Qua chợ Bến Thành nhớ Lê Văn Mậu

Cập nhật, 06:36, Thứ Bảy, 19/02/2022 (GMT+7)

 

Lê Văn Mậu (ảnh chụp lại từ ảnh gia đình). Ảnh: Trần Thắng
Lê Văn Mậu (ảnh chụp lại từ ảnh gia đình). Ảnh: Trần Thắng

(VLO) Ngày đầu năm 2022, tôi có dịp ghé vào căn nhà nằm bên đường Nguyễn Huệ thuộc Phường 2, TP Vĩnh Long. Phía trên con hẻm nhỏ dẫn vào nhà có tấm bảng hiệu làm bằng mi-ca ghi dòng giới thiệu: Lê Văn Mậu - Họa sĩ - Điêu khắc gia - Giáo sư Đại học Mỹ thuật, phía dưới làtên người con trai Lê Minh Hiệp - Họa sĩ - Điêu khắc gia - Giảng viên, cùng địa chỉ, số điện thoại.

Thấy tôi nhìn tấm bảng, một người hàng xóm liền nói: Nhà ông Mậu giờ chỉ còn người con gái sống với đứa con trai, dâu và cháu nội. Có chuông cửa đó!

Nhấn chuông mấy lần, một người phụ nữ bước ra, bà giới thiệu là Lê Thị Ánh Mai, 61 tuổi, là con gái út- cũng theo nghiệp cha tốt nghiệp Khoa Điêu khắc Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sau khi nghỉ hưu bà đảm đương việc thờ cúng cha mẹ và người anh trai.

Sau khi tôi xin phép thắp nhang lên bàn thờ của điêu khắc gia Lê Văn Mậu, bà Mai đưa tôi ra thăm mộ ông ở phía sau nhà, đường đi cây cỏ rậm rạp phủ kín lối đi. Bà khẽ nói: Cẩn thận nhé ở ngôi mộ cha tôi có con rắn lục cườm hay nằm tránh nắng!

Phần mộ của ông bà Lê Văn Mậu nằm ở cuối vườn, trên tấm bia có ghi: Ông Lê Văn Mậu, Họa sĩ - Điêu khắc gia - Cựu Giáo sư Đại học Mỹ thuật, sinh ngày 8/8/1917, mất 15/3/2003 (13/2 Quí Mùi), hưởng thọ 87 tuổi. Giải Nhất tượng đài “Dòng lịch sử Việt Nam huy hoàng (1973)”.

Chủ tịch Hội đồng chấm giải điêu khắc của giải thưởng Văn học nghệ thuật toàn quốc (1973-1974); được đăng tiểu sử trong sưu tập “Who’s Who in Việt Nam 1975” (Nhân vật Việt Nam); Viện Nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam 1981, Viện Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Biên Hòa.

Một cơn gió lùa ngang làm rơi rụng mấy cánh hoa trên cây mai vàng trồng cạnh mộ, càng thêm thương nhớ nhà điêu khắc tài hoa...

Là một nhà điêu khắc có nhiều tác phẩm, công trình tượng đài được thi công ở nhiều địa phương trong nước và cả ở nước ngoài, nhưng có lẽ nhiều người ở Vĩnh Long chưa biết rõ về ông.

Sau khi nghỉ hưu, ông Lê Văn Mậu trở về quê sống đến cuối đời. Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo tại xã Tân Hạnh, quận Châu Thành (nay là huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), ngay từ thuở nhỏ đã có năng khiếu về điêu khắc.

Cục đất sét trong đôi tay tài hoa thoáng chốc đã trở thành những tượng người, những con vật xinh xắn thu hút đám bạn bè trong xóm, ngay cả người lớn cũng phải trầm trồ khen đẹp... học xong bậc tiểu học ông được gia đình đưa lên Sài Gòn học tiếp trung học.

Với năng khiếu, ông thi đậu vào Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa. Bài thi tốt nghiệp được xếp loại xuất sắc. Năm 1937 ông ra Hà Nội theo học tại Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương (khóa học 1937-1942).

Các tác phẩm điêu khắc đầu tay bằng thạch cao trong thời gian học tại trường, như “Thiếu nữ khỏa thân”, “Đám rước” đã để lại nhiều dấu ấn. Bức tượng “Thiếu nữ khỏa thân” được chấm 18/20 điểm và bức phù điêu “Đám rước” được chọn đi dự triển lãm tại Pháp.

Trên một tờ báo Pháp có in nhận xét: “Tác phẩm “Đám rước” của Lê Văn Mậu, với cách bố cục và sự tìm tòi trong cách thể hiện, đã báo hiệu một nghệ sĩ tài năng”. Tuy nhiên vào năm 1941, ông quyết định thôi học trong khi chỉ còn một năm nữa là thi tốt nghiệp.

Từ giã Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương, trở lại đất phương Nam, ông tiếp tục đeo đuổi nghề và từ năm 1944 ông trở thành giáo viên dạy môn điêu khắc và môn vẽ ở Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa và từ năm 1961- 1963, làm hiệu trưởng trường này.

Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa nổi tiếng với dòng gốm mỹ nghệ, với những sản phẩm gốm trang trí đặc trưng. Trường cũng nhận thực hiện nhiều công trình lớn, như 12 bức phù điêu ở chợ Bến Thành- là một trong những công trình tiêu biểu của trường còn tồn tại đến ngày nay.

 

Cách nay 70 năm, vào năm 1952 nhà thầu sửa chữa chợ Bến Thành đã đặt hàng Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa làm những bức phù điêu đặt trên 4 cửa chính ra vào chợ. Thầy Lê Văn Mậu được giao sáng tác với các hình ảnh tượng trưng cho sản vật vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Được sự hỗ trợ của đồng nghiệp và những nghệ nhân lành nghề làng gốm Biên Hòa, 12 bức phù điêu được hoàn thành đem vào lò nung.

Kết quả cho ra lò những sản phẩm rất đẹp với màu men trắng ta, trắng ngà ngà màu vàng mỡ gà rất hiếm gặp, cộng với nhiệt độ không đồng đều khi nung nên khi ra lò có miếng màu nhạt, màu đậm, càng tôn vẻ đẹp những bức phù điêu của vùng gốm nổi tiếng đất Đồng Nai.

Chợ Bến Thành và bức phù điêu đặt ở cửa Nam. Ảnh: TL
Chợ Bến Thành và bức phù điêu đặt ở cửa Nam. Ảnh: TL

Theo những người thợ được giao nhiệm vụ gắn 12 bức phù điêu cho bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc của chợ Bến Thành, thời gian hoàn thành công trình khoảng hai tháng.

Cửa Đông với phù điêu hình con bò và vịt ở giữa, bên trái là bò và heo, bên phải là vịt. Cửa Tây với phù điêu hình con cá đuối và nải chuối ở giữa, bên trái là nải chuối, bên phải là cá đuối và cá trê.

Cửa Nam (cửa có tháp đồng hồ) với phù điêu hình con bò và con cá ở giữa, bên trái là cá đuối và cá trê, bên phải là bò và heo.

Cửa Bắc với phù điêu hình vịt và nải chuối ở giữa, bên trái là vịt, bên phải là nải chuối. Trải qua 70 năm với bao đổi thay của thời cuộc, nắng mưa nhưng chợ Bến Thành và những bức phù điêu vẫn tồn tại với thời gian.

Chợ Bến Thành là hình ảnh quen thuộc ăn sâu vào trí nhớ bao người hơn trăm năm qua và trở thành một trong những biểu tượng của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.

Trên 44 năm đứng trên bục giảng Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (ngày nay là Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) và từ năm 1969- 1975 giảng dạy tại Trường Quốc gia CĐ Mỹ thuật Sài Gòn (sau này là Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh), đến năm 1988 ông nghỉ hưu.

Giáo sư, điêu khắc gia Lê Văn Mậu đã hướng dẫn biết bao lớp học sinh, sinh viên... nhiều học trò của ông đã trưởng thành, trở thành những nghệ nhân, họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng.

Trong sự nghiệp của mình ông đã sáng tác hàng trăm tác phẩm. Hiện nay được trưng bày, lưu giữ tại Pháp, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa, chùa Xá Lợi, Bảo tàng Vĩnh Long, trụ sở UBND và Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá… cũng như nhiều bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

Ông cũng là một trong những người tạo ra nhiều mẫu nhất cho dòng gốm Biên Hòa. Với những cống hiến của mình ông được Nhà nước trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục cùng nhiều danh hiệu, bằng khen trên lĩnh vực chuyên môn.

Sau những ngày đầy khó khăn để vượt qua dịch bệnh, hiện nay hầu hết các hoạt động xã hội bước vào giai đoạn bình thường mới, các bảo tàng, điểm du lịch, đền thờ… đều mở cửa đón khách, ở những nơi bạn đặt chân đến rất có thể bắt gặp tác phẩm của ông, nhất là nếu có dịp đi qua chợ Bến Thành- ngôi chợ được chọn làm biểu tượng của TP Hồ Chí Minh, hãy ngắm nhìn vẻ đẹp của những bức phù điêu gắn trên 4 cửa chợ và nhớ về nhà điêu khắc tài hoa Lê Văn Mậu- người con của quê hương Vĩnh Long.

(Bài viết có tham khảo tư liệu của Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai; Từ điển nhân vật lịch sử Vĩnh Long của Nguyễn Chiến Thắng)

TRẦN THẮNG