"Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương

Cập nhật, 13:57, Chủ Nhật, 12/12/2021 (GMT+7)

 

Phiên họp toàn thể kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam.
Phiên họp toàn thể kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam.

(VLO) Hiện tại, không có một tài liệu nào ghi chép lại cụ thể thân thế, năm sinh, năm mất của “Bà chúa thơ Nôm”. Theo gia phả dòng họ Hồ tại Quỳnh Lưu, Hồ Xuân Hương con ông Hồ Phi Diễn (1703- 1786) ở làng Quỳnh Đôi- Quỳnh Lưu- Nghệ An.

Bà mồ côi cha lúc 13 tuổi, theo mẹ về sống tại làng Thọ Xương, gần hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi xưa nay vốn nổi tiếng nhiều người đỗ đạt, làm quan.

Hiện có nhiều nhà nghiên cứu đã nhất trí Hồ Xuân Hương sinh vào năm 1772. Khi cha bà đỗ đạt, gia đình chuyển đến sống ở kinh đô Thăng Long. Sau đó, cha mất, mẹ bà tái hôn.

Mặc dù ít được cha mẹ quan tâm, song Hồ Xuân Hương là người phụ nữ có học và thông minh (chủ yếu tự học). Bà lớn lên trong thời cuối nhà Lê Sơ và đầu nhà Nguyễn.

Giai đoạn xã hội phong kiến Việt Nam đương thời có nhiều biến động và bắt đầu thoái trào. Do vậy, bà đã chứng kiến những thăng trầm của thời cuộc và chứng kiến cảnh người phụ nữ bị tư tưởng phong kiến nho gia, trọng nam khinh nữ. Điều này ảnh hưởng lên các sáng tác của bà hàng chục năm sau đó.

Những tác phẩm của bà đa số đều viết bằng chữ Nôm và đây là nhà thơ chữ Nôm nổi tiếng thời kỳ cuối thế kỷ XVIII. Hồ Xuân Hương từng được nhà thơ Xuân Diệu suy tôn là “Bà chúa thơ Nôm”.

Ký họa về Hồ Xuân Hương trong tập thơ xuất bản mang tên Thơ Hồ Xuân Hương.
Ký họa về Hồ Xuân Hương trong tập thơ xuất bản mang tên Thơ Hồ Xuân Hương.

Là một người phụ nữ tài hoa, khi mà tục và thanh chỉ có ở Hồ Xuân Hương. Ý thơ táo bạo, cá tính mạnh mẽ.

Hồ Xuân Hương có hai đời chồng, cả hai lần đều làm lẽ và không có hạnh phúc. Thơ như một lời tâm sự về cuộc đời “Bà chúa thơ Nôm” tài hoa nhưng bất hạnh.

Thông minh và làm thơ hay từ nhỏ nên tiếng tăm Hồ Xuân Hương sớm nổi tiếng tại Hà Thành. Khi bà lớn lên, có ông Tổng Kình (tên tự Nguyễn Công Hòa, ở làng Tứ Xã, huyện Phong Châu) muốn kết duyên với Bà.

Biết khi bé Tổng Kình có tên là Cóc, nên sau này Hồ Xuân Hương gởi bài thơ “Khóc Tổng Cóc”, từ đó dân làng hay gọi ông là Tổng Cóc.

Chuyện tình của bà với Tổng Cóc trở thành một giai thoại, khi Hồ Xuân Hương bộc lộ trong bài thơ lúc bà đã “hết duyên” làm vợ lẽ của ông Tổng Cóc:

Chàng Cóc ôi! Chàng Cóc ôi!

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi,

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

Thơ của Hồ Xuân Hương được viết bằng chữ Nôm với chất thơ vừa thanh, vừa tục nổi tiếng lúc bấy giờ. Các tác phẩm còn ghi lại được của Hồ Xuân Hương không nhiều, chỉ còn khoảng vài chục bài, song có sức ảnh hưởng khá lớn trong thời phong kiến.

Một số tác phẩm nổi tiếng của Bà chúa thơ Nôm: Cảnh Thu, Đánh đu, Vịnh cái quạt, Vấn nguyệt, Chùa Hương tích, Chùa Sài Sơn, Họa nhân, Đá ông bà chồng, Duyên kỳ ngộ, Hỏi trăng, Hương đình cổ nguyệt thi tập, Núi Ba đèo, Hữu cảm, Vịnh Hằng Nga, Tát nước, Tặng tình nhân, Chơi khán đài…

Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam thời kỳ phong kiến. Một nhà thơ Nôm nổi tiểng về sáng tác phá cách, nhà thơ nữ viết về phụ nữ rất được sự đồng cảm, đón nhận của nữ giới từ hơn 200 năm trước.

Bi kịch đè nặng đã giúp Hồ Xuân Hương trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, ngay cả trong sáng tác. Thơ của bà chủ yếu xoay quanh thân phận người phụ nữ và sự đấu tranh của người phụ nữ với chế độ phong kiến lạc hậu.

Thơ Hồ Xuân Hương còn có nhiều bài mang tính chế giễu, phê phán thói hư, tật xấu trong xã hội lúc bấy giờ. Ngoài ra, có một giọng thơ mang đậm tính hiện thực, đó là tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, muốn hòa mình cùng thiên nhiên, đất nước thanh bình ở quê hương cũng như Hà Thành. Những cảnh vật trong thơ bà luôn tươi rói.

Trong xã hội phong kiến thế kỷ XVIII, sinh hoạt xã hội bất kỳ ở tầng lớp nào thì dục tính cá nhân vẫn còn len lỏi vào cuộc sống, nhất là khi đưa vào thơ văn.

Hồ Xuân Hương ca tụng những sinh hoạt trần tục và những niềm vui trần tục. Bà đã tiếp nhận tính hồn nhiên trong ca dao, tục ngữ để biến nó thành những vần thơ tục mà thanh hiếm có. Khi Hồ Xuân Hương tới đèo Ba Dội và đã vịnh về đèo này như một bức tranh tả chân đơn sơ nhưng lại sống động:

Một đèo, một đèo lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo

Hiền nhân quân tử ai là chẳng

Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo.

Ở Hà Thành, Hồ Xuân Hương giao tiếp rộng rãi, song không thể vượt qua khuôn phép phong kiến với bao bất công với phụ nữ. “Đau đớn thay phận đàn bà! Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu”. Hồ Xuân Hương khi hai lần lấy chồng đều làm thứ thiếp. Bà chán ngán sự thật phũ phàng cảnh lấy chồng chung “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”.

Bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương thể hiện một cách sâu sắc, mãnh liệt, khát khao sống tự do của thân phận người phụ nữ. Tự tình còn là nỗi buồn và lời tâm sự của nhà thơ về số phận lẻ loi của mình, bà khao khát có được hạnh phúc, được yêu thương từ bậc quân tử, song rồi cứ ngán ngẩm mà chỉ biết mình nói với mình:

Tiếng gà xao xác gáy trên bom,

Oán hận trông ra khắp mọi chòm.

Mõ thảm không khua mà cũng cốc,

Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.

Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,

Sau hận vì duyên để mõm mòm.

Tài tử văn nhân ai đó tá?

Thân này đâu đã chịu già tom!

Và “Canh khuya” buồn bã (Tự tình II):

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn.

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

Những tác phẩm thơ Nôm tuyệt diệu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã khiến nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Thứ thơ ấy không chịu ở trong khuôn khổ thông thường mà là một thứ thơ muốn lặn sâu vào sự vật, vào những thứ đáy rất kín thẳm của tâm tư.

Những thứ kín thẳm ấy không phải lạc lõng, cô đơn, cá nhân, chủ nghĩa mà trái lại đã được hàng vạn người đồng tình cảm”. Còn Giáo sư văn học Lê Trí Viễn cũng nhận xét: “Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ, thể hiện một bản lĩnh sống mạnh mẽ khác thường”.

 

Mời trầu

Hồ Xuân Hương

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

Này của Xuân Hương mới quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

-----

Bánh trôi nước

Hồ Xuân Hương

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

---

Lấy chồng chung

Hồ Xuân Hương

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Năm chừng mười họa hay chăng chớ

Một tháng đôi lần có cũng không

Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng

Cầm bằng làm mướn mướn không công

Nỗi này ví biết dường này nhỉ

Thời trước thôi đành ở vậy xong

PHẠM SÔNG LA