điều và sau 2 năm- vào năm 1929, gánh hát của chị em phụ nữ Mỹ Tho phải tạm ngưng hoạt động, do sự khủng bố của kẻ thù.

Tuy tồn tại không lâu, song Gánh hát cải lương Đồng Nữ Ban là tiếng nói của chị em trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, vì thống nhất nước nhà.

Bà Nguyễn Thị Thập với 36 năm liền là đại biểu Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Thập với 36 năm liền là đại biểu Quốc hội.

Người phụ nữ là đại biểu Quốc hội nhiều khóa nhất: Bà tên là Nguyễn Thị Thập- một chiến sĩ nữ hoạt động từ trong đấu tranh chống thực dân Pháp, trước Cách mạng Tháng 8/1945. Bà sinh ngày 10/10/1908 ở Mỹ Tho (Tiền Giang) tham gia hoạt động cách mạng tại Mỹ Tho, đến năm 1933 bà lên Sài Gòn- Chợ Lớn hoạt động, là Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn, rồi Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ vào năm 1935.

Năm 1946, tại Quốc hội khóa đầu tiên, bà là một trong 7 nữ đại biểu Nam Bộ trúng cử đại biểu Quốc hội. Tiếp đó, bà trực tiếp tham gia 6 khóa liền và là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội khóa V, khóa VI. Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được nhận Huân chương Sao Vàng- huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta.

Với 36 năm là nữ đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thập đã có những đóng góp lớn trong phong trào phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới.

Bà chúa thơ Nôm- Hồ Xuân Hương, quê gốc ở làng Quỳnh Đôi- Quỳnh Lưu- Nghệ An. Những tác phẩm của bà được sáng tác vào cuối thế kỷ XVIII, đã sớm được nhiều người yêu mến, như: “Cảnh Thu”, “Bánh trôi nước”, “Tự tình I và Tự tình II”, “Đánh đu”, “Vịnh cái quạt”, “Vấn nguyệt”, “Hỏi trăng”, “Núi Ba đèo”, “Hữu cảm”, “Tát nước”, “Mời trầu”,…

Nhà thơ Xuân Diệu từng cho rằng: “Thứ thơ ấy không chịu ở trong khuôn khổ thông thường mà là một thứ thơ muốn lặn sâu vào sự vật, vào những thứ đáy rất kín thẳm của tâm tư.

Những thứ kín thẳm ấy không phải lạc lõng, cô đơn, cá nhân, chủ nghĩa mà trái lại đã được hàng vạn người đồng tình cảm”. Còn GS. Lê Trí Viễn thì nhận xét: “Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ, thể hiện một bản lĩnh sống mạnh mẽ khác thường”.

Đại hội đồng UNESCO đã nhất trí thông qua nghị quyết vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhân ngày sinh thứ 250 của bà, và sẽ tổ chức lễ kỷ niệm vào năm nay 2022.

(Còn tiếp)

Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU